Sáng đẹp danh hiệu 'Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân'

LTS: Ngày 9-10, Cục Dân vận, Báo Quân đội nhân dân (QĐND), Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức Tọa đàm 'Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân'. Thông qua tọa đàm, đã góp phần nêu bật được những mô hình hay, điển hình tiên tiến cũng như làm sáng rõ, sâu sắc hơn nội dung, giải pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp 'Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân' trong tình hình mới. Báo QĐND trân trọng giới thiệu một số ý kiến tâm huyết gửi đến Ban tổ chức, cũng như trình bày trực tiếp tại buổi tọa đàm.

Chuẩn Đô đốc ĐẶNG MINH HẢI, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân: Làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Quân chủng Hải quân (QCHQ) là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo (CQBĐ) của Tổ quốc. Để hoàn thành trọng trách nặng nề được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhiều năm qua, QCHQ đã triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ) giúp nhân dân vững tin vươn khơi bám biển, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ CQBĐ của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải.

Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải.

Bám sát phương châm, tư tưởng chỉ đạo, đối sách giải quyết các vấn đề trên biển của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, QCHQ luôn tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp TTBĐ, kịp thời đấu tranh vạch trần bản chất, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực xâm phạm CQBĐ Việt Nam hoặc lợi dụng vấn đề biển, đảo chống phá nước ta. Tạo dư luận tích cực và hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ ở trong và ngoài nước, thu hút sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, huy động sức mạnh tổng hợp cho công cuộc đấu tranh bảo vệ CQBĐ của Tổ quốc.

Cùng với hoạt động phối hợp TTBĐ, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” được phát động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân khai thác an toàn, đúng pháp luật; hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa bờ; cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, lương thực thực phẩm, cấp cứu, khám, chữa bệnh cho ngư dân; tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân tránh trú bão, neo đậu trong các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa; giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Trong 5 năm gần đây, quân chủng đã cứu kéo hơn 500 tàu, giúp hơn 5.000 ngư dân tránh trú bão an toàn; cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển, góp phần tạo chỗ dựa vững chắc cho nhân dân yên tâm hoạt động trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

------------------

Thiếu tướng TRƯƠNG THIÊN TÔ, Phó chính ủy Quân khu 5: "An dân, nắm dân, giành và giữ dân"

Ở vị thế chiến lược của cả nước, Quân khu 5 là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”; nhất là các bức xúc nảy sinh về ô nhiễm môi trường, đất đai... để đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền một cách quyết liệt.

Thiếu tướng Trương Thiên Tô.

Trước tình hình đó, thực hiện mục tiêu “an dân, nắm dân, giành và giữ dân”, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5 có nghị quyết về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận (CTDV) của LLVT quân khu trong tình hình mới”. Bộ tư lệnh quân khu đề ra nhiều chủ trương đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như: LLVT quân khu tham gia “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, thực hiện “Hũ gạo vì người nghèo”; hành quân dã ngoại làm CTDV; giao địa bàn làm CTDV; tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa bàn đặc biệt khó khăn; đưa bộ đội về ăn Tết với đồng bào...

Các cấp ủy đảng, người chỉ huy đã cụ thể hóa thành nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch cụ thể về CTDV sát hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Từ năm 2003 đến nay, LLVT Quân khu 5 đã tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế phối hợp, nội dung, hình thức tiến hành CTDV thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng xã hội sâu sắc, có sức lan tỏa rộng rãi đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội; củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân giảm nghèo, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... củng cố quốc phòng, an ninh. Thực hiện mục tiêu “an dân, nắm dân, giành và giữ dân”, LLVT Quân khu 5 được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

------------------

Thượng tá TRẦN VIẾT NĂNG, Trưởng ban Thanh niên Quân đội: Đa dạng hóa các hoạt động tình nguyện, giúp dân

Bám sát nhiệm vụ công tác dân vận (CTDV) của toàn quân, Thanh niên Quân đội (TNQĐ) đã cụ thể, đa dạng hóa các loại hình hoạt động tình nguyện; chú trọng hoạt động tình nguyện tại chỗ kết hợp với tổ chức các chiến dịch thanh niên tình nguyện nhằm phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong CTDV. Nổi bật là Ban TNQĐ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương làm mới được hơn 67km đường bê tông trị giá 63,25 tỷ đồng; tuổi trẻ toàn quân đóng góp hơn 3 triệu ngày công với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới; làm mới 31 cầu các loại trị giá 8,235 tỷ đồng; xóa 890 nhà tạm, nhà dột nát và xây tặng 890 “Nhà 100 đồng” với tổng trị giá 59,09 tỷ đồng; xây mới và tu sửa 69 nhà văn hóa trị giá hơn 5 tỷ đồng; làm mới 76km đường điện thắp sáng đường quê, 529 công trình nước sạch; cải tạo, tu sửa 211 nghĩa trang liệt sĩ... Kết quả CTDV của tuổi trẻ quân đội đã góp phần quan trọng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc.

Thượng tá Trần Viết Năng.

Để tiếp tục khơi dậy và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong thực hiện CTDV thời gian tới, tuổi trẻ quân đội xác định tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp tiến hành CTDV; tích cực tham mưu với cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp giao nhiệm vụ CTDV phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đoàn và khả năng của thanh niên. Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức tiến hành CTDV phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực sự lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thường xuyên, liên tục bằng hình thức trực tiếp đến với dân và qua công nghệ thông tin để kết nối với nhân dân. Làm tốt hơn nữa việc phát huy vai trò của tổ chức đoàn các cấp trong xung kích, tình nguyện thực hiện CTDV, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào, cuộc vận động của tuổi trẻ cũng như các phong trào, cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và địa phương phát động...

------------------

Đại tá LÊ QUÝ ĐÌNH, nguyên Phó cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị: Phát huy truyền thống là nhiệm vụ chính trị thường xuyên

Có thể nói, hiếm một quân đội nào trên thế giới lại được nhân dân lấy tên vị lãnh tụ đặt tên cho quân đội của mình như Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là sự thể hiện lòng tin của nhân dân đối với lãnh tụ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính mối quan hệ giữa Đảng, Lãnh tụ-Nhân dân-Quân đội đã tạo nên tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội ta, một đội quân kiểu mới của dân, do dân, vì dân. Một trong những nét độc đáo của Bộ đội Cụ Hồ là sự quan tâm và lòng yêu thương vô bờ bến của Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ toàn quân từ khi mới thành lập đến khi Bác qua đời. Bác vui với những thành tích, chiến công và sự trưởng thành của quân đội và không quên tặng Huy hiệu của Người đối với những cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc. Bác như “đứt từng khúc ruột” mỗi khi nghe tin cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận...

Đại tá Lê Quý Đình.

Thấm nhuần lời dạy và tấm lòng yêu mến, thân thương của vị cha già dân tộc, suốt 75 năm qua, Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó. Danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ có được hôm nay trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, sự chăm lo, nuôi dưỡng chở che của nhân dân. Truyền thống và bản chất Bộ đội Cụ Hồ với những đặc trưng cơ bản của nó không phải là trìu tượng, “Nhất thành bất biến” mà luôn vận động, phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Giữ gìn và phát huy truyền thống, bản chất Bộ đội Cụ Hồ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của quân đội, của mọi cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

------------------

Đồng chí HÀ THỊ LIÊN, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Mái ấm cho người nghèo - dấu ấn từ trách nhiệm vì dân

Trong hoạt động phối hợp công tác của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chăm lo đến các tầng lớp nhân dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, để lại dư âm và tác động tốt đẹp, phải kể đến thành công của đợt vận động thực hiện Chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo".

Đồng chí Hà Thị Liên.

Thời điểm phát động chương trình là ngày 15-10-2008, mục tiêu đặt ra ban đầu là: Đến hết năm 2009 vận động nguồn lực xây dựng 1.000 căn nhà đại đoàn kết tăng hộ nghèo ở những xóm, bản, biên giới, hải đảo. Có thể nói, nội dung và nhiệm vụ đặt ra rất hợp lòng dân, ý Đảng.

Kết quả, sau 3 năm thực hiện đã có 6.650 căn nhà đại đoàn kết, 253 công trình dân sinh nơi biên cương Tổ quốc được đưa vào sử dụng. Kết quả chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo; khẳng định tình nghĩa quân dân đoàn kết, gắn bó. Quá trình phối hợp, các cơ quan đã rút ra nhiều kinh nghiệm: Trước tiên, chọn nội dung chương trình vận động phù hợp, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức, vừa góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Lựa chọn những cơ quan phối hợp phù hợp, vừa phát huy sức mạnh của từng cơ quan, tổ chức, vừa tạo ra sức mạnh tổng hợp trong vận động nguồn lực và tổ chức thực hiện chương trình. Cần có biện pháp triển khai, tổ chức thực hiện thống nhất từ Trung ương tới các địa phương; coi trọng phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là trong việc huy động nguồn lực. Cùng với đó, kết thúc chương trình có tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những địa phương, đơn vị, cá nhân tiêu biểu của phong trào.

Thành công của chương trình cũng ghi lại những hình ảnh đẹp của người cán bộ Mặt trận, những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân trên khắp các nẻo đường về với bà con nơi biên giới, hải đảo. Hình ảnh những căn nhà xinh xắn được dựng lên thay cho những căn nhà tạm cùng nhiều công trình sẽ còn ghi đậm dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ.

------------------

Đại tá TRẦN MINH TÂM, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc: Dân vận khéo để giữ vững “mạch máu” thông tin

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội thông tin liên lạc (TTLL) luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", biết dựa vào dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ để hoàn thành mọi nhiệm vụ trở thành phương châm hành động của Bộ đội TTLL. Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân vận (CTDV), Đảng ủy Binh chủng Thông tin đã có nghị quyết về “Tăng cường và đổi mới CTDV của binh chủng trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định, thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" không chỉ góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân, xây dựng địa bàn vững mạnh mà còn là cơ sở tạo sức mạnh tổng hợp để bảo đảm TTLL “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống.

Đại tá Trần Minh Tâm.

Các đơn vị trong binh chủng đã cụ thể hóa nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo" thành: Khéo trong quan hệ, tiếp xúc với nhân dân; khéo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; khéo trong tham gia giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa bàn đóng quân an toàn. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, bộ đội TTLL đã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, như: "Đường dây trong lòng dân", "Hoa sứ giữa lòng dân" hay các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa… Mỗi cơ quan, đơn vị trong binh chủng là điểm sáng về môi trường văn hóa, tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, củng cố “thế trận lòng dân”, tạo được hình ảnh, uy tín đối với cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn đóng quân. Nhiều đơn vị của binh chủng được UBND các tỉnh (thành phố) khen thưởng về thực hiện tốt CTDV, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn.

------------------

Đồng chí HOÀNG THỊ THU, Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình (Cao Bằng): Chỗ dựa tin cậy của nhân dân

Nguyên Bình tự hào là nơi chứng kiến sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Kể từ ngày đầu thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn kề vai sát cánh, gắn bó cùng nhân dân nói chung, người dân huyện Nguyên Bình nói riêng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, củng cố và xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Đồng chí Hoàng Thị Thu.

Trong thời đại mới, dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình vẫn không bao giờ phai. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung, Ban CHQS huyện Nguyên Bình nói riêng luôn thực hiện tốt công tác dân vận, gắn bó mật thiết với nhân dân trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội; giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Trong phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã đóng góp hơn 2.500 ngày công làm đường nông thôn; xây dựng các công trình phúc lợi. Các đồng chí còn tham gia hàng trăm ngày công san nền giúp gia đình người có công; vận chuyển nguyên vật liệu; khắc phục hậu quả thiên tai; tham gia phòng, chống cháy rừng...; phối hợp xây dựng 70 nhà tình nghĩa, "Ngôi nhà 100 đồng" với tổng trị giá 3,5 tỷ đồng...

Khởi đầu với 34 chiến sĩ từ những “hạt giống đỏ” gieo trên nền đất của quê hương Nguyên Bình, Quân đội ta ngày càng phát triển lớn mạnh. Các đồng chí đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân, xứng đáng với tên gọi Bộ đội Cụ Hồ. Đảng bộ, nhân dân huyện Nguyên Bình nguyện cùng với các cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống quê hương cách mạng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

------------------

Thượng tá VŨ QUỐC ÂN, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn: Xây “thế trận lòng dân” vững chắc

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn luôn kề vai sát cánh “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với đồng bào các dân tộc biên giới trên địa bàn, quán triệt sâu sắc phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Qua đó, được nhân dân tin tưởng, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Để làm được điều đó, BĐBP tỉnh đã không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp công tác Biên phòng, coi trọng công tác vận động quần chúng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Thượng tá Vũ Quốc Ân.

Để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, BĐBP tỉnh tích cực tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ năm 2010 đến nay, BĐBP tỉnh vận động hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội với tổng trị giá gần 4,6 tỷ đồng. Các đồn biên phòng phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống; đồng thời tích cực vận động học sinh bỏ học trở lại trường; mở lớp học bổ túc cho các em học sinh tại đồn Biên phòng; phối hợp triển khai thực hiện học tập cộng đồng ở khu vực biên giới; hỗ trợ kinh phí và huy động cán bộ, chiến sĩ sửa chữa, xây dựng các phòng học, sân chơi, đường đến trường.

Cùng với các hoạt động trên, BĐBP tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 21 xã, thị trấn củng cố, kiện toàn chi bộ thôn, bản, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân... Năm 2019, các đồn Biên phòng đã phân công 92 cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt ở 77 chi bộ thôn, bản, đồng thời cử 186 đảng viên phụ trách giúp đỡ 621 hộ gia đình ở khu vực biên giới; vận động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa, xây dựng các quy ước, hương ước...

Những việc làm thiết thực của BĐBP tỉnh góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân càng thêm gắn bó bền chặt; được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao; qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong tham gia giúp đỡ BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc nơi biên giới.

------------------

Đồng chí LÔ VĂN LÝ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An): Cần tăng cường cán bộ Biên phòng cho xã biên giới

Tam Quang (Tương Dương) là xã vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An. Trước đây, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) của xã gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ từ xã đến bản, làng còn thiếu và yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An đã triển khai tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, trực tiếp tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiệm vụ, biện pháp phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Việc này đã góp phần bổ sung cán bộ cho các địa bàn yếu kém, phức tạp, tạo cầu nối quan trọng giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong huy động sức mạnh của toàn dân, giúp xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.

Đồng chí Lô Văn Lý.

Việc triển khai tăng cường cán bộ BĐBP cho địa phương góp phần giúp xã Tam Quang hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, được UBND tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Bên cạnh đó, các đồng chí cán bộ tăng cường đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồn Biên phòng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ kết quả trên cho thấy, việc tăng cường cán bộ BĐBP về các xã biên giới để tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh là một chủ trương đúng đắn, phù hợp trong điều kiện hiện nay. Do đó, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Quang kính đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh BĐBP trong thời gian tới tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa cán bộ tăng cường cho các xã biên giới của tỉnh Nghệ An, giúp địa phương triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tăng cường hoàn thành tốt nhiệm vụ.

------------------

Sinh viên LÊ THỊ HUYỀN TRANG, lớp Lịch sử Đảng K37, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Bộ đội Cụ Hồ - hình mẫu nhân cách của thế hệ trẻ

Bộ đội Cụ Hồ là hình mẫu về con người mới có mục tiêu, lý tưởng cao đẹp, đạo đức trong sáng; yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong học tập, chiến đấu và công tác…

Sinh viên Lê Thị Huyền Trang.

Có thể nói, dù trong chiến tranh hay hòa bình thì mục tiêu lý tưởng và mọi hành động của người chiến sĩ quân đội đều vì dân, phụng sự nhân dân. Chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay luôn tin tưởng rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nhân dân, hết lòng giúp đỡ nhân dân.

Trải qua hơn 4 thập kỷ đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhưng biết bao cán bộ, chiến sĩ vẫn ngày đêm thầm lặng chắc tay súng, vững niềm tin, hiến dâng tuổi trẻ, trí tuệ, nhiệt tình cách mạng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu. Những hình ảnh ấy mãi là tấm gương để thế hệ trẻ chúng tôi khắc sâu trong tâm khảm, không ngừng phấn đấu học tập, noi theo.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-dep-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-bo-doi-cua-dan-593151