Sáng tạo và nhân văn, nhận thức để hành động

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ngày nay, trước đây gọi là Ngân hàng Phục vụ người nghèo, là một tổ chức định chế tài chính có quy mô lớn nhất. Từ ngày được thành lập đến nay, NHCSXH đã góp phần rất lớn tạo nguồn lực cho người nghèo thúc đẩy phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trong Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng (Chỉ thị 40) có nêu: 'tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc'.

Thực tiễn qua sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị 40 cho thấy, hầu hết các địa phương đều đã triển khai và đều có kiến nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 với các nội dung như: mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi, thời gian thực hiện chính sách… Tuy nhiên, nếu nhận thức đầy đủ hơn tính “sáng tạo” và “nhân văn” thì chắc chắn kết quả đạt được sẽ cao hơn. Qua trực tiếp triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội ngay từ những ngày đầu thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo đến nay, có thể chỉ ra tính sáng tạo là ở chỗ ngân sách (trung ương, địa phương) cho vay ủy thác qua NHCSXH. Thực chất đây là một hình thức đầu tư cho người nghèo, nhằm hạn chế việc “cho không” kéo dài, đổi mới “cách cho” dựa trên kế hoạch sản xuất của người dân, dựa trên trách nhiệm sử dụng vốn, trách nhiệm trả vốn cho Nhà nước thông qua ngân hàng. Đây là một thực trạng kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, không hiệu quả, đã được Quốc hội đánh giá là cần đổi mới các chính sách đối với người nghèo. Bên cạnh đó cũng cần phân tích một cách đầy đủ tính nhân văn của tín dụng chính sách mà Chỉ thị 40 nêu, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không có quốc gia nào trên thế giới lại quan tâm đến người nghèo như Việt Nam.

Hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quan tâm một cách toàn diện đời sống mọi mặt của xã hội, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo bằng nhiều chủ trương và chính sách đồng bộ, trong đó có tín dụng CSXH. Các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc lo cho người nghèo bằng cách tham gia trực tiếp vào Ban quản trị của NHCSXH, vừa đại diện cho đoàn thể, vừa trực tiếp lo cho các đối tượng trong đoàn thể mình, tính nhân văn được thể hiện thông qua việc bình xét công khai, lựa chọn đúng đối tượng để cho vay vốn phát triển kinh tế. Với cách làm trên, trong những năm qua, người nghèo cả nước đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn của nhiều chương trình với các mục tiêu, đối tượng khác nhau, giúp cho người nghèo, nhóm yếu thế, học sinh, sinh viên vươn lên trong cuộc sống. Tính nhân văn còn thể hiện ở chỗ, đây là nguồn lực “đối ứng” hấp thụ nguồn vốn của Trung ương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nghèo, khó khăn. Qua đi thực tế thấy nhiều địa phương đã lồng ghép một cách khoa học giữa các chính sách của tỉnh cùng với nguồn vốn NHCSXH tạo thành nguồn lực tổng hợp đầu tư dưới sự giám sát của cả hệ thống chính trị. Tính nhân văn của tín dụng CSXH thực chất là cho vay tiêu dùng, “đối trọng” với tín dụng đen trong khi người nghèo khó tiếp cận nguồn vốn thương mại khác. Tính nhân văn của chương trình tín dụng chính sách còn thể hiện ở tiêu chí động và mở, tùy theo từng địa phương mà có thể ban hành các tiêu chí chuẩn nghèo khác nhau và ban hành chính sách thực hiện. Vừa qua, một số địa phương đã thực hiện chủ trương này và lồng ghép hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ của địa phương đề ra.

Việc thực hiện chương trình tín dụng CSXH theo tinh thần Chỉ thị 40 chính là làm tốt công tác dân vận ở cơ sở để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Nhận thức được sẽ là cơ hội đầu tư cho người nghèo, không nhận thức đúng thì ngộ nhận áp lực về nguồn lực cho địa phương còn nhiều khó khăn. Kinh nghiệm của các địa phương về vấn đề này đã chứng minh, cần được nhận thức đúng và tăng cường trao đổi giữa các địa phương để tín dụng CSXH thật sự là nguồn lực cùng với các nguồn lực khác góp phần thực hiện thành công các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Để phát triển, các địa phương đều ban hành các chính sách sử dụng nguồn lực trên địa bàn. Nhưng đối với người nghèo không chỉ là một dự án mà là một sự nghiệp lâu dài, do vậy các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhận thức đầy đủ và có giải pháp tăng cường lãnh đạo một cách đồng bộ giữa công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành; xuyên suốt từ trên đến cơ sở, có như vậy thì tính sáng tạo và nhân văn mới thật sự là một giải pháp hiệu quả tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

TS TRIỆU TÀI VINH

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/43195202-sang-tao-va-nhan-van-nhan-thuc-de-hanh-dong.html