Sáng tạo, nâng hiệu quả sản xuất

Từ thực tế lao động sản xuất, nhiều nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương thức canh tác, công cụ lao động. Những thay đổi này không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm.

Giảm sức lao động, bảo vệ sức khỏe

Là người gắn bó với nghề nông từ nhỏ, anh Đặng Huy Phong (SN 1982), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyên Phong, tổ dân phố Hòa Sơn, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) không ngừng sáng tạo trong sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng để nâng giá trị trên đơn vị diện tích. Cách đây 2 năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ổi, anh chuyển hơn 1 ha trồng nhãn, bưởi sang loại cây trồng này. Năm nay, diện tích ổi của gia đình bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng hơn 15 tấn/ha và sẽ tăng lên 55 tấn/ha từ năm thứ 3 trở đi. Do trồng trên đồi cao nên chi phí vận chuyển phân bón lên đồi cũng như đưa sản phẩm xuống khi thu hoạch lớn.

Đầu năm nay, anh nghiên cứu, đầu tư hơn 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống xe vận chuyển. Theo đó, cùng với lắp đặt đường ray bằng ống kẽm từ chân lên đỉnh đồi (khoảng 100 m), anh thiết kế xe có gắn mô tơ điện cùng dây tời. “Nếu trước đây với 500 kg ổi, chúng tôi phải thuê một lao động vận chuyển xuống trong buổi sáng thì nay chỉ cần chưa đầy 30 phút đã hoàn thành phần việc này. Không chỉ vậy, với hệ thống phanh hãm, xe vận chuyển có thể dừng ở bất cứ vị trí nào trên tuyến, tạo thuận lợi chăm sóc, vận chuyển”, anh Đặng Huy Phong nói.

Anh Đặng Huy Phong chuyển ổi từ trên đồi xuống bằng hệ thống xe vận chuyển.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó cấp T.Ư khoảng 700 hộ, cấp tỉnh hơn 3,2 nghìn hộ. Cùng đó, mỗi đợt tổ chức, Hội Nông dân tỉnh nhận được gần 50 giải pháp tham gia hội thi nhà nông sáng tạo, trong đó có nhiều giải pháp xuất phát từ thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như giải pháp rửa chuồng nuôi thỏ bán tự động của ông Hoàng Văn Thạo (SN 1966), thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa). Với quy mô nuôi thường xuyên là 1,5 nghìn con thỏ trong chuồng (thỏ bố, mẹ và thương phẩm), trước đây, trung bình mỗi ngày, gia đình anh phải rửa chuồng nuôi 2 lần, mỗi lần 2 giờ đồng hồ, vừa tốn nhân công, vừa tốn điện, nước. Khắc phục hạn chế này, từ năm 2020, anh nghiên cứu, xây dựng sơ đồ và lắp đặt hệ thống ống rửa bán tự động.

Theo đó, dưới chuồng nuôi thỏ có máng nước thải cùng hệ thống đường ống dẫn nước. Chỉ cần mở van, nước tự chảy và cuốn toàn bộ chất thải xuống hầm biogas; thời gian cho mỗi lần dọn chỉ 5 phút. Tương tự, với 7 mẫu lúa, mỗi dịp phun thuốc bảo vệ thực vật, ông Trần Văn Gấm (SN 1967), thôn Tân Phượng, xã Trí Yên (Yên Dũng) phải đeo bình bơm 3 ngày liên tục, vừa hại sức khỏe, hiệu quả không cao. Đầu năm 2020, ông sáng chế hệ thống bơm thuốc bảo vệ thực vật bán tự động thông qua máy bơm tăng áp kết nối với động cơ máy cày để hút thuốc đã được pha chế từ thùng phuy dẫn ra vòi phun. Với hệ thống vòi dài 150 m và cuốn, thả tự động, thời gian phun 7 mẫu lúa giảm xuống còn 1 ngày.

Khuyến khích nông dân sáng tạo

Thực tế, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại, chủ động nghiên cứu, đổi mới công cụ, phương thức sản xuất nên giá trị ngành Nông nghiệp không ngừng tăng. Mặc dù vậy, qua đánh giá, các sáng kiến của nông dân mới chỉ được áp dụng trong phạm vi gia đình, vùng sản xuất tại địa phương, chưa được nhân rộng. Ví như sáng kiến của anh Đặng Huy Phong rất khó áp dụng đối với các thành viên khác trong hợp tác xã bởi diện tích canh tác của các hộ không lớn, phân tán. Tương tự, máy phun thuốc bảo vệ thực vật bán tự động của ông Trần Văn Gấm chỉ có thể áp dụng đối với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn… "Nhiều hộ dân trong thôn, xã đã đến tham khảo ý tưởng của tôi song do diện tích canh tác nhỏ nên khó áp dụng do không khai thác hết hiệu quả của mô hình. Hiện ngoài phun cho gia đình, tôi còn nhận phun cho một số nhóm hộ có ruộng liền kề", ông Gấm nói.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó cấp T.Ư khoảng 700 hộ, cấp tỉnh hơn 3,2 nghìn hộ. Cùng đó, mỗi đợt tổ chức, Hội Nông dân tỉnh nhận được gần 50 giải pháp tham gia hội thi nhà nông sáng tạo, trong đó có nhiều giải pháp xuất phát từ thực tiễn và mang lại hiệu quả cao.

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ nông dân đổi mới sáng tạo, nhiều năm nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hội thi nhà nông sáng tạo. Để giúp ý tưởng thành hiện thực, có thể áp dụng được vào thực tiễn, các cấp hội trong tỉnh đã hướng dẫn các cá nhân có sáng kiến xây dựng giải pháp, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thực tế và tính ứng dụng cao. Tại huyện Tân Yên, từ năm 2022, UBND huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân đưa máy móc, cơ giới hóa sản xuất. Theo đó, nếu nông dân đăng ký ý tưởng hoặc đưa mô hình cơ giới hóa vào sản xuất, UBND huyện hỗ trợ 50% kinh phí triển khai mô hình. Hay như Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để hội viên học tập, triển khai. Cùng đó hỗ trợ một phần kinh phí để các tác giả có sáng kiến đăng ký bản quyền.

Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh nói: “Ở hầu hết các lĩnh vực, địa phương, nông dân đều có những ý tưởng sáng tạo song không phải ai cũng có điều kiện áp dụng vào thực tế. Đồng hành cùng nông dân, bên cạnh hỗ trợ các tác giả có ý tưởng tham gia hội thi, thời gian tới chúng tôi hỗ trợ hội viên có ý tưởng tốt để triển khai trong thực tế. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình, hội viên cũng cần chủ động nguồn lực để biến ý tưởng của mình thành hiện thực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/400232/sang-tao-nang-hieu-qua-san-xuat.html