Sáng tác âm nhạc về đề tài thời sự xã hội

Những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam đã phải hoãn, hủy. Trong bối cảnh ấy, âm nhạc trực tuyến đã xuất hiện nhiều ca khúc thể hiện trách nhiệm xã hội, mang nội dung kêu gọi người dân nỗ lực phòng, chống dịch.

Những ca khúc như Ghen cô Vy (Khắc Hưng), Đánh giặc cô-rô-na (TS Lê Thống Nhất), Loại trừ cô-rô-na (Nguyễn Đức Phước)... đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người nghe nhạc. Giai điệu trẻ trung cùng phần lời giản đơn, dễ nghe đã khiến những thông điệp phòng dịch có phần khô cứng như: đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay, không tụ tập nơi đông người... trở nên dễ thuộc và đi vào trí nhớ người nghe. Rõ ràng, trong không khí cả nước chung tay đẩy lùi Covid-19, những ca khúc này đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ý thức và kỹ năng phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những ca khúc này một lần nữa đánh dấu xu hướng sáng tác âm nhạc đang được chú ý những năm gần đây, đó là sáng tác về đề tài thời sự xã hội, qua đó thể hiện ý thức, trách nhiệm với xã hội của ê-kíp sáng tạo. Giữa bạt ngàn những ca khúc về tình yêu, tình bạn, những bài hát bắt kịp dòng chảy thời sự xã hội là những món ăn lạ mang đến hương vị mới cho đời sống nhạc Việt. Có thể điểm danh những sáng tác nổi bật lấy cảm hứng từ những sự kiện, vấn đề thời sự, như: Buông tay đi (Dương Khắc Linh) lên án nạn bạo hành gia đình; Lũ đêm (Dương Cầm), Bão (Đinh Tuấn Anh) chia sẻ nỗi đau mất mát vì thiên tai của đồng bào miền trung; Hương sắc trời (Lê Minh Phương) viết về cuộc đời xót xa của những cô gái “bán hoa”; Đừng để con một mình (Trang Pháp), Ông kẹ (Trương Phước Lộc) đề cập nạn xâm hại trẻ em... Không thể phủ nhận, những sáng tác âm nhạc về các vấn đề nóng được xã hội quan tâm đã gửi đi những thông điệp ý nghĩa và nhân lên giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Tuy nhiên, không phải người sáng tác âm nhạc nào cũng dám dấn thân vào mảng đề tài này. Bởi, để thể hiện những thông điệp thời sự xã hội bằng ngôn ngữ âm nhạc mà không giáo điều, hô khẩu hiệu, đòi hỏi người sáng tác không những phải có cảm hứng âm nhạc, rung động sâu sắc trước vấn đề lựa chọn, mà còn phải có hiểu biết đầy đủ, toàn diện về đề tài đó. Đây là việc không dễ bởi người nghệ sĩ cần thể hiện rõ cá tính, quan điểm của mình, trong khi trên thực tế, quan điểm đó không phải lúc nào cũng trùng với quan điểm của số đông công chúng. Điều này lý giải tại sao có những ca khúc đi theo hướng này được nhiều người đón nhận, nhưng cũng có những bài bị “khai tử” ngay khi vừa thành hình. Đó là chưa kể, vì đi theo dòng chảy thời sự xã hội cho nên loại ca khúc này thường chỉ có đời sống nghệ thuật ở những thời điểm nhất định. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người còn e dè với xu hướng sáng tác nêu trên. Song cần khẳng định, dù với bất kỳ lý do gì thì âm nhạc vẫn cần hòa cùng dòng chảy thời sự, để không xa rời cuộc sống và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Suy cho cùng, bên cạnh việc mang đến những giai điệu đẹp, cập nhật những xu hướng âm nhạc mới, người sáng tác, nhất là lớp trẻ cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua những tác phẩm âm nhạc.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43571702-sang-tac-am-nhac-ve-de-tai-thoi-su-xa-hoi.html