Sang Campuchia

(ANTĐ) - “Khi ông Dương đã yên vị trong phòng khách của Tổng lãnh sự quán được một lúc cùng với con trai và em trai, bà Mừng bước vào, nhưng chợt nhìn thấy ông Dương, bà Mừng vụt chạy ra ngoài. Tôi đoán rằng vì có chúng tôi ngồi đó nên bà Mừng chạy ra ngoài khóc. Bà Mừng không nói với ông Dương một lời nào, nhưng những giọt nước mắt sau 34 năm dồn nén đã nói lên tất cả, nó sâu sắc hơn bất cứ một lời nói nào tại thời điểm đó. Một lúc sau, bà Mừng quay lại, rồi kéo ngay cô con gái ông Dương sang ngồi bên cạnh mình và ôm lấy nó, bà nói với nó bằng tiếng Việt: “Mẹ không đẻ ra con nhưng mẹ coi con như con của mẹ”. Mặc dù không hiểu người “Mẹ Việt Nam” nói gì nhưng qua ánh mắt và cử chỉ, con bé rất xúc động...”.

Qua email, ông Trần Công Thịnh đã kể lại với tôi về cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình Việt Nam - Campuchia tại Tổng lãnh sự quán như vậy. Ông nói rằng chứng kiến cảnh người vợ kéo đứa con riêng của chồng vào ngồi sát bên mình và ôm lấy nó, rồi cuộc gặp gỡ vô cùng xúc động giữa hai bà vợ, ông nghĩ rằng có lẽ trong trường hợp này, hai người phụ nữ đã chịu nhiều hy sinh, mất mát, họ đã quá hiểu về “cảnh ngộ” của nhau, cũng như những gì mà mỗi người phải vượt qua. Chiến tranh đã làm nên những số phận và số phận của họ phải như vậy, họ chấp nhận số phận ấy. Niềm vui sum họp đã làm nhòa đi tất cả những mặc cảm tâm lý thông thường. Nó báo hiệu một cuộc sum họp gia đình đầm ấm đã đến... Sau khoảng 1 giờ gặp nhau tại Tổng lãnh sự quán, xe của Tổng lãnh sự quán đã đưa cả gia đình về nhà ông Dương. Người vợ Khmer cũng đã nhiều tuổi (bà hơn ông Dương vài tuổi) cũng rất tươi cười ra đón “những thành viên mới của gia đình” - vui vẻ, thân tình và cảm động. Hai người phụ nữ kéo nhau ngồi ngay xuống sàn nhà, bà Mừng ôm lấy bà vợ Khmer: “Cảm ơn chị đã cưu mang chồng em khi hoạn nạn, anh Dương sống được là nhờ chị”. Bà vợ Khmer chỉ mỉm cười và hỏi thăm mẹ ông Dương có khỏe không? Hiện đang sống với ai, và tiếp sau đó là những lời hỏi thăm về chặng đường từ Việt Nam sang Campuchia... Kể chuyện với tôi, sau khi ông Quách Đại Dương đã trở về Việt Nam được vài ngày, nhưng bà Mừng vẫn không thôi khóc mỗi khi nghĩ về những đứa con của ông Dương, nhất là đứa con gái: “Cậu con trai đã có gia đình và có con rồi, nhưng đứa con gái, tôi thương nó lắm. Nó nhớ bố, nó nhớ anh nó bên này. Tôi một mực muốn đón nó sang, nhưng chị ấy chưa cho sang. Tôi cũng hiểu và thông cảm với chị ấy. Người mẹ nào, người vợ nào rồi cũng như vậy, ngay cả tôi, tôi cũng làm như vậy. Mẹ con tôi bên này đã 34 năm nay vắng cha rồi, vất vả khổ cực cũng nhiều rồi, nhưng dù sao thì thời gian cũng làm cho chúng tôi nguôi ngoai đi phần nào. Còn chị ấy, vợ chồng đang tình cảm với nhau, các con đang quấn quýt với bố. Bây giờ có sáu cánh tay, tôi rút đi mất một cánh tay thì chị sẽ sống sao đây? Hôm sang đó, tôi cũng muốn nói với chị ấy rằng, mời chị sang bên này. Chị em có bát cơm sẻ làm đôi, nhưng chắc là chị ấy không đồng ý. Cuộc sống của chị ấy bên đó cũng rất khó khăn, chị ấy cũng là người thật thà tốt bụng, nhà cửa chả có gì, trải chiếu nằm tràn lan cả. Hàng ngày vợ chồng, con cái vẫn rán bánh hẹ, đi bán đến 7 giờ tối mới về, cả nhà trông vào cái xe đẩy đó. Chị ấy cũng không có nhiều tiền, nhưng cũng gửi về 100USD biếu mẹ chồng tôi, làm tôi cảm động lắm. Hôm tôi sang đó, và ở lại hai ngày hai đêm. Chị em tôi cùng nằm với nhau trên chiếc chiếu đó và chúng tôi đã tâm sự hết mọi điều. Nếu như ông Dương bỏ tôi mà đi thì tôi không bao giờ tha thứ, nhưng đây là hoàn cảnh của chiến tranh. Tôi không muốn như vậy, chị không muốn như vậy và anh Dương cũng không muốn như vậy”. Trong câu chuyện của bà Mừng, tôi thấy bà gọi những đứa con của ông Dương là “các con nó bên ấy” và các con của ông Dương cũng gọi bà là “Mẹ Việt Nam”, gọi con bà là “anh” hết sức tự nhiên đó là nguồn cội là máu mủ. Cứ hễ nhắc đến đứa con gái bà Mừng lại khóc vì sợ rằng ông Dương về Việt Nam, nó nhớ thương cha mà ốm. Tôi có được dự bữa cơm đoàn tụ của gia đình ông Quách Đại Dương, và được chứng kiến mẹ ông Dương năm nay đã ngoài 80 được nhìn thấy con trai mình trở về. Bàn tay mẹ già run rẩy vuốt tóc ông Dương như vuốt tóc một đứa trẻ, còn ông Dương ngồi bên cạnh mẹ mà nước mắt cứ nghẹn ngào chẳng khác nào một đứa trẻ bị mẹ trách mắng. Mẹ ông Dương nói rằng: “Từ hôm nghe tin nó về tôi thấy mình khỏe hẳn ra, bây giờ chỉ mong đón được thêm cháu nó về đây. Thêm con thêm cháu, là tôi mừng lắm. Lúc ấy tôi có ra đi thì cũng yên lòng”. Trong suốt bữa cơm, tôi không thấy ông Dương ăn gì cả, ông cứ ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng có người giơ cốc chúc mừng thì ông lại cười rồi nâng cốc. Ông cười đấy, mà nước mắt vẫn cứ lấp lánh nơi khóe mắt. Tôi nhìn thấy trong mắt ông vẫn còn nhiểu uẩn khúc. Sau bao nhiêu năm kìm nén, nhớ nhung, xa cách, được trở về với gia đình là điều ông khắc khoải đợi chờ, nhưng giờ đây trong niềm vui đoàn tụ, ông lại nhớ đến khúc ruột ở nơi xa. Đúng lúc bữa cơm, thì có điện thoại của ông Trần Công Thịnh gọi về. Tôi không biết, ở đầu dây bên kia ông Thịnh nói gì, chỉ thấy ông Dương nói rằng: “Em đã về tới nơi rồi, em khỏe. Nhớ lắm, nhớ lắm chứ! Chiều bác ghé qua nhà ngó xem cháu nó thế nào!” Rồi ông Dương lại khóc và không nói được gì nữa. Tất thảy mọi người trong căn nhà nhỏ cũng đều im lặng. Không còn giận hờn, không còn khoảng cách. Chắc chắn rằng một ngày gần đây cuộc hội ngộ của hai gia đình Việt Nam - Campuchia sẽ trọn vẹn. Nhưng còn một điều tâm sự nữa của ông Trần Công Thịnh mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Tôi xin được trích nguyên phần thư của ông Thịnh đã gửi qua email, thay cho lời kết: “Tôi viết những dòng này khi thành phố đã về khuya, ngoài kia Công viên Hunsen, công viên Sar Kheng đang rực rỡ ánh đèn, quốc lộ số 5 - con đường xuyên á vẫn ầm ì tiếng xe chạy, thỉnh thoảng vẫn vọng vào tiếng xe máy rồ ga, tiếng thanh niên đi chơi khuya gọi nhau í ới, Battambang - Vương quốc Campuchia bình yên quá... Tôi bồi hồi nhớ lại những lời cảm ơn của cán bộ và nhân dân Campuchia mỗi lần gặp mặt: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam! Cảm ơn những người mẹ, người vợ - những người phụ nữ Việt Nam đã hiến dâng những người thân yêu nhất, để đất nước Campuchia được hồi sinh”. Nay tôi xin được chuyển lời cảm ơn đó tới bà Bùi Thị Lỏn, mẹ anh Dương, chị Đinh Thị Mừng, vợ anh Dương và biết bao bà mẹ, người vợ khác trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chính sự hy sinh của các mẹ, các chị, các anh để hôm nay, chúng tôi những cán bộ ngoại giao được đứng chân trên vùng đất Tây - Tây Bắc Campuchia tuy còn nhiều khó khăn, nhưng rất bình yên và đang phát triển từng ngày. Tuy công việc bộn bề nhưng trong mỗi chúng tôi luôn dành thời gian đi tìm lại tên cho các anh, đưa các anh về với gia đình quê hương, nơi có những người mẹ, người vợ đang ngóng chờ... Xin cảm ơn các phóng viên đã tìm hiểu và đưa tin để đông đảo bạn đọc được chia vui với niềm vui của gia đình anh Quách Đại Dương như ai đó đã từng viết “Nỗi đau thương chia nửa thành nửa nỗi đau thương – Niềm vui lớn nhân hai thành hai niềm vui lớn”.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=60201&channelid=92