SANG ĐỨC DU HỌC NGHỀ (*): Thu hút người học kiểu Đức

Trả lương cho người học, tạo điều kiện tốt nhất về chỗ ăn ở, giảm thuế hay được quyền định cư, bảo lãnh... là cách người Đức thu hút công dân nước ngoài đến học nghề

Kinh tế phát triển ổn định trong khi dân số đang già hóa nhanh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tại CHLB Đức rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn. Điều đó thúc đẩy chính phủ nước này phải có giải pháp cho bài toán nhân lực phục vụ phát triển đất nước. Ban đầu, Đức chào đón công dân các nước châu Âu, sau đó những người trẻ đến từ các châu lục cũng được trao cơ hội.

Nhiều ưu đãi

Ông Karl Heinz Pfundner, Hiệu trưởng Trường BiW (bang Hessen - CHLB Đức), cho biết nếu như trước đây, đa số học viên của Trường BiW đều là người Đức, sau đó có vài nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) thì hiện nay họ đến từ hơn 180 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có sự thay đổi này, theo ông Heinz, là nhờ chính sách "quốc tế hóa" đào tạo nghề của chính phủ. "Chính phủ Đức đã nỗ lực không ngừng để thu hút người học, trong đó có việc thu hút công dân nước ngoài đến đây học nghề. Chính phủ sẵn sàng trả chi phí và thúc đẩy các DN cùng trả lương cho người học để họ yên tâm đến nước Đức học tập và làm việc. Đó là điều tuyệt vời đầu tiên mà bạn có thể nhìn thấy" - ông Heinz nói.

Đúng như vậy, người học từ các nước sang Đức học nghề đều được trả lương ngay khi nhập học. Mức lương khác nhau tùy theo ngành nghề, nơi học viên theo học nhưng bình quân ở mức 900 euro/tháng cho năm đầu tiên, 1.050 euro/tháng cho năm thứ 2 và khoảng 1.250 euro/tháng cho năm thứ 3. Với mức lương này, sau khi trừ các khoản thuế, học viên đủ trang trải chi phí và nếu tiết kiệm cũng sẽ dư một ít tiền để gửi về quê phụ giúp gia đình. Điều kế tiếp trong chính sách thu hút người học từ khắp nơi trên thế giới mà ông Heinz muốn chúng tôi tận mắt chứng kiến đó là nơi ăn ở của học viên khi họ đến Trường BiW. Khu ký túc xá dành cho học viên khang trang với trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn của Đức. Mỗi phòng rộng khoảng 30 m2 với 2 giường đơn dành cho 2 học viên như phòng khách sạn chuẩn 3 sao. Một khu vui chơi giải trí, phòng tập thể dục, khu chơi thể thao… đều có đầy đủ trong khuôn viên nhà trường. Nơi ăn uống, nấu nướng dành cho học viên cũng được nhà trường trang bị "tận răng". Theo ông Heinz, không riêng gì trường ông, những trường khác trên khắp nước Đức đều như vậy. Và quả thật, suốt chuyến công tác đến nhiều nơi trên nước Đức, chúng tôi kiểm chứng lời ông Heinz nói hoàn toàn chính xác.

Học viên ngành xây dựng người Việt đang thực tập tại Trường BiW (bang Hessen - CHLB Đức)

Học viên ngành xây dựng người Việt đang thực tập tại Trường BiW (bang Hessen - CHLB Đức)

Cánh cửa mở ra tương lai

Nhiều bạn trẻ tìm đường sang Đức bằng con đường du học nghề bởi chi phí thấp, đi học được trả lương, tốt nghiệp có việc làm ngay, đặc biệt là cơ hội định cư lâu dài tại châu Âu. Nhiều bạn trẻ còn xem du học nghề là cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng bởi chỉ cần 5 năm ở Đức, ngoài được hưởng mức lương cao và chính sách an sinh xã hội tốt, kỹ năng làm việc "kiểu Đức" sẽ giúp họ có thể tìm việc ở bất cứ quốc gia nào khác. Đó cũng là cách mà nhiều bạn trẻ nắm lấy cơ hội này để thực hiện ước mơ trở thành "công dân toàn cầu".

Chúng tôi gặp bạn Nguyễn Quang Vinh (24 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang theo học ngành xây dựng tại Trường BiW, TP Weimar (bang Thüringen). Vinh cho biết trong ký túc xá nơi anh ở có hơn 20 sinh viên quốc tịch khác nhau. Tuy học chung với nhiều bạn quốc tế nhưng cách dạy và học ở đây làm người học cảm thấy không có bất kỳ sự phân biệt nào. Mọi người tôn trọng nhau và sử dụng một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Đức cho việc học tập. "Việc học tập trong môi trường như vậy giúp tôi tự tin hơn trong giao tiếp, học hỏi được nhiều hơn về văn hóa, lối sống cũng như giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Đó là cơ sở để sau này tôi có thể đi nhiều nơi, đến nhiều nước mà không quá bỡ ngỡ bởi ít ra cũng đã biết ít nhiều thông qua bạn học của mình" - Vinh tâm sự.

Có một điều thú vị là ở Đức, DN trả lương cho người học nghề với mong muốn bạn gắn bó lâu dài với họ. Tuy nhiên, DN lại không có bất kỳ điều khoản nào ràng buộc người học nghề bởi theo đại diện nhiều DN, đã học ở Đức thì làm cho DN nào, ở quốc gia nào cũng là sản phẩm đào tạo của Đức, cũng là góp phần phát triển chung cho nhân loại. Với DN Đức, quan trọng nhất là con người được họ đào tạo có phát huy hết năng lực của mình hay không.

Nhiều lựa chọn cho người học

Đa số ngành nghề phổ biến mà nhiều DN tại Việt Nam thường tuyển sinh là điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, xây dựng, cơ khí ôtô... Tuy nhiên, ở một số tiểu bang xa xôi trên nước Đức, có những ngành nghề mà ở đó họ không đủ người học, chính quyền bang đó cũng sẽ nhận học viên từ các nước khác để gia tăng nguồn nhân lực cho bang mình. Vì thế, người học sẽ có nhiều sự lựa chọn những ngành nghề khác nhau theo sở thích của mình.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-12
Kỳ tới: Gắn đào tạo với bảo đảm việc làm

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/sang-duc-du-hoc-nghe-thu-hut-nguoi-hoc-kieu-duc-20191210210231342.htm