Sáng y đức nơi biên cương xứ Nghệ

Đứng chân trên vùng biên giới huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4, Quân khu 4 là điểm sáng của những tấm lòng 'lương y như từ mẫu', góp phần cứu chữa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

Có bệnh là đến Bệnh xá

“Cháu bị viêm xoang cấp, bị viêm tai ngoài. Đây là thuốc chữa bệnh: Loại này là kháng sinh, anh cho con uống theo đơn, đúng liều lượng và thời gian ghi trên vỏ hộp thuốc, còn đây là dung dịch vệ sinh mũi, họng...”, Thượng úy, bác sĩ Trần Hoàng Anh, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 dặn dò cẩn thận anh Giã Bá Chừ, bố của cháu Giã Y Bồ (10 tuổi), ở bản Huồi Xài, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

“Cảm ơn bác sĩ”, anh Chừ nói và nhận thuốc chữa bệnh. “Nhà tôi cách đây 15km. Hễ ai trong gia đình có bệnh đều tìm đến Bệnh xá là được cho thuốc uống khỏi liền. Chúng tôi rất tin tưởng và biết ơn các thầy thuốc quân y”, anh Chừ tâm sự.

Một ngày làm việc của các y sĩ, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 diễn ra khá vất vả. Ngoài nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ngoại trú, các anh còn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho 10 bệnh nhân nội trú.

Bệnh nhân Mùa Sông Chài, 52 tuổi, bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, chia sẻ: "Cách đây nhiều ngày, tôi có triệu chứng ho, nhiều đờm, tức ngực và khó thở. Tưởng bị bệnh cảm thông thường nên tôi chủ quan. Đến khi bệnh trở nặng, người nhà đưa tôi tới Bệnh xá thì được bác sĩ cho biết bị viêm phổi thùy. Sau vài ngày điều trị, đến nay bệnh tình của tôi đã thuyên giảm".

Đến thăm Bệnh xá, chúng tôi nhận thấy, bệnh nhân khi đến khám đều được các thầy thuốc hướng dẫn, tư vấn tận tình, chu đáo từ công tác chữa trị bệnh đến những vướng mắc về thẻ bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách... Đặc biệt, đối với bệnh nhân nghèo điều trị nội trú và cả người nhà đi theo chăm sóc đều được Bệnh xá tổ chức cho ăn miễn phí 3 bữa/ngày.

Bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 khám, chữa bệnh cho cháu Giã Y Bồ ở bản Huồi Xài, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An).

Tận tình đưa y học đến vùng sâu

Theo Đại úy Nguyễn Phúc Quang, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4: Cách đây khoảng chục năm, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gặp nhiều khó khăn. Ví như, chưa có đường ô tô phải đi xe máy và đi bộ để đưa thuốc đến với bà con, nhiều khi đồng bào còn lạ lẫm với cách điều trị y học hiện đại nên không tin, không theo...

Khá nhiều gia đình khi có người bị bệnh thì mời thầy mo đến cúng bái, hoặc dùng thuốc theo tập quán, đến khi bệnh chuyển nặng mới cho thầy thuốc quân y chữa nên gây khó khăn trong công tác điều trị. Có bệnh nhân được khám bệnh, nhận thuốc, rồi lại vứt thuốc đi vì sợ mang “con ma bệnh” vào nhà.

Gắn bó với đồng bào từ những ngày đầu đơn vị đứng chân trên vùng biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An, Đại úy Nguyễn Phúc Quang cùng các thầy thuốc quân y của Bệnh xá phải trải qua bao vất vả mới gây được lòng tin yêu trong đồng bào. Để hiểu đồng bào, các thầy thuốc tự học tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục, tập quán, nhờ đó mà tiếp cận dễ dàng với bà con, cũng như hiểu được nguyên nhân của các căn bệnh...

Tấm lòng “từ mẫu” của các anh góp phần tuyên truyền đời sống mới, đẩy lùi những hủ tục để y học hiện đại bén rễ giữa núi rừng hẻo lánh. Nhờ vậy, các anh đã cứu chữa hàng trăm lượt bệnh nhân thoát khỏi bàn tay của tử thần. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Lương Mẹ Xỏn, sinh năm 1954, ở bản Bủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn.

Vào tháng 5-2023, bà Xỏn trong lúc làm nương rẫy đã bị thương ở mu bàn tay trái. Gia đình đã dùng lá rừng đắp vào vết thương, rồi vết thương bị nhiễm trùng, gây hoại tử, nguy hiểm đến tính mạng. Rất may, bà Xỏn được đưa đến Bệnh xá kịp thời. Sau khi khám, các y sĩ, bác sĩ đã tiến hành cắt lọc vết thương, cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh... Điều trị nội trú hơn 30 ngày, bệnh nhân Xỏn đã khỏi và trở lại lao động bình thường.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh xá, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, mỗi khi nhận được thông tin bà con đau ốm hay gặp nạn là các thầy thuốc Bệnh xá lập tức lên đường chữa trị cho bệnh nhân. Hằng năm, các anh đều tổ chức những đợt “hành quân” dài ngày đến với những bản làng xa xôi, hẻo lánh để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Vừa rồi, các anh đã đi khám, chữa bệnh cho đồng bào ở bản Huổi Mới, xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An). Đường từ trung tâm xã Tri Lễ đến Huổi Mới còn khoảng 2km đường đất gồ ghề nhưng trưởng bản Và Bá Thái đã huy động người dân hỗ trợ, vận chuyển thuốc và trang thiết bị y khoa đến bản. “Điều hạnh phúc nhất của thầy thuốc quân y chúng tôi là được nhân dân tin yêu và đồng hành”, anh Quang chia sẻ.

Hiện nay, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 được trang bị một số máy móc, thiết bị y khoa hiện đại, như: Máy siêu âm; máy điện tim; máy nội soi tai, mũi, họng; máy chụp X-quang; máy xét nghiệm... Nhìn các trang bị, anh Quang cho biết: “Máy móc nhiều nhưng người dân chưa được tiếp cận. Quy định của ngành bảo hiểm chỉ chi trả khi kỹ thuật viên có chứng chỉ sử dụng các trang thiết bị máy móc y tế theo quy định... thế nhưng, lực lượng y, bác sĩ ở Bệnh xá còn mỏng nên khó có thời gian đi học để có chứng chỉ hành nghề. Tôi cũng mong các cấp, ngành có sự quan tâm để tháo gỡ khó khăn về quyết toán bảo hiểm y tế, về tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ y khoa... cho các bệnh xá đặc thù nơi tuyến đầu của Tổ quốc”.

Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/sang-y-duc-noi-bien-cuong-xu-nghe-744954