Sàng lọc ưu đãi, thu hút FDI theo 3 cấp độ

Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, sau 30 năm, vẫn còn những hạn chế, thua thiệt trong thu hút FDI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng doanh nghiệp FDI tại hội nghị ngày 4/10

Đóng góp không như kỳ vọng

Tại Hội nghị “30 năm thu hút FDI” ngày 4/10, các đại biểu đều nhận định: Thành quả FDI đã đồng hành cùng tiến trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tính tới nay, cả nước có 26.500 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực FDI cũng tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

"Mục tiêu tổng quát thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0."

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
Nguyễn Chí Dũng

10 địa phương có nguồn thu ngân sách nhà nước lớn, 16 địa phương tự cân đối được ngân sách đều là những địa phương thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài... Việc làm trực tiếp trong khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn người năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người năm 2017. Bên cạnh đó, khu vực này cũng tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5-6 triệu lao động…

Ghi nhận những đóng góp trên song Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua. Đó là liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện còn thấp so với vốn đăng ký, chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng; một số doanh nghiệp FDI gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước; có hành vi chuyển giá, trốn thuế, tạo áp lực buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp trong liên doanh…

Theo ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam), nhiều năm qua, chi phí lao động thấp đã giúp Việt Nam thu hút FDI nhưng cần nâng cao chất lượng lao động trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng bởi trong tương lai vốn không tới từ chi phí thấp mà tới từ phát triển xanh, bền vững, công nghệ cao. Chính phủ cũng nên xem xét mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, logistics, y tế, giáo dục; đồng thời chính quyền địa phương cần quảng bá, cung cấp thông tin ưu đãi thu hút đầu tư trong tương lai.

Thu hút FDI chuyển từ thụ động sang chủ động

Trước nhận định FDI hưởng nhiều ưu đãi hơn so với đóng góp cho nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, vấn đề cần bàn hiện nay là tìm cách nâng cao chất lượng FDI chứ không phải ngăn cản. Trong bối cảnh gắn với công nghiệp 4.0, ông Cung đề nghị, phải tạo ra chỗ để năng lực công nghệ của Việt Nam phát triển, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, mời doanh nghiệp hàng đầu về đây để chuyển giao công nghệ… Ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cũng đồng tình và cho rằng sẽ có lợi hơn cho Việt Nam nếu cải thiện danh mục các lĩnh vực được ưu đãi nhằm “sàng lọc” nhà đầu tư phù hợp, kèm theo cơ chế giám sát, hậu kiểm chặt chẽ.

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp FDI, trong thời gian tới, bên cạnh thu hút FDI vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, giáo dục đào tạo, nghiên cứu phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…, Việt Nam cũng cần tiếp cận công nghệ tương lai của cách mạng 4.0 mang lại như CNTT, điện tử, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, công nghệ sinh học. “Tới đây, Việt Nam nên tập trung thu hút FDI theo 3 cấp độ: Cấp độ 1 là Hà Nội và TP HCM thu hút ưu đãi những công nghệ của tương lai theo định hướng cách mạng 4.0, thu hút những dự án công nghệ hiện đại, dịch vụ hiện đại… từ đó lan tỏa tới các địa phương khác. Cấp độ 2 là những địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương… Cấp độ 3 là những tỉnh thành ở xa hơn, chấp nhận những lĩnh vực như dệt may, da giày… bởi hiện vẫn chưa thể bỏ qua những lĩnh vực thu hút truyền thống”, ông Mại kiến nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực FDI luôn là bộ phận quan trọng của nền kinh tế và sẽ tiếp tục mở rộng thu hút FDI trong giai đoạn tới. “Trong giai đoạn mới, hợp tác thu hút vốn FDI phải chuyển từ thụ động sang chủ động, không phải nhà đầu tư mang gì tới ta cũng chấp nhận mà phải dần thoát khỏi gia công, phải nâng tầm, nâng tính chủ động quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng FDI thời gian tới sẽ mang lại lợi ích, cải thiện môi trường, thúc đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị và toàn cầu, thu hút nhà đầu tư đa quốc gia, phát triển cụm liên kết ngành phù hợp với lợi thế quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện chính sách ưu đãi, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, tiêu chí và đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp FDI được ưu đãi thì phải thực hiện hiệu quả, cam kết đầu tư công nghệ cao, đảm bảo môi trường…

Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/sang-loc-uu-dai-thu-hut-fdi-theo-3-cap-do-d274358.html