Sáng tạo, tận tình hướng dẫn người dân

Nhanh chóng, tiện lợi là cảm nhận của nhiều người dân khi đến giao dịch tại bộ phận 'một cửa' của các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua. Đây là kết quả của việc sáng tạo, tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính của các cán bộ, công chức thành phố.

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của UBND xã Quất Động (huyện Thường Tín). Ảnh: Thái Hiền

Anh Vũ Anh Tuấn ở khu tập thể kho 708 (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) đến đăng ký khai sinh cho con thứ hai tại bộ phận “một cửa” của UBND xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) bất ngờ khi lần này làm các thủ tục được thao tác hoàn toàn trên máy tính. Không chỉ có vậy, anh Tuấn còn được cán bộ ở đây nhiệt tình hướng dẫn nên chưa đầy 10 phút đã hoàn thành đăng ký khai sinh cho con. Tương tự, anh Nguyễn Khắc Chung ở 115-K9 (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) cho hay, nhiều lần đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Bách Khoa đều cảm thấy hài lòng vì cán bộ thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ.

Ngoài việc hướng dẫn trực tiếp, nhiều đơn vị còn chủ động sáng tạo các hình thức hướng dẫn người dân thông qua các phương pháp trực quan như: Mẫu kê khai hồ sơ, bảng biểu, sơ đồ cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đơn cử, tại UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), cùng với niêm yết công khai số điện thoại của Chủ tịch UBND phường, số điện thoại của trưởng bộ phận “một cửa”, đường dây nóng, còn có cả chuông và treo tấm biển “Nếu cần hỗ trợ, vui lòng bấm chuông”. Chị Lương Thị Thúy Vân, công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Ngọc Lâm giải thích, chuông được bố trí kết nối với phòng của Chủ tịch UBND phường và bộ phận “một cửa” của phường nên khi người dân cần bấm chuông là được trợ giúp ngay.

Tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Thường Tín cũng có tấm biển “Máy phục vụ công dân sử dụng dịch vụ công mức độ 3” đặt cạnh máy tính. Chị Nguyễn Thị Hiếu, chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND huyện Thường Tín cho biết, do người dân đến trụ sở làm việc khi chưa quen sẽ không tự ngồi thao tác trên máy tính nên huyện đã đặt tấm biển này để tạo sự thân thiện. Nếu người dân chưa biết sử dụng máy tính sẽ được cán bộ giúp đỡ tận tình.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thế Năng, việc thực hiện các quy định một cách nền nếp, quy củ của các đơn vị đã tạo ý thức tốt cho công dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước giải quyết thủ tục hành chính. Điển hình là trong đợt kiểm tra đột xuất công vụ đầu năm 2020, Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố Hà Nội đã ghi nhận các công dân đến bộ phận “một cửa” của UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) đều tự giác ra bấm số để lấy phiếu xếp hàng. Khi không lấy được phiếu (do máy gặp trục trặc) thì mới ra nhờ cán bộ ở bộ phận “một cửa” giúp đỡ.

Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2020 của thành phố Hà Nội đã đề ra mục tiêu: 100% số hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn; 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 60% thủ tục hành chính có quy định cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó có ít nhất 30% số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4… Do đó, việc cán bộ, công chức tận tình, chu đáo giúp đỡ người dân khi thực hiện thủ tục hành chính là cách làm thiết thực, hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu chung của thành phố đề ra.

Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/957791/sang-tao-tan-tinh-huong-dan-nguoi-dan