Sao cho ích nước, lợi nhà

Các phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng cần được rà soát, điều chỉnh hợp lý hơn, để người lao động thấy rằng được hưởng lương hưu là ích nước, lợi nhà, khuyến khích họ tham gia bảo hiểm xã hội cho đến lúc đủ điều kiện để được hưởng lương hưu thỏa đáng.

Theo quy định tại khoản 6, Điều 18, Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Nói cách khác, việc người lao động chuyển nhượng quyền thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội để có một món tiền ngay là không sai, mặc dù bằng việc làm này, họ chấp nhận những khó khăn khi tuổi già và bệnh tật ập tới trong lúc lương hưu không còn.

Ngày 6-6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi áp dụng nhiều giải pháp (như kịp thời cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi dụ dỗ để thu mua sổ bảo hiểm xã hội của người lao động; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát quy trình chi trả) thì tình trạng mua gom sổ bảo hiểm xã hội có thuyên giảm.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này thì cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, theo hướng làm tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Chẳng hạn: giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu (từ 20 năm có thể xuống còn 15 năm); bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự liên kết giữa các chính sách liên quan, cũng như tăng tính linh hoạt của các chính sách bảo hiểm xã hội.

Các phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng cần được rà soát, điều chỉnh hợp lý hơn, để người lao động thấy rằng được hưởng lương hưu là ích nước, lợi nhà, khuyến khích họ tham gia bảo hiểm xã hội cho đến lúc đủ điều kiện để được hưởng lương hưu thỏa đáng.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sao-cho-ich-nuoc-loi-nha-post692702.html