Sàng lọc FDI công nghệ cũ: Khó hay...ngại làm?

Thừa nhận việc thẩm định máy móc, thiết bị, công nghệ dự án FDI khó nhưng theo chuyên gia, không phải không làm được.

Nhiều điểm sáng chọn lọc FDI

Năm 2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 2.700 dự án mới và số vốn thu hút được đã vượt mốc 30 tỷ USD. Trong năm 2018, ghi nhận 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, trong đó, những đối tác truyền thống vẫn tiếp tục dẫn đầu trong đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất, theo sau đó là Hàn Quốc và Singapore.

Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thu hút FDI 2018 có sự sụt giảm về số lượng so với năm 2017 nhưng tỷ lệ vốn giải ngân tăng rất cao, đạt trên 19 tỷ USD. Điều đó cho thấy, chất lượng FDI đã lên một tầm cao mới, Việt Nam đã có sự chọn lọc FDI, chú trọng hiệu quả, chất lượng, đảm bảo định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Việt Nam ngày càng chọn lọc dự án FDI. Ảnh minh họa

"Sự chuyển biến trong thu hút FDI bắt đầu xuất hiện từ năm 2016 và dần rõ nét trong năm 2017-2018. Theo đó, nhiều địa phương đã từ chối những dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc gây hại đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong địa bàn địa phương đó.

Đồng Nai là một trường hợp điển hình cho việc từ chối các dự án FDI công nghệ cũ, không phù hợp với quy hoạch của địa phương, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã “nói không” với dự án Nhà máy dệt nhuộm của Tập đoàn TAL có vốn đầu tư lên tới 350 triệu USD. Hải Phòng từ chối một dự án sản xuất giấy với tổng vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD.

Bên cạnh đó là xu hướng thu hút các dự án thuộc các ngành nghề có kỹ thuật công nghệ cao phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN, kể cả những dự án nhỏ.

Nhiều địa phương sẵn sàng thu hút các dự án FDI của Nhật Bản, Israel để phát triển nông nghiệp công nghệ cao dù vốn đầu tư chỉ vài trăm ngàn USD, lĩnh vực này Việt Nam đang có nhiều dư địa nhưng sự chuyển biến quá chậm chạp trong thời gian qua. Hay dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư... đều là những điểm sáng cho thấy Việt Nam đang dần có sự thay đổi về chất trong việc thu hút FDI, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng.

Lọc dự án FDI công nghệ cũ: Dễ hay khó?

Mới đây, Bộ KH-ĐT cho rằng rất cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám định chất lượng, giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ được sử dụng trong quá trình hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài.

Nhưng theo bộ này, các cơ quan quản lý khó có đủ điều kiện và nguồn lực để thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ của tất cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện cơ chế thẩm định giá, giám sát riêng đối với máy móc thiết bị, công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra phân biệt, đối xử không phù hợp với cam kết theo các điều ước quốc tế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, việc thẩm định công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền của dự án FDI không hề đơn giản vì không phải cái gì cán bộ quản lý cũng biết.

Bản thân một số cán bộ ngồi ở vị trí xem xét, thẩm định các dự án đầu tư và có quyền quyết định cho phép đăng ký đầu tư hay không đầu tư lại không có chuyên môn sâu và không thể nắm rõ tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với người ra quyết định nói trên lại rất lỏng lẻo.

"Khi đưa đánh giá, thẩm định một dây chuyền công nghệ nào đó giá bao nhiêu, chất lượng thế nào thì phải có những người chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực đó mới biết được. Mà chuyên môn lĩnh vực đó thay đổi hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong thời đại công nghiệp hiện đại hóa ngày nay, đời sống của các thiết bị, máy móc, công nghệ cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh cũ đi rất nhanh.

Ở các nước phát triển có ngân hàng dữ liệu để biết trong ngành này, máy móc này, công nghệ này hiện đại ở mức nào, nhưng Việt Nam thì không có. Đó là khó khăn về mặt kỹ thuật", ông Thịnh nhận xét.

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khiến việc kiểm tra, thẩm định máy móc, thiết bị, công nghệ dự án FDI được coi là khó khăn được vị chuyên gia chỉ ra, đó là nỗi sợ mất lòng FDI và cả tâm lý coi đó không phải việc của mình

Ông chỉ rõ, trước nay nhiều địa phương vẫn coi việc thu hút FDI như một thành tích và lấy FDI để tạo ra tăng trưởng GDP của địa phương, có những khoản thu nhập chính thức và phi chính thức để có nguồn thu. Các địa phương mong muốn FDI càng đầu tư nhiều càng tốt, còn chất lượng, hiệu quả thế nào thì... mặc kệ.

"Vẫn có quan niệm rằng đầu tư FDI là vốn người nước ngoài bỏ vào, Việt Nam không mất gì, nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào đầu tư thì họ phải lo hiệu quả. Nhưng quan niệm ấy là sai lầm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/sang-loc-fdi-cong-nghe-cu-kho-hayngai-lam-3372465/