Sáng học lớp 6, chiều học lớp 1

Đó là chuyện có thật ở một trường trung học cơ sở miền núi. Cách đây mấy tháng, khi đến thăm trường này, chúng tôi ngạc nhiên thấy một lớp học có hơn chục học sinh cao bằng cô giáo mà lại sử dụng sách, vở lớp 1 để tập viết và học đánh vần.

Cô giáo dạy các học sinh này cho chúng tôi biết: Các cháu đều là học sinh lớp 6 của trường, nhưng do chưa đọc thông, viết thạo nên nhà trường phải tổ chức một lớp riêng biệt để dạy các cháu theo chương trình lớp 1. “Buổi sáng các cháu học theo chương trình lớp 6, buổi chiều các cháu lại học theo chương trình lớp 1”-Cô giáo hóm hỉnh trả lời.

Làm việc với cô hiệu trưởng, chúng tôi biết được nguyên nhân, do quá nể các giáo viên trường tiểu học cùng xã và cũng chịu sức ép từ cấp ủy, chính quyền địa phương nên nhà trường đã phải tuyển sinh vào lớp 6 cả những cháu chưa đọc thông, viết thạo. Để các cháu đặc biệt này hòa nhập với những học sinh khác, nhà trường đã phải tổ chức những lớp học riêng để dạy các cháu các kỹ năng viết, đọc theo chương trình tiểu học.

Cuối tuần qua, tôi gọi điện tới cô hiệu trưởng hỏi xem trong số học sinh “sáng học lớp 6, chiều học lớp 1” ấy có cháu nào được lên lớp 7 trong năm học mới không?

Thật bất ngờ, tôi nhận được câu trả lời:

- Chỉ có 1 cháu quá kém phải để lại ở lớp 6 thôi, còn lại đều lên lớp 7 anh ạ.

- Thế có nghĩa là trong mấy tháng, các cô dạy các cháu học được những 5 lớp?-Tôi hỏi tiếp.

- Không phải thế đâu ạ. Các cháu trong lớp đặc biệt kia được xét lên lớp 7 cũng chỉ tương đương trình độ của lớp 2 thôi, nhưng chúng em không dám cho học sinh lưu ban nhiều vì sợ ảnh hưởng tới thành tích của trường và của cả xã, cả huyện nữa.

Cách đây mấy năm, ngành giáo dục đã có cuộc phát động khá rầm rộ để tuyên chiến với “bệnh thành tích”, nhưng dường như căn bệnh này lại ngày càng nặng thêm. Trước kia, trong cả trường cũng chỉ có vài ba học sinh giỏi, nay nhiều lớp có tới 100% học sinh giỏi. Số lượng học sinh trung bình dù ở vùng khó khăn cũng ít hơn so với số học sinh khá, giỏi. Học sinh lưu ban thì càng hiếm.

Thực tế ở không ít địa phương, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã bị “ngồi nhầm lớp” và các học sinh này vẫn tiếp tục “ngồi nhầm lớp” ở bậc học cao hơn. Trường học có học sinh “sáng học lớp 6, chiều học lớp 1” mà tôi kể trên đây cần phải được biểu dương vì trách nhiệm của các thầy cô đối với những học sinh cá biệt. Các thầy cô dạy thêm không hề đòi hỏi tiền bồi dưỡng của phụ huynh học sinh, mà tôi tin chắc rằng, nếu phải đóng góp kinh phí cũng chẳng có học sinh nào theo học bởi các cháu cứ yên tâm rồi cuối năm sẽ được lên lớp. Thế nhưng nếu các thầy cô vẫn cho những học sinh đó lên lớp thì các thầy, cô giáo đáng trân trọng đó lại là người có tội.

Thiết nghĩ, để chữa được “bệnh thành tích” trong giáo dục thì phải chữa từ gốc cho tới ngọn.

PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/sang-hoc-lop-6-chieu-hoc-lop-1-515604