Sáng kiến của thiếu tá công an - cầu nối để gần dân

Giải thuật nhận dạng những đối tượng bịt mặt phục vụ việc điều tra phá án; xây dựng thành công mô hình cấp căn cước công dân (CCCD) lưu động; phần mềm xử phạt vi phạm hành chính dễ dàng tra cứu, báo cáo, thống kê, trích xuất dữ liệu phục vụ tốt cho công tác xử lý vi phạm hành chính và đấu tranh phòng, chống tội phạm... là những sáng kiến nổi bật của Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc, cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, đã góp phần hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời là cầu nối, tạo sự gắn kết để lực lượng công an, chính quyền các cấp và Nhân dân đến gần nhau hơn.

Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc, cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh giao lưu tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc) giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Lê Phượng

Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc kể lại lần về xã Luận Khê (Thường Xuân) cấp CCCD lưu động: Hình ảnh 3 cụ già sau khi làm được CCCD giở cơm nắm ra ăn rồi vội quay về bản để kịp trước khi trời tối vẫn ám ảnh mãi đối với anh và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong tổ công tác. Lúc đó đã hơn 12h trưa, các anh đã thu máy móc chuẩn bị ăn cơm thì có 3 cụ già đến làm CCCD. Hỏi chuyện mới hay các cụ ở làng Kha, đi bộ từ sáng sớm đến công sở xã để làm căn cước nhưng đến nơi thì đã quá trưa. Thấy thế, tổ công tác lại mở máy để làm CCCD cho các cụ. Sau đó, anh cứ trăn trở phải có cách nào để giúp các cụ không phải đi bộ cả ngày đường nữa hay không? Làm thế nào để đến tận nhà làm cho các cụ được không? Đặc biệt là đối với những người ốm đau, nằm một chỗ thì có cách gì giúp họ có CCCD hay không? Bởi những người cao tuổi, những bệnh nhân bệnh nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt là người dân ở những huyện miền núi, các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... giao thông đi lại không được thuận tiện nếu muốn làm CCCD sẽ rất khó khăn.

Thời điểm đó, sở dĩ các cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thanh Hóa không thể đến với từng người già, người ốm để làm CCCD được vì máy móc, thiết bị để cấp CCCD là hệ thống khá phức tạp, nặng và chi phí lớn. Bộ Công an chỉ cấp cho mỗi đơn vị công an cấp huyện 1 bộ trang thiết bị cố định đặt tại công an huyện. Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH được trang bị duy nhất 1 bộ cấp CCCD lưu động. Hằng ngày, CBCS phải cấp CCCD cho người dân đến làm tại đơn vị và các công việc khác theo quy định nên phải cuối tuần các anh chị mới đi cấp lưu động cho người dân được.

Sau khi được Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo đơn vị trực tiếp giao nhiệm vụ, với quyết tâm “làm gì đó” giúp Nhân dân, Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc cho biết: “Lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ đến phải tìm cách giúp dân. Ý tưởng bật ra vào đêm cuối cùng của ca trực chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi. Khoảng 3h sáng, trong đầu bật ra sáng kiến và mình choàng dậy, viết ra giấy”. Từ lúc đó cho đến sáng, anh viết, vẽ một mạch mô hình cải tiến thiết bị hệ thống cấp CCCD. Trong cả đợt nghỉ tết, anh dành nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa, thuyết minh mô hình, kiểm tra thực tế. Cải tiến của anh là tận dụng thiết bị sẵn có, thay vì mua đủ máy, trang thiết bị theo thiết kế của nhà thầu CSE, chỉ cần mua một máy tính xách tay là có thể cơ động làm CCCD.

Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc cho biết: Thanh Hóa có 27 đơn vị công an cấp huyện, nếu mỗi huyện phải đầu tư 1 bộ thiết bị cấp CCCD lưu động thì kinh phí đầu tư cho toàn tỉnh vào khoảng 5,7 tỷ đồng. Đây là lượng kinh phí rất lớn so với ngân sách của Công an tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng nằm ngoài khả năng của đại đa số các đơn vị công an cấp huyện nếu muốn tự trang bị. Tuy vậy, với sáng kiến của anh Ngọc, chỉ cần đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho mỗi bộ cấp CCCD lưu động. Khi thấy được hiệu quả cao, giá trị đầu tư thấp, UBND các huyện đã chủ động trang bị cho công an huyện để phục vụ Nhân dân.

Với mô hình này thì Thanh Hóa là một trong số rất ít đơn vị trên toàn quốc đã triển khai cấp CCCD lưu động trên diện rộng; là địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này tự xây dựng được mô hình cấp CCCD lưu động để phục vụ Nhân dân. Từ mô hình của Thiếu tá Ngọc, hàng trăm cụ già trên giường bệnh, hàng nghìn cụ già được các cán bộ công an đến tận nhà làm CCCD. Như cụ Thiều Thị Giáp ở thôn Bùi Hạ 2 (Yên Định) - người bị bệnh nằm liệt giường 16 năm nay. Vì cụ không có CCCD nên không được giải quyết chế độ bảo hiểm. Cụ Giáp đã được CBCS Công an huyện Yên Định trực tiếp đến tận nhà làm CCCD. Còn chị Bùi Thị Hồng, trú tại thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) đã gửi thư đến Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cảm ơn các cán bộ đã đến tận nhà làm CCCD cho người mẹ bị liệt, tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, không có CCCD để làm chế độ bảo hiểm.

Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc, sinh năm 1985, là một trong số ít sinh viên khi đang học tại Học viện An ninh, được Bộ Công an chọn gửi đi đào tạo tại Bộ Quốc phòng bởi anh là người đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Năm 2009 sau khi ra trường, được phân công về Công an Thanh Hóa công tác, anh đã cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều ý tưởng sáng tạo về áp dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính của Công an Thanh Hóa.

Chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc cho biết anh nghiên cứu không phải để tìm ra thứ gì cao siêu mà quan trọng phải gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn. Vì thế, các đề tài nghiên cứu của anh thường xuất phát từ những trăn trở, những suy nghĩ, tìm tòi cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phục vụ công tác chuyên môn, bổ sung kiến thức cho bản thân.

Điển hình như khi tiếp xúc với cơ sở, nhận thấy những khó khăn, vướng mắc trong quản lý xử phạt vi phạm hành chính, anh Ngọc đã xây dựng phần mềm xử phạt vi phạm hành chính. Phần mềm ra đời đã giải quyết và khắc phục những khó khăn, bất cập và nhu cầu từ thực tiễn theo hướng: Quản lý tập trung thông tin xử phạt vi phạm hành chính trong toàn địa bàn; dễ dàng tra cứu, báo cáo, thống kê, trích xuất dữ liệu phục vụ tốt cho công tác xử lý vi phạm hành chính và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, phần mềm được thiết kế theo hướng linh hoạt, người dùng có thể tự định nghĩa các yêu cầu thống kê riêng để phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ cụ thể; đưa ra các phân tích, đánh giá thực trạng để từ đó các cấp lãnh đạo nắm bắt được tình hình tại địa bàn mình quản lý, kịp thời có các biện pháp nghiệp vụ và làm tốt công tác tuyên truyền cần thiết.

Hay khi thấy xuất hiện nhiều vụ trộm cắp, hành hung được ghi nhận qua các camera giám sát mà hầu hết các đối tượng trong đó cố giấu đi khuôn mặt của mình để gây khó khăn cho quá trình điều tra của cơ quan chức năng, Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc đã xây dựng được giải thuật nhận dạng những đối tượng bịt mặt (hay chính xác hơn là khuôn mặt bị che khuất một phần) để hướng đến xây dựng các công cụ phục vụ việc điều tra phá án của lực lượng công an, giải thuật này đã được Hội đồng Khoa học quốc gia ghi nhận...

Có thể khẳng định, những đề tài, sáng kiến, mô hình của Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc không chỉ đã giải quyết được rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề lớn nhất là giải được “bài toán” kinh phí đầu tư, tiết kiệm được rất lớn kinh phí cho ngân sách Nhà nước. Quan trọng hơn còn là cầu nối để lực lượng công an và chính quyền các cấp gần gũi hơn với Nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với lực lượng công an cũng như đối với chính quyền các cấp. Với những thành tích đạt được, Thiếu tá Hoàng Đình Ngọc xứng đáng nhận được Bằng khen của Bộ Công an, Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh; Bằng khen của Trung ương Đoàn, của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, gương điển hình tiên tiến Công an Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015, 2015-2020...

Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dai-hoi-thi-dua/sang-kien-cua-thieu-ta-cong-an-cau-noi-de-gan-dan/124518.htm