Sao lại gọi con ếch là 'gà đồng'?

Như vậy, sở dĩ người ta gọi con ếch hay thịt ếch là 'gà đồng', là bởi thịt của nó có vị thơm ngon giống như thịt gà. Và cách gọi con ếch là 'gà đồng' của người Việt Nam có thể đã chịu ảnh hưởng từ sách Bản thảo cương mục (*).

Mướp hương nấu với gà đồng

Mời ăn một bữa xem chồng về ai.

Măng non nấu với gà đồng,

Thử chơi một trận xem chồng về ai.

(Ca dao)

Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) mục “gà đồng” được giảng ngắn gọn “tức là con ếch”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giảng “gà đồng” là “ếch, nói về mặt thịt ăn được và ngon”. Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) giảng “gà đồng” là “con ếch đã làm thịt”. Còn Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS. Nguyễn Lân giải nghĩa “gà đồng” là “từ dùng đùa để chỉ con ếch”.

Sau khi trích dẫn 4 cuốn từ điển, chúng ta vẫn chưa biết tại sao con ếch lại được gọi là “gà đồng”.

Vậy, tại sao lại gọi “con ếch” là “gà đồng”?

Con ếch có tên chữ là điền kê (gà đồng). Nguyên sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân mục “oa” (con ếch) giảng: “Oa hảo minh, kỳ thanh tự hô, Nam nhân thực chi, hô vi điền kê, vân nhục vị như kê dã nghĩa là “ếch kêu rất to, cái tên “oa” được đặt theo tiếng kêu của nó, người Nam ăn thịt ếch, vị như thịt gà, nên gọi là điền kê (gà đồng) vậy”.

Bản thảo cương mục là một cuốn từ điển bách khoa về dược học, được Lý Thời Trân biên soạn vào thế kỷ 16, đầu thời nhà Minh, Trung Quốc. Lý Thời Trân đã bỏ ra 27 năm để sưu tầm gần một ngàn tài liệu, đích thân đi đến các vùng miền để khảo sát các loại động vật, cây cỏ trong thiên nhiên có thể dùng làm thuốc Đông y. Bản thảo cương mục được xem là tác phẩm y học, dược học đồ sộ, chi tiết và hệ thống nhất trong lịch sử Đông y. Trong suốt mấy trăm năm lịch sử, bộ sách này đã trở thành cẩm nang của các thầy thuốc Đông y, không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Việt Nam.

Như vậy, sở dĩ người ta gọi con ếch hay thịt ếch là “gà đồng”, là bởi thịt của nó có vị thơm ngon giống như thịt gà. Và cách gọi con ếch là “gà đồng” của người Việt Nam có thể đã chịu ảnh hưởng từ sách Bản thảo cương mục (*).

Mẫn Nông (CTV)

(*) - “Điền kê” hay “điền kê điểu” còn được dùng để chỉ một số loại gà nước như cúm núm, gà rịch, cuốc lùn,v.v...

“Điền kê” hay “điền kê bào” cũng là tên một loại hỏa khí (súng cối, pháo trận) cỡ nhỏ của người Trung Quốc thời Minh. Điền kê bào(còn gọi hổ đôn bào được đặt trên giá có bốn chân, hai chân trước cao, hai chân sau thấp, trông giống như con ếch hay con hổ đang ngồi chồm hổm nên có tên như vậy.

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/sao-lai-goi-con-ech-la-ga-dong-31039.htm