Sao mẹ lại kẹp phong bì vào bưu thiếp tặng cô?

Con gái tôi mới học lớp 5 đã hỏi như vậy khi cháu thấy tôi lén kẹp vào tấm bưu thiếp mà cháu tự vẽ, tự cắt dán hoa để tặng cô giáo nhân ngày 20/11 một chiếc phong bì.

Ảnh minh họa. (ảnh: M.M)

Ảnh minh họa. (ảnh: M.M)

Mỗi năm vào dịp lễ 20/11, chị Dương Linh (Chương Dương, Hà Nội) lại đau đầu vì không biết tặng quà gì cho cô giáo của con. Bàn với chồng, anh gạt đi bảo quà cáp làm gì vừa không biết mua cho đúng sở thích của cô, mất công mình mà có khi người ta không dùng đến. Cuối cùng, giải pháp được cả hai vợ chồng đồng thuận bao giờ cũng là “phong bì”. Gọn nhẹ, hiệu quả mà… tinh tế (!!!)

Không riêng gia đình chị Linh, những năm gần đây, giải pháp phong bì được khá nhiều phụ huynh lựa chọn.

Chị Ánh Hồng – Một phụ huynh có con học trường nầm non ở Bắc Ninh - chia sẻ: “Hoa vào những ngày lễ vừa đắt vừa lãng phí, các cô nhận quá nhiều hoa có khi phải cho bớt đi. Theo tôi chỉ nên tặng vài bông hoặc chiếc bưu thiếp nhỏ và kiểu gì cũng vẫn nên có phong bì”.

Dường như nếu thiếu chiếc phong bì lấp ló trong bó hoa hay cái bưu thiếp 20/11, nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy bất an! Bởi từ lâu, như đã thành quy luật bất thành văn, chiếc phong bì có giá trị truyền tải thông điệp của phụ huynh đến thầy cô: vừa có hàm ý tôn vinh vừa như "thỏa thuận ngầm" mong được thầy cô lưu ý con mình hơn.

Thế còn các nhà giáo – họ cảm nhận điều này như thế nào?

Bạn tôi, một giáo viên tiểu học đang dạy tại một trường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Ngày trước, khi còn dạy trường làng ở ngoại thành Hà Nội, mỗi dịp 20/11 thì nhà toàn quà tặng bình dân như kem dưỡng da Pond, dầu gội Sunsilk… Từ hồi chuyển về trường điểm, quà cáp cũng nâng đời hẳn. Đa số phụ huynh tặng phong bì, có năm mua được cả xe máy nhờ phong bì 20/11. Nếu có quà cáp thì cũng nước hoa, đồng hồ hàng hiệu chứ không còn là Pond hay Sunsilk nữa…

Bạn tôi bảo, tiền ai cũng cần, cũng quý, nhất là trong điều kiện lương giáo viên tiểu học còn thấp, công việc thì đặc thù: vừa dỗ vừa dạy, vừa phải làm cô vừa phải làm mẹ. Thế nhưng, chị ấy không quá đặt nặng vấn đề này. Ví như vừa rồi có phụ huynh đánh tiếng qua một người quen, tỏ ý hỏi han tình hình con và mong chị này giới thiệu để nhờ cô quan tâm hơn. Bạn tôi thẳng thắn trả lời là con ngoan, tiếp thu tốt, nói phụ huynh yên tâm không phải đến cô.

Ngược lại, có phụ huynh quà cáp hoành tráng nhưng cư xử thiếu chuẩn mực, thường hoạnh họe cô vì sao buổi chiều về con ăn rất nhiều cơm, có phải ở lớp cô cho ăn đói không. Nghe xong, chị ấy thoáng buồn.

Chị họ tôi, một giáo viên dạy tiếng Anh tại thị trấn Phùng (Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ: Phụ huynh tiểu học thường chỉ “đi” cô giáo chủ nhiệm, còn môn tiếng Anh ở bậc tiểu học chưa được coi trọng nên nhiều năm liền ngày 20/11 đối với chị không có nhiều ý nghĩa lắm. Có năm mừng rơi nước mắt khi được mấy em học sinh tặng một bó hoa, nhưng nửa tiếng sau chúng – những đứa học trò quê mới 7, 8 tuổi quay lại xin cô bó hoa vì tặng nhầm (?!)

Tôi, một phụ huynh có con gái 5 tuổi đang học mầm non cũng ủng hộ những chiếc phong bì nhỏ xinh vốn không có tội. Tôi nghĩ, đều là do áp lực của chính chúng ta đặt lên nó mà thôi.

Hàng năm khi sắp đến 20/11, tôi thường hỏi con: “Năm nay con định tặng cô giáo món quà gì nhân ngày 20/11?”. Thường thì cháu sẽ vẽ, hoặc cắt dán hoa. Sau đó chúng tôi cùng đi mua bút màu, giấy màu để làm bưu thiếp.

Những nét vẽ nguệch ngoạc, những mảnh giấy màu nham nhở nhưng sinh động và chứa chan tình cảm. Tôi dùng nó làm bưu thiếp tặng cô sau khi lén kẹp vào một chiếc phong bì. Có năm con tôi nhìn thấy, cháu hỏi sao mẹ lại để phong bì vào đấy? Tôi trả lời: Để cô giáo cất bưu thiếp của con vào phong bì cho khỏi hỏng. Cháu rất vui mừng.

Tôi tặng cô giáo của con những chiếc phong bì là một phần thu nhập được chia sẻ, co kéo trong quỹ lương hàng tháng nhưng tôi không cảm thấy áp lực. Suy cho cùng nghề nào cũng cao quý, cũng cần được tôn vinh. Đó chỉ là thay lời cảm ơn các cô đã chăm sóc, dạy dỗ con vào giờ tôi phải đến công sở để làm việc.

Cuối cùng, tôi không quên tặng một chiếc phong bì, hay hộp bánh cho bác bảo vệ già ngày ngày đánh trống và mở ra đóng vào cánh cổng sắt nặng nề. Con tôi lại hỏi: “Bác Long có phải cô giáo đâu mà mẹ lại tặng quà?”. Tôi cười bảo con: “Bác cũng là giáo viên con ạ. Hàng ngày bác dạy con phải đi học đúng giờ, nếu đi muộn là bác đóng cổng và ngày đó con không được đến lớp”.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/sao-me-lai-kep-phong-bi-vao-buu-thiep-tang-co-a347242.html