Sao EU không dùng Nord Stream-2 làm công cụ trói Nga?

Nếu nghe Mỹ chặn Nord Stream-2 thì EU đang tự tước vũ khí trói Nga, châu Âu có thể dùng chính dự án này để 'điều chỉnh hành vi của Nga'.

“Dòng chảy phương Bắc 2” có thể bị phá vỡ?

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga là “một trong nhiều công cụ” với trường hợp đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream-2), theo đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel của Đức.

Quan điểm tương tự cũng được một nguồn tin khác của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong bài bình luận của mình.

“Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động về việc hoàn thành xây dựng hoặc chứng nhận dự án đường ống và nếu diễn ra các hoạt động đó, Hoa Kỳ sẽ ra quyết định về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt, đó chỉ là một trong nhiều công cụ quan trọng” - một quan chức trong cơ quan chính sách đối ngoại Mỹ cho biết.

Sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhất đối với Nord Stream 2, đại diện Liên minh châu Âu, các cơ quan có thẩm quyền của Đức và các chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang thảo luận về một “gói chiến lược” có thể làm hài lòng Washington và buộc Mỹ từ bỏ các biện pháp chế tài đối với dự án đường ống dẫn khí đốt.

Trước đây, giới truyền thông Đức đã đưa tin rằng, từ tháng 8 năm ngoái, chính quyền Berlin đã cố gắng giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách xây dựng hai bến cảng tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Tuy nhiên, Washington không đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Một số chuyên gia cho rằng,với áp lực quá lớn của Mỹ, việc Đức từ bỏ dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” là điều không thể tránh khỏi sau cuộc bầu cử liên bang dự kiến vào tháng 9.

Hiện nay, đảng cầm quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel đang cố gắng duy trì liên minh và ngăn chặn sự chia rẽ liên quan đến vấn đề này. Nhưng khi kết quả bầu cử rõ ràng, việc níu kéo dự án đường ống dẫn khí sẽ chẳng có ích gì.

Khả năng thất bại của dự án cũng được Tập đoàn Khí đốt Nhà nước Nga là Gazprom nhìn nhận là có thể xảy ra, mặc dù công ty Nga tin rằng sự leo thang các sự kiện như vậy chỉ có thể xảy ra trong những trường hợp ngoại lệ bất khả kháng.

Bên cạnh những luận điểm chống phá quyết liệt Nord Stream 2 vì “đây là dự án có lợi cho Moscow, gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga”, giới chức ngoại giao Đức lại có những quan điểm hết sức trái ngược và độc đáo về việc sử dụng chính dự án này để gây áp lực với Nga.

Tương lai của dự án Nord Streram 2 đang hết sức “bấp bênh”

Tương lai của dự án Nord Streram 2 đang hết sức “bấp bênh”

Bỏ Nord Streram 2, EU tự bắn vào chân mình

Mới hôm 12/02, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận xét rằng, chính việc từ chối “Dòng chảy phương Bắc-2” của Liên minh châu Âu mới là hành động sai lầm, tước đi đòn bẩy áp lực ngược của EU đối với Nga.

Phát biểu trước Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) hôm 11/02, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas kêu gọi các nghị sĩ và giới chính khách Đức suy nghĩ về “hậu quả địa-chiến lược” của việc từ chối thực hiện dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”.

“Về nguyên tắc, những người đặt câu hỏi nghi ngờ về ‘mục đích xấu xa của Nga’ trong dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”, cũng nên suy nghĩ về những hậu quả địa-chiến lược của điều này và về khả năng gây ảnh hưởng ngược từ châu Âu đối với Nga” - ông nói.

Theo ông, nếu dự án được triển khai, Nga được lợi thì châu Âu cũng sẽ được hưởng lợi tương tự. Khi đó, cả hai bên cùng phụ thuộc lẫn nhau và EU cũng có thể sử dụng chính dự án này để “điều chỉnh hành vi của Nga”.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh, ông có thể sẵn sàng tiến hành cuộc tranh luận này, nhưng vấn đề là các nguồn cung cấp năng lượng khác cũng “không rõ ràng”. Có những quốc gia yêu cầu châu Âu ngừng xây dựng Nord Stream 2, trong khi chính họ đang tăng cường nhập khẩu dầu nặng từ Nga” - ông Maas nói, ám chỉ chính Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức cũng phản đối việc “phá hủy những cây cầu nối cuối cùng” trong quan hệ với Nga.

“… chúng tôi phải thảo luận về khả năng leo thang mà bước đi này mang lại. Quý vị nói rằng vì các sự kiện ở Nga, chúng ta không nên làm ăn với nước này nữa. Nhưng quý vị cũng biết rõ về những hậu quả sẽ tới xét từ quan điểm địa-chiến lược” – ông Maas nói trong cuộc họp với Đảng Xanh.

Сùng với cảnh báo việc cô lập Nga về kinh tế, ông cho rằng, hệ quả của việc này sẽ dẫn đến mối quan hệ Nga - Trung ngày càng thân thiết hơn và đó là điều không ai mong muốn. Do đó, Berlin phản đối việc phá hủy tất cả các cầu nối trong quan hệ với Nga.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sao-eu-khong-dung-nord-stream-2-lam-cong-cu-troi-nga-3427546/