Sang nhượng vé máy bay, phòng khách sạn 'rẻ như cho' giữa đại dịch Covid-19

Khắp các diễn đàn, nhóm facebook tràn ngập các bài đăng sang nhượng vé máy bay, phòng khách sạn với giá 'siêu rẻ'. Các ca mắc Covid-19 xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương đang tạo ra lực cản lớn đối với ngành du lịch, trong đó du khách chịu nhiều rủi ro.

Dịch vụ rớt giá, doanh nghiệp loay hoay

Tại các nhóm mua bán dịch vụ du lịch trên facebook, đa số bài viết trong những ngày gần đây là thanh lý vé máy bay, phòng khách sạn hoặc các combo du lịch có lịch khởi hành trong tháng 5. Vì sát ngày sử dụng dịch vụ nên nhiều vé máy bay, phòng nghỉ có mức giá sốc, ví dụ như một đêm nghỉ tại resort đẳng cấp ở Côn Đảo chỉ còn 3 triệu đồng (giá gốc 12 triệu đồng), cặp vé khứ hồi Hà Nội – Côn Đảo chỉ còn 2 triệu đồng (giá thông thường khoảng 5 triệu đồng) hay như một biệt thự nghỉ dưỡng 3 phòng ngủ, có bể bơi ở Hội An cũng được chào bán với “giá sốc” 1,5 triệu đồng cho 1 căn/1 đêm.

Sáng 6/5, điểm tham quan An Sơn Miếu (Côn Đảo) khá vắng vẻ. Theo một doanh nghiệp lữ hành, những ngày cao điểm Côn Đảo đón tới 6.000 - 7.000 khách.

Sáng 6/5, điểm tham quan An Sơn Miếu (Côn Đảo) khá vắng vẻ. Theo một doanh nghiệp lữ hành, những ngày cao điểm Côn Đảo đón tới 6.000 - 7.000 khách.

Các doanh nghiệp lữ hành cũng đồng loạt tiếp nhận các yêu cầu hủy, hoàn dịch vụ tới các điểm du lịch trên cả nước. Đại diện công ty Hanotours cho biết, các hành trình xa bằng máy bay bị hủy nhiều, cho dù là tới nơi có dịch hay không. Các đoàn khách lớn yêu cầu hủy nhiều hơn khách lẻ, ví dụ như công ty đã phải dừng đoàn 1.500 khách đi Hạ Long vào ngày 29/5 tới.

Tại Phú Quốc, đại diện khu nghỉ dưỡng Sunset Beach Resort & Spa cho biết, những ngày gần đây, resort này liên tiếp nhận các yêu cầu hủy hoặc lùi lịch đặt phòng trong tháng 5 và tháng 6. Khách sạn này buộc phải cho phép khách lùi ngày sử dụng phòng đã đặt đến tháng 9.

Tại Quy Nhơn (Bình Định), tình trạng khách hủy dịch vụ cũng bắt đầu gia tăng, chủ yếu là những khách đoàn và cá nhân đang công tác tại các cơ quan nhà nước. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Định cho biết, mặc dù Quy Nhơn chưa có ca nhiễm bệnh và nhiều du khách cũng không đến từ vùng dịch, nhưng thông tin về dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương gây ra tâm lý e ngại lớn.

Du khách tham quan Eo Gió (Bình Định) dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Nguồn: Hanoi Toserco

Đà Nẵng dự báo là một trong những địa phương thiệt hại lớn về du lịch trong đợt dịch này, sau khi các ca nhiễm xuất hiện trong cộng đồng thì hầu hết các hoạt động du lịch tại đây đã bị ngưng trệ. Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, khi dịch mới bùng phát trở lại, có khoảng 20-30% khách hủy tour đến thành phố, còn thời điểm hiện nay cho tới hết tháng 5 dự báo lượng khách sẽ sụt giảm gần hết. Các công ty lữ hành cũng chủ động không nhận khách tới Đà Nẵng mà chờ thời điểm an toàn, thích hợp hơn, vì trong hoàn cảnh này khó phục vụ du khách chu đáo. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đang tích cực đàm phán với các khách sạn, hàng không để hỗ trợ du khách kéo dài thời gian bảo lưu lượng phòng, vé đã đặt mua.

Chưa tìm được công thức chung

Lý giải về hiện tượng thanh lý ồ ạt này, một người bán dịch vụ du lịch trên Facebook cho rằng, nhiều khách sạn không cho phép hủy phòng hoặc lùi lịch đặt chỗ, một số hãng hàng không cũng không có chính sách hỗ trợ triệt để khiến cho nhiều khách hàng buộc phải sang nhượng hoặc chấp nhận mất tiền. “Khách không dám đi mà vé, phòng nghỉ không bán hay chuyển nhượng được nên đành bỏ, nếu ai đi được thì cũng tặng miễn phí luôn. Nhìn chung khách hàng là người thiệt thòi nhất” – người này cho biết.

Khu vực chờ ra máy bay của một hành trình quốc nội khá vắng vẻ, ảnh chụp ngày 5/5.

Theo chính sách hiện nay của một hãng hàng không giá rẻ, khách hàng chỉ được hỗ trợ nếu có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng cho hành khách bị yêu cầu cách ly, sinh sống trong khu vực phong tỏa, hoặc hành khách là cán bộ cơ quan nhà nước có yêu cầu không được phép thực hiện chuyến bay. Các trường hợp khác nếu chuyến bay vẫn được thực hiện bình thường theo kế hoạch, các yêu cầu hoàn bảo lưu định danh và từ chối bay vì lý do cá nhân khác sẽ không được hỗ trợ.

Như vậy, với những khách hàng không đến từ vùng dịch, vùng phong tỏa hoặc không có văn bản tạm dừng du lịch của địa phương thì không nhận được nhiều hỗ trợ. Các doanh nghiệp lữ hành đứng giữa cũng đang loay hoay, vừa trấn an, tư vấn cho khách hàng, vừa chờ đợi chính sách của các cơ quan chức năng và đối tác. “Các khách sạn không cho hủy, lùi phòng vì họ không phải vùng dịch bị cách ly. Rất nhiều du khách không nằm trong vùng phong tỏa nên không được hãng hàng không hỗ trợ. Chúng tôi gặp khó vì đứng ở giữa, khi thì ra sức bán, khi thì ra sức giải quyết hậu quả. Bây giờ chỉ có cách tư vấn cho khách đổi ngày, hoặc nếu hành trình tới những vùng, khu vực an toàn thì có thể vẫn đi du lịch bình thường và thực hiện nghiêm 5K cùng các biện pháp phòng, chống dịch” – đại diện công ty Hanotours cho biết.

Hoạt động du lịch vẫn diễn ra tại những khu vực an toàn, kết hợp với thực hiện nghiêm 5K cùng các biện pháp phòng, chống dịch.

Có thể thấy, dù đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh nhưng việc xử lý tình huống khi có Covid-19 của một số đơn vị trong ngành du lịch chưa linh hoạt và khách hàng vẫn phải chấp nhận rủi ro, thiệt hại. Với những khách tự đặt dịch vụ thì càng khó được hoàn tiền hay hỗ trợ hoàn hủy, so với khách đặt qua công ty lữ hành; vì các công ty này vẫn có cam kết chặt chẽ hơn với các đối tác, đồng thời sở hữu nhiều kênh phân phối để có giải pháp tốt nhất cho khách trong trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, nếu không có sự ăn khớp giữa các “mắt xích” trong ngành du lịch và thiếu một công thức chung cho mỗi lần xuất hiện các ca bệnh Covid-19, rất khó để ngành du lịch có thể phục hồi nhanh chóng và du khách yên tâm đi du lịch trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát./.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/sang-nhuong-ve-may-bay-phong-khach-san-re-nhu-cho-giua-dai-dich-covid-19-855569.vov