Sáng kiến 'Thiết bị ép đậu bằng khí nén'

Theo cấu tạo, 'Thiết bị ép đậu bằng khí nén' khá đơn giản, gồm 4 bộ phận chính: Giá đỡ khuôn; pít tông nén khí; bộ van điều áp, đồng hồ đo áp suất và công tắc; máy nén khí và dây dẫn.

Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội, cơ quan hậu cần các đơn vị đã không ngừng đổi mới cách nghĩ, cách làm, trong đó một việc làm hết sức quan trọng là tích cực nghiên cứu, triển khai sáng kiến, cải tiến trang thiết bị hậu cần áp dụng vào quá trình chế biến nguồn thực phẩm tại chỗ. Qua lao động sáng tạo, Trung tá Phạm Văn Toàn, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) đã nghiên cứu và sản xuất thành công “Thiết bị ép đậu bằng khí nén”.

Trung tá Phạm Văn Toàn (thứ 3 từ phải qua) báo cáo kết quả sáng kiến với chỉ huy Sư đoàn 395.

Chủ nhân của sáng kiến này cho rằng, hiện nay việc sản xuất, chế biến thực phẩm tại Trạm chế biến của trung đoàn được cơ quan hậu cần xác định là khâu then chốt, vì nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn của bộ đội chủ yếu được cung cấp từ đây. Đặc biệt, đậu phụ- món ăn không thể thiếu trong thực đơn bữa ăn hằng ngày của bộ đội với định lượng 80 gam/người/ngày, thì yêu cầu sản xuất để cung cấp cho các bếp là khá lớn. Còn lý do để đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 2 nghiên cứu ra sáng kiến này, theo anh là xuất phát từ quá trình sản xuất, chế biến đậu phụ tại Trạm có một số khó khăn như: Khi ép đậu thường sử dụng các vật nặng (tảng đá, cối đá, đe sắt…) có trọng lượng khoảng từ 25 đến 30kg, phải bê lên đặt xuống rất nặng, dễ mất an toàn và không bảo đảm yếu tố vệ sinh do vương bụi bẩn; mặt khác, trọng nén lượng cố định trong khi thao tác đánh chua kết tủa không đều thì cũng dẫn tới chất lượng từng mẻ đậu thành phẩm không đều nhau, quá trình vận chuyển hay chia đậu dễ nát…

Theo cấu tạo, “Thiết bị ép đậu bằng khí nén” khá đơn giản, gồm 4 bộ phận chính: Giá đỡ khuôn; pít tông nén khí; bộ van điều áp, đồng hồ đo áp suất và công tắc; máy nén khí và dây dẫn. Nguyên lý hoạt động như sau: Khi pha chua kết tủa xong, cho óc đậu vào khuôn được đặt trên giá đỡ. Đóng công tắc điện để vận hành máy nén khí, kiểm tra khi đồng hồ đạt áp suất tiêu chuẩn ở 2kg thì dừng lại, rồi từ từ mở van cấp khí vào hệ thống van điều áp. Dưới lực đẩy của van cấp khí, trục pít tông sẽ từ từ nén nắp khuôn ép đậu. Sau thời gian từ 5-7 phút (ép 3 khuôn) mới tiến hành mở van hút khí nén, trục pít tông sẽ kéo lên. Lúc này chỉ còn việc dỡ khuôn cho đậu ra, đậu rất đều và mịn.

Một điểm đáng chú ý của thiết bị này mà chúng tôi nhận thấy, đó là khuôn ép đậu được làm bằng kim loại (inox) nên việc sản xuất, chế biến đậu bảo đảm tốt yếu tố vệ sinh thực phẩm, không có mùi hôi như khuôn ép đậu làm bằng gỗ. Tổng giá thành của thiết bị khoảng hơn 5 triệu đồng.

Được biết, vừa qua sáng kiến của Trung tá Phạm Văn Toàn được Sư đoàn 395 chọn tham gia Hội thi “Sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần” do Cục Hậu cần Quân khu 3 tổ chức và được Ban Giám khảo đánh giá cao, khuyến khích nhân rộng ở các đơn vị.

Bài, ảnh: MẠNH DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-kien-thiet-bi-ep-dau-bang-khi-nen-545011