Sao chổi xanh bay ngang bầu trời lần đầu tiên sau 50.000 năm, có thể nhìn thấy vào lúc nào?

Lần đầu tiên kể từ Thời kỳ Đồ đá, sao chổi xanh sẽ lại xuất hiện. Đây rõ ràng là một sự kiện rất hiếm có, vậy làm thế nào để chúng ta gặp được 'vị khách' này?

Một sao chổi xanh lá cây chưa từng được thấy trên bầu trời trong hơn 50.000 năm sẽ bay ngang qua Trái Đất - theo tính toán là vào đêm nay (1/2).

Mặc dù sao chổi này chẳng biết đã bay vòng vòng trong vũ trụ từ bao giờ, nhưng nó mới được các nhà thiên văn học ở California (Mỹ) phát hiện vào tháng 3/2022. NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) gọi nó là “sao chổi bóng tuyết bẩn”, còn tên thật của nó thì nghe ít thú vị hơn: C/2022 E3 (ZTF).

C/2022 E3 (ZTF) mới được phát hiện chưa đầy một năm. Ảnh: Dan Bartlett/ AFP/ NASA/ Getty Images.

C/2022 E3 (ZTF) mới được phát hiện chưa đầy một năm. Ảnh: Dan Bartlett/ AFP/ NASA/ Getty Images.

Và giờ thì vật thể hiếm có này sẽ bay ngang qua và ở gần Trái Đất nhất vào thời điểm giữa ngày 1/2 và 2/2. Gọi là “gần nhất” nhưng nó chẳng gây nguy hiểm cho ai cả, vì nó vẫn cách Trái Đất khoảng 42 đến 44 triệu km, theo EarthSky. Tức là ngay cả khi sao chổi xanh ở gần chúng ta nhất, khoảng cách giữa nó với Trái Đất vẫn gấp hơn 100 lần so với khoảng cách giữa Mặt Trăng với Trái Đất.

Với những người ở bán cầu Bắc như chúng ta thì thời điểm tối ưu để nhìn thấy “quả bóng tuyết bẩn” - thậm chí nhìn bằng mắt thường nếu thời tiết tốt, hoặc muốn nhìn rõ hơn thì dùng ống nhòm hoặc kính thiên văn - là vào lúc sau nửa đêm đến gần sáng, theo trang CNN. Những người ở bán cầu Nam thì sẽ khó quan sát hơn.

Một sao chổi màu xanh. Ảnh: NASA.

Khi C/2022 E3 (ZTF) bay qua gần Trái Đất, người quan sát sẽ thấy nó là một vệt mờ màu xanh lá cây ở gần sao Bắc Cực. Nó cũng có thể có màu hơi khác vì sao chổi phản chiếu những màu sắc khác nhau của ánh sáng, tùy theo vị trí của nó.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/sao-choi-xanh-bay-ngang-bau-troi-lan-dau-tien-sau-50000-nam-co-the-nhin-thay-vao-luc-nao-post1506553.tpo