Sao lại cho là vẽ chuyện?

Khoảng 11h ngày 15-3, chị Tú ở phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng đang đứng đợi mấy người bạn để vào thăm đồng nghiệp đang điều trị tại Khoa Phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thì thấy một chiếc xe taxi đi thẳng vào cổng bệnh viện. Khi thấy người bảo vệ giơ tay ra ngăn, người đàn ông trung tuổi ngồi hàng ghế trước thò đầu ra qua cửa kính xe, nói to:

- Có người đang gãy chân đây này, bắt đi bộ vào à?

Anh bảo vệ vẫn bình tĩnh:

- Tôi mời anh cứ xuống xe đã.

Mở cửa xe bước xuống, người đàn ông này hậm hực:

- Đã đeo khẩu trang rồi còn hạch sách gì nữa?

Nhanh nhẹn, anh bảo vệ đưa chiếc máy đo thân nhiệt lên trán rồi dùng bút bi đánh dấu vào tay người đàn ông này cũng như làm tương tự với người đang ngồi trong xe.

- Mời anh cho xe vào. - Anh bảo vệ chỉ tay.

- Vẽ chuyện! - Người đàn ông tỏ vẻ khó chịu.

Kể lại chuyện này với Người Xây Dựng, chị Tú nói: Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, phòng, chống dịch là cho chính mình và cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sao lại cho là vẽ chuyện? Theo chị, mọi người cần tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, tránh có những thái độ, lời nói kém văn minh, thiếu tôn trọng với người thực thi công vụ.

Người Xây Dựng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/moi-ngay-mot-chuyen/962533/sao-lai-cho-la-ve-chuyen