Sang Mỹ hát xẩm

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, truyền nhân của nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 Hà Thị Cầu, là người đã đưa xẩm đến với công chúng thế giới. Chị là nghệ sĩ VN được mời trò chuyện về văn hóa, nghệ thuật xẩm, cũng như hát xẩm tại châu Âu và Mỹ.

>> Ngọc An

Bắt đầu đến với âm nhạc qua cây đàn nhị từ năm lên 8 tuổi, Mai Tuyết Hoa bén duyên với xẩm khi đang cộng tác với Viện Âm nhạc VN. Từ đó đến giờ, đã hơn 20 năm chị đeo đuổi nghiệp xẩm.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa

Mối duyên nào đã đưa chị đến với xẩm và nghệ nhân Hà Thị Cầu?

Khi cộng tác tại Viện Âm nhạc VN, một phần công việc của tôi là nghe băng tư liệu âm nhạc truyền thống, từ hát xoan, đến hát quan họ, nhạc lễ… Cho đến khi xem băng tư liệu về nghệ nhân Hà Thị Cầu, giọng hát của cụ đã “chạm” tới tôi, có lẽ bởi tôi cũng đã học đàn nhị từ nhỏ. Lúc đó, tôi đã muốn mình sẽ được là một phần của loại hình nghệ thuật này. Tôi tự học hát xẩm bằng cách xem đi xem lại băng tư liệu. Đó là năm 1998. Vài năm sau đó, đến năm 2004, khi làm khóa luận tốt nghiệp, tôi quyết định về Yên Phong, Ninh Bình tìm gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Cảm giác đầu tiên khi tôi gặp cụ là sự gần gũi, không có khoảng cách xa lạ gì. Chính sự gần gũi, tự nhiên đó khiến tôi không ngần ngại hỏi cụ cách hát như thế nào. Tôi còn mượn đàn của cụ, tự chỉnh đàn và hát cho cụ nghe như những gì mình tự tập. Lâu lắm rồi cụ không hát, không đàn. Điều gì đó đã chạm đến cụ. Và thế là cả buổi hôm đó, chúng tôi đàn hát cho nhau nghe.

Tôi và cụ gọi nhau là bu, con. Tôi nói: “Bu ơi, bu dạy con hát xẩm nhé, nhé”, cụ bảo: “Về đây bu dạy cho”. Mỗi lần về với bu là mỗi lần tôi được học hỏi nhiều điều. Còn với bu, có lẽ tôi như đã chạm vào nỗi niềm nên bu rất tận tình. Bu không biết chữ, cũng không biết phương pháp sư phạm; nhưng với tôi, việc được cảm nhận tiếng đàn, lời ca, tinh thần lạc quan, tinh thần của xẩm từ một “báu vật dân gian” như vậy đã là hạnh phúc.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu được coi là “báu vật sống” của xẩm, nhưng bà đã phải sống trong nghèo khó. Điều đó có làm chị chùn chân chút nào khi quyết định đeo đuổi xẩm?

Cụ đi hát từ năm 5 tuổi, không biết cày ruộng, nên có phân ruộng cho cũng không biết làm. Cuối đời cụ không có đồng trợ cấp nào nên cuộc sống rất nghèo khó. Từ khi gặp cụ cho đến khi cụ mất, có việc gì trong nhà cụ, tôi cũng muốn góp sức mình để giúp phần nào. Tôi thấy thương, thấy tủi thân cho một “thiên tài” của xẩm.

Tôi chưa từng nghĩ mình có thể có tiền nhờ hát xẩm. Điều đầu tiên khiến tôi muốn đi theo con đường này chỉ là vì những giá trị nghệ thuật, văn hóa của xẩm. Tôi muốn làm điều gì đó để giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này, và cho cả người thầy của mình.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nghệ nhân Hà Thị Cầu

Thậm chí, chị còn sẵn sàng bỏ tiền nhà “nuôi” xẩm?

Tôi phải chèo chống duy trì nhóm xẩm của mình, để có chỗ biểu diễn cho các anh chị em. Mình là người đứng mũi chịu sào nên việc bỏ tiền túi để làm cũng không có gì lạ. Ngoài ra, mình cũng phải tự xoay sở cho những dự án khác nữa.

Có người bảo tôi sao cứ bỏ tiền ra làm những việc như thế. Có lúc tôi cũng tự vấn sao mình phải bỏ nhiều tiền đến thế. Nhưng tôi nghĩ mình chẳng thiệt thòi gì, mà được bù đắp bằng những điều khác. Mỗi lần đi công tác hay bị ốm, chỉ 1 - 2 tuần không bước ra sân khấu ở đền vua Lê (phố đi bộ Hồ Gươm - Hà Nội) là có khán giả nhắc mình, vui khi thấy mình trở lại. Đó là niềm hạnh phúc, giá trị làm nghề mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn có được.

Sau một thời gian dài xẩm bị lãng quên, năm 2006, chị cùng một số nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đã tham gia phục hồi xẩm, cho ra mắt đĩa CD Xẩm Hà Nội. Lúc đó, khán giả đón nhận sự hồi sinh của xẩm như thế nào?

Việc phục hồi xẩm rất khó khăn, bởi có rất ít tư liệu về xẩm, hầu như chỉ có băng đĩa tư liệu về nghệ nhân Hà Thị Cầu, còn mọi thứ chỉ còn trong trí nhớ mang máng của những người thuộc thế hệ trước. Bởi vậy, chúng tôi rất cẩn trọng. Chúng tôi không có kinh phí mà cùng nhau đóng góp. Mỗi người đều có công việc riêng nên có khi tối đến hết giờ làm lại gặp nhau, có khi tranh thủ buổi trưa. Nói vậy để thấy mọi người rất quyết tâm.

Theo tôi, đĩa CD được ra mắt không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn đánh dấu bước chuyển mình cho nghệ thuật xẩm. Sau lần ra mắt này, tôi và những người đồng hành cùng mình mới đủ tự tin, cũng như năng lượng để thực hiện một sân khấu xẩm ở phố đi bộ Hồ Gươm. Tôi đã chạy đi xin khắp nơi và cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu đồng ý để có một sân khấu xẩm ở khu vực Hàng Đào, rồi sau này là trước cửa chợ Đồng Xuân. Sân khấu xẩm này vẫn được duy trì cho đến bây giờ.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (thứ hai từ phải sang) và sinh viên trường Đại học Yale (Mỹ)

Năm 2009, chị là một trong những người thành lập nhóm xẩm Hà Thành. Hầu hết những sản phẩm của nhóm cho thấy xẩm được làm mới. Vì sao vậy?

Năm 2009, chị là một trong những người thành lập nhóm xẩm Hà Thành. Hầu hết những sản phẩm của nhóm cho thấy xẩm được làm mới. Vì sao vậy?

Chúng tôi làm mới xẩm chứ không phá xẩm. Nòng cốt của nhóm là tôi và anh Nguyễn Quang Long, cũng là những người nghiên cứu âm nhạc. Bởi vậy, ngoài thực hành hát xẩm, chúng tôi còn nghiên cứu làm sao đưa xẩm đến với mọi người một cách dễ dàng, nhanh và cũng hấp dẫn nhất.

Chúng tôi hoạt động theo hai mảng, một là giữ xẩm theo lối nguyên bản, truyền thống, hai là lồng những ca từ, lời thơ mới hợp với thời đại vào những giai điệu xẩm cổ. Xẩm luôn là tiếng nói góp phần tuyên truyền, tôn vinh những nét đẹp của cuộc sống, bên cạnh đó là đả kích các thói hư tật xấu. Cùng với những lời ca, lời thơ mới, chúng tôi không ngại kết hợp xẩm với những chất liệu mới như beatbox, hip hop, R&B. Đó là những loại hình dễ tiếp cận đến giới trẻ. Họ đón nhận những loại hình đó để rồi tiến đến truyền thống. Đó là cách mà chúng tôi muốn tiếp cận với công chúng, trong đó có giới trẻ.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trò chuyện và biểu diễn xẩm trước sinh viên trường Đại học SUNY New Paltz (bang New York, Mỹ)

Năm 2015, nhóm xẩm Hà Thành đã mang xẩm đến với khán giả Pháp, Đức. Năm 2016, nhóm có chuyến biểu diễn và nói chuyện về xẩm tại Mỹ. Năm 2017, chị cũng được mời trò chuyện về xẩm tại 5 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có Harvard, Yale… Công chúng ở nước ngoài đón nhận xẩm như thế nào?

Một nghệ sĩ âm nhạc dân gian đương đại người Mỹ gốc Hàn qua học bổng Fulbright (Mỹ) đã tới VN tìm hiểu về xẩm. Chị đã rất hào hứng khi kết hợp giữa cây đàn của mình và xẩm. Trở về Mỹ, chị muốn giới thiệu xẩm tới công chúng và các sinh viên ở đây nên đã nghiên cứu xây dựng chương trình mời tôi tham gia trò chuyện về xẩm và biểu diễn xẩm cho sinh viên đại học Mỹ.

Chuyến đi của nhóm xẩm Hà Thành tại châu Âu đến từ lời mời của Trung tâm Văn hóa VN tại Pháp. Nhiều bà con Việt kiều bên đó rất hào hứng đón nhận xẩm, đặc biệt là du học sinh VN. Tôi còn nhớ khi tôi hát bài Công cha nghĩa mẹ sinh thành, nhiều người đã khóc.

Đam mê với xẩm, chị thấy mình có phải hy sinh điều gì?

Mỗi người chỉ có quỹ thời gian nhất định. Tôi nghĩ không phải tôi hy sinh mà là những người thân của tôi hy sinh. Họ phải giúp tôi những công việc bình thường mà người phụ nữ vẫn hay làm trong gia đình.

Chị có ngại đời đàn ca, một kiếp truân chuyên?

Có lúc các thầy tôi đùa, tiếng đàn, tiếng hát thế này sao mà sướng được! Tôi nghĩ, mỗi người có một con đường, sắp đặt nhất định. Tôi cũng làm sao so được với sự truân chuyên, vất vả của nhiều nghệ nhân đã phải chịu từ trước tới nay. Với công việc mình đang làm, ngoài đam mê còn là trách nhiệm xã hội. Dù chẳng ai gán cho mình, nhưng tôi tự thấy mình cần làm. Tôi càng cảm nhận thấy điều đó khi được gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Khi gặp nhau, tôi và cụ chỉ nói chuyện vui, ít khi cụ bi quan. Nhưng lần cuối cùng khi tôi và cụ nói chuyện lúc cụ còn tỉnh táo, cụ đã nói: “Con ơi, bu khổ lắm con ạ. Con cố gắng nhé!”. Dù cụ không nói cụ thể, nhưng có lẽ, lúc đó cụ cảm thấy mình đang sắp mất mát điều gì. Tôi nghĩ cụ nói với tôi câu đó cũng là bởi mong muốn tôi là người tiếp tục cố gắng, làm nhiều điều ý nghĩa cho xẩm.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: NVCC

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/sang-my-hat-xam-1107988.html