Sáng kiến Vành đai và Con đường bị chỉ trích là 'bẫy' nợ với nước nghèo, Trung Quốc phản pháo

Phát ngôn viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) Trung Quốc phủ nhận những lo ngại cho rằng 'Sáng kiến Vành đai và con đường' (BRI) đang tạo ra bẫy nợ cho những nước tham gia, đặc biệt là các nước nghèo.

Phát ngôn viên NPC, cựu thứ trưởng ngoại giao Zhang Yesui (Trương Toại Nghiệp) phủ nhận những ý kiến cho rằng dự án “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ước tính có tổng vốn đầu tư lên tới 900 tỷ USD, thiếu sự minh bạch và gây ra “bẫy nợ” cho những nước tham gia, đặc biệt là các nước chậm phát triển.

“Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng của vấn đề nợ bền vững và sẽ không ép buộc nước nào phải hợp tác vào các dự án hoặc tạo ra bẫy nợ” – ông Zhang cho biết tại phiên họp thứ hai của kỳ họp thứ 13 NPC tại Bắc Kinh.

 Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (gạch liền) và Sáng kiến Con đường Tơ lụa hàng hải (gạch đứt). (Đồ họa: Bryan Christie Design/Bloomberg Markets; Nguồn: Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc)

Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (gạch liền) và Sáng kiến Con đường Tơ lụa hàng hải (gạch đứt). (Đồ họa: Bryan Christie Design/Bloomberg Markets; Nguồn: Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc)

Ông Zhang cho rằng giống như những sáng kiến hợp tác quốc tế khác, Vành đai và Con đường sẽ có những khó khăn, nguy cơ và thách thức trong quá trình thực hiện. “Dù vậy với sự tiếp tục cải thiện tổng thể, tôi tin rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ chắc chắn mang đến sự phát triển tốt hơn và thậm chí nhiều thành quả khác cho các nước tham gia.”

Nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết có 157 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận Vành đai và con đường cho đến nay, với 67 bản thỏa thuận được ký kết năm 2018. Ông chia sẻ quan điểm tích cực về cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra tháng 4 ở Bắc Kinh (Diễn đàn Vành đai và Con đường 2019), nơi sẽ cố gắng xây dựng sự đồng thuận với những người tham gia chiến lược vành đai và con đường, khi chương trình đầy tham vọng này tiến đến năm thứ 6 đối mặt với những bất cập và nghi ngại từ cộng đồng quốc tế.

Adam Ni, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Macquarie (Australia) tin rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc minh bạch hơn về ý định của mình, đồng thời làm rõ chiến lược và cách tiếp cận của họ đối với BRI trong tương lai. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo những gì được đưa ra có thể chỉ là thông điệp hoàn toàn tích cực mang tính chính trị.

Một trong những dự án bất động sản lớn của chủ đầu tư Trung Quốc ở Malaysia bị hoãn thi công.

Chính phủ Malaysia từ tháng 8/2018 tuyên bố hủy hai dự án đầu tư lớn của Trung Quốc có giá trị hàng trăm triệu USD, treo hàng loạt dự án bất động sản của chủ đầu tư Trung Quốc với lý do không muốn gia tăng khoản nợ khổng lồ không thể chi trả trong tương lai. Trong khi đó, dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 60 tỷ USD vẫn bị Ấn Độ phản đối quyết liệt vì chạy qua lãnh thổ tranh chấp Kashmir, nơi được cả Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, ông Ni nói, trong khi một số quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nợ của Trung Quốc do kế hoạch vành đai và con đường, thì không có bằng chứng nào cho thấy BRI chủ ý tạo ra bẫy nợ. "Trung Quốc có thể sử dụng nợ làm đòn bẩy, nhưng tạo ra tình huống bẫy nợ cho các đối tác của họ không phải là lợi ích lâu dài", ông Ni nói. "Vì vậy Trung Quốc phải học cách đối phó với sự lo lắng về việc gia tăng nợ và ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như cải thiện tính minh bạch và quản trị đối với các dự án BRI."

Chuyên gia nói thêm rằng sự phản ứng dữ dội với BRI ở cả những nơi phát triển và đang phát triển cho thấy những lo lắng sâu sắc về cách tiếp cận đầu tư của Trung Quốc cũng như các ý định chiến lược của họ.

Ông Harry Verhoeven, người chủ trì Mạng lưới Trung Quốc-Châu Phi của Đại học Oxford, dự đoán rằng hội nghị thượng đỉnh tháng 4 sẽ giải quyết một số vấn đề về nợ nần.

"Trên thực tế, Bắc Kinh đã vấp phải sự chỉ trích ở Châu Phi, Nam Mỹ và phương Tây về chi phí chính trị và tài chính cao bất ngờ của ngoại giao cơ sở hạ tầng nói chung, và BRI nói riêng. Do đó, tôi rất kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh tháng 4 sẽ nêu bật một số biện pháp gia hạn và xóa nợ, đặc biệt là các biện pháp có giá trị truyền thông, để Trung Quốc tìm cách lấy lại uy tín của mình và xoa dịu những lo ngại tồn tại xung quanh BRI."

Theo Bloomberg Markets, tháng 11/2014, tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc chính thức đưa ra sáng kiến “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, được gọi tắt là sáng kiến “Vành đai, con đường” - chương trình kết hợp các chính sách đối ngoại, chiến lược kinh tế, tấn công mềm được nuôi dưỡng bằng dòng tài chính của Trung Quốc đang tái cân bằng các mối quan hệ đồng minh kinh tế và chính trị toàn cầu của nước này.

Trung Quốc cho biết không có ý định sử dụng Vành đai và Con đường để gây ảnh hưởng chính trị hay quân sự trái phép và sáng kiến này chỉ nhằm tăng cường hiểu biết kinh tế và văn hóa giữa các quốc gia. “Khi theo đuổi sáng kiến Vành đai và Con đường, chúng ta nên tập trung vào các vấn đề nền tảng của sự phát triển, giải phóng tiềm năng phát triển của nhiều quốc gia và đạt được hội nhập kinh tế.” - ông Tập Cận Bình nói năm 2015.

Video: Khám phá "Nhà chọc trời nằm ngang" ở độ cao 250 m Trung Quốc

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-bi-chi-trich-la-bay-no-voi-nuoc-ngheo-trung-quoc-phan-phao-d461014.html