Sáng đẹp trên đất trời biên cương

Mấy chục năm qua, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã sải những bước dài trên con đường đổi mới và hội nhập. Đi một lèo từ Bản Vì, qua Đoỏng Đeng ra Bản Mới, chúng tôi đã được chứng kiến những đổi thay diệu kỳ của xã vùng biên này.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đức Long chăm sóc cậu con nuôi 5 tuổi của đơn vị. Ảnh: Bích Nguyên

Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết Đức Long là xã đầu tiên của huyện Thạch An đã về đích nông thôn mới từ cuối năm 2017. Nếu như trước đây, con đường chạy ra sát biên giới đất đá lổn nhổn, gập ghềnh thì nay, cả hệ thống đường liên xóm đều được rải nhựa hoặc bê tông hóa láng bóng, ô tô, xe máy bon bon. Cùng với sự khang trang, bề thế của nhà bảo tàng trưng bày về những kỷ vật của Bác Hồ chỉ đạo Chiến dịch biên giới năm 1950 thì các làng bản trong vùng, nhất là những ngôi nhà dọc theo hai bên đường cũng được xây mới, tăng thêm nét đẹp thanh bình, yên ả của một vùng quê biên ải. Trò chuyện với các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy và UBND xã Đức Long, tôi được biết, có được thành quả này không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long.

Đi trên con đường nhựa, vun vút giữa những bãi mía, đồng ngô, đồng lúa xanh mướt mát đến tận chân núi, tôi nao nao nhớ về những ngày tháng gian lao và nóng bỏng của những năm 80 của thế kỷ 20. Lúc đó tôi còn là một phóng viên trẻ, được theo chân hai sĩ quan của Trung đoàn 529 đi viết bài về một điểm chốt trên vách đá cheo leo. Dẫu hiểm nguy, thiếu thốn, các chiến sĩ vẫn đêm ngày nắm chắc tay súng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đây, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đã hóa thân vào từng gốc cây, ngọn cỏ, mô đá để chở che cho cuộc sống bình yên của bà con dân bản.

Còn hôm nay, tôi cùng các sỹ quan Biên phòng trẻ ngồi trên ô tô nhẹ lướt trên các đoạn đường liên xóm để được nghe các bác, các mẹ, các chị tâm sự, giãi bày về niềm vui của mình trước sự góp công, góp sức một cách vô tư, có hiệu quả của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng trong việc phá đá mở đường, xây mới thêm nhiều lớp học, nhà văn hóa... để cho các xóm bản của Đức Long ngày một tươi hồng trên con đường về đích nông thôn mới.

Chia sẻ niềm vui, niềm tự hào này với các đồng chí trong Ban chỉ huy đồn thì được Đại úy, Chính trị viên phó Lý Văn Hùng từ tốn nói: Thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào thi đua "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới". Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã cụ thể hóa từng vấn đề trong nghị quyết lãnh đạo; kế hoạch công tác hàng năm, hàng tháng, đồng thời, phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã để thực hiện hiệu quả.

Lực cản lớn nhất đối với Đức Long trong xây dựng nông thôn mới là kinh tế còn chậm phát triển, nguồn thu nhập chủ yếu của bà con là từ cây lúa, cây ngô và cây mía, rồi hiện tượng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước còn khá phổ biến... Từ thực tế đó, Đồn Biên phòng Đức Long phối hợp với chính quyền và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người thấy rõ được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của công cuộc xây dựng nông thôn mới mà hăng hái tham gia. Qua công tác tuyên truyền, ban đầu, đã có 3 tập thể xóm và 8 hộ gia đình hiến đất, góp công xây dựng các công trình. Những tấm gương tiêu biểu này được đưa ra làm “ví dụ” trong các lần tuyên truyền, vận động khác để người dân cả xã noi theo. Kết quả, toàn xã đã hiến được gần 3.600m2 đất để xây sân vận động và nhà văn hóa xã, giúp hoàn thành 1,8km đường nội đồng của xóm Bản Nghèn; 1km đường bê tông, rộng 3m từ nguồn kinh phí của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho ô tô, xe máy đi từ xóm Đoỏng Đeng vào trụ sở xã một cách dễ dàng.

Không chỉ tham gia tuyên truyền, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long đã bỏ công sức và kinh phí giúp xã xóa được 22 nhà tạm, trực tiếp giúp 2 gia đình di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở. Những người lính Biên phòng còn vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, nhờ đó, đến năm 2018, đã có 8/9 xóm đạt chuẩn làng văn hóa. Trong phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Đức Long phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng lạc, ngô lai và lê. Các anh còn tư vấn cho các gia đình phát triển đàn lợn nái để tăng nguồn thu. Nhờ đó mà gia đình anh Lục Văn Giang ở bản Nà Giới, mỗi năm thu lãi từ 70 đến 100 triệu đồng, tạo ra một cú hích lớn cho các gia đình trong việc phát triển kinh tế.

Những năm qua, Đồn Biên phòng Đức Long còn duy trì tốt chương trình "Nâng bước em đến trường'', trực tiếp đỡ đầu 5 học sinh nghèo học giỏi. Việc làm này không những làm sáng đẹp hình ảnh người chiến sỹ quân hàm xanh trong lòng con em các dân tộc nơi đây, mà còn tô thắm thêm mối quan hệ quân dân một ý chí.

Bước cùng những người lính Đồn Biên phòng Đức Long trên con đường đầy nắng, gió chốn biên thùy, màu xanh của cây lá, núi non như làm đẹp thêm đôi quân hàm xanh trên vai áo các anh. Tôi tin rằng, sắc nắng vùng biên dù có lúc chói chang, cháy bỏng, khí hậu núi rừng nóng lạnh thất thường, nhưng chẳng thể lung lay được ý chí quyết tâm và tình yêu của người lính biên cương.

Chu Sĩ Liên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/sang-dep-tren-dat-troi-bien-cuong/