Sáng kiến 'Tri thức trẻ vì giáo dục': Giúp trẻ bị down học đọc

14 công trình, sáng kiến vì giáo dục lọt vào vòng chung khảo chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục' năm 2018 không những bắt kịp xu thế công nghệ thời 4.0, mà còn hướng đến giá trị xã hội, vì cộng đồng.

Cô giáo Dương Thị Thu Hà và học sinh tại lớp học của những em bị down Ảnh: CTV

Món quà ý nghĩa

Sản phẩm“Thiết kế thiết bị PSE” (có hình ảnh, âm thanh, cảm biến giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kĩ năng sống) của cô giáo Dương Thị Thu Hà và học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội, là một trong những sáng kiến chứa đựng giá trị nhân văn.

Cô Thu Hà cho biết, thiết bị này tương tác trực tiếp với trẻ thông qua thảm thông minh được gắn chíp cảm biến và sỏi mát xa giúp tăng khả năng vận động, tuần hoàn máu dưới lòng bàn chân; từ đó, tác động đến não bộ, có tác dụng tích cực trong việc cải thiện giấc ngủ, sức đề kháng.

Nội dung chương trình học của trẻ bao gồm 15 chữ cái được xây dựng tương ứng với 15 chủ đề kĩ năng sống thiết yếu cho trẻ. Hình thức thể hiện là sự kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh và video quay biểu cảm hướng dẫn học của nhóm nghiên cứu.Thiết bị đưa ra cảnh báo, hướng dẫn động viên, khích lệ trẻ khi trẻ làm sai và khen ngợi, thưởng khi trẻ làm đúng. Thiết bị gồm: Máy chiếu/tivi kết nối với máy tính; thảm cảm ứng không dây với 4 chip cảm biến gắn trên thảm; sỏi mát xa gắn trên bề mặt thảm để trẻ vận động.

Hiện thiết bị đã được thực nghiệm và đánh giá trên 20 trẻ mắc hội chứng down, cho kết quả rất tốt, được các em đón nhận vui vẻ, hào hứng.

Cô giáo Thu Hà là một giáo viên dạy môn Sinh học. Một lần vào thăm Làng trẻ Hòa Bình, cô chứng kiến và thấy rất thương những người bị bệnh down gần 40 tuổi vẫn ngồi tô chữ như đứa trẻ lên ba. Sự ra đời của PSE như một món quà cô giáo Thu Hà muốn dành tặng những người kém may mắn tìm được niềm vui, sự hứng thú và hiệu quả trong học chữ. Tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, cô Hà mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, nhà đầu tư để hoàn thiện sáng kiến không chỉ giúp trẻ bị down mà còn hướng đến trẻ tự kỷ, tăng động.

Hướng đến cộng đồng

Phần mềm học tiếng Anh IOSTUDY của TS.Lục Quang Tấn và các cộng sự là một hệ sinh thái học tập tiếng Anh thông minh đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với các công nghệ được sử dụng như: Công nghệ nhận diện giọng nói, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ video Peer to Peer, big data, sản phẩm có nhiều tính năng nổi bật. Phần mềm có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi trên các thiết bị: Máy tính, máy tính bảng, điện thoại.

Anh Tấn sinh ra và lớn lên ở Lào Cai. Với đặc thù của một tỉnh miền núi giáp biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, việc dạy và học tiếng Anh còn rất khó khăn.“Tôi mong muốn xây dựng hệ sinh thái học tập tiếng Anh cho học sinh miền núi. May mắn khi tôi gặp được những cộng sự tốt như anh Nguyễn Thành Luân có 5 năm học ở Mỹ, 5 năm học ở New Zealand; bạn Thắng cũng công tác nhiều năm trong ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực giáo dục... Chúng tôi cùng bắt tay nghiên cứu cho ra đời IOSTUDY”, anh Tấn cho biết.

Mặc dù mới ra mắt hơn một tháng nhưng IOSTUDY thu hút hơn 1.600 giáo viên, 36.000 học sinh tham gia và có phản hồi rất tích cực. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại nên giáo viên, học sinh có thể thống kê được kết quả học tập, kỹ năng nghe, nói đọc viết thế nào; thống kê được kết quả học của từng lớp; thầy cô giáo, hiệu trưởng có thể xem được kết quả của học sinh,…

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, giám khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, đánh giá, các công trình, sáng kiến có những biến đổi phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ. “Năm nay rất nhiều sản phẩm tích hợp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn, thậm chí có cả Blockchain. Trong 2 kỳ thi trước đây, rất ít sản phẩm có hàm lượng về công nghệ như vậy. Tuy nhiên, các công trình, sáng kiến dự thi cần có tính ứng dụng nhiều hơn, thậm chí là thương mại hóa, trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường”, TS. Nguyễn Quân nói.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/sang-kien-tri-thuc-tre-vi-giao-duc-giup-tre-bi-down-hoc-doc-1344806.tpo