Sao Mỹ tăng thuế, các nước trả đũa Mỹ đòi điều tra?

Thoạt nhìn thì có vẻ như Mỹ muốn đảm bảo luật chơi được tôn trọng, song thực chất chỉ là muốn đảm bảo vị thế người làm chủ cuộc chơi mà thôi...

Washington yêu cầu WTO điều tra các biện pháp áp thuế trả đũa Mỹ của nhiều đối tác

Reuters đưa tin, ngày 18/10, Mỹ đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan tới các biện pháp thuế quan từ các đối tác thương mại trả đũa việc Mỹ áp thuế suất mới với nhôm, thép nhập khẩu.

Washington đã đệ trình yêu cầu và hối thúc WTO điều tra các khoản thuế mà Trung Quốc, EU, Canada và Mexico áp đặt với hàng hóa Mỹ sau khi Mỹ áp mức thuế 25% với các sản phẩm thép và 10% với các mặt hàng nhôm nhập khẩu.

Trong khi đó, Na Uy thông báo nước này, EU và một số nước khác cũng đệ trình lên WTO yêu cầu giúp tháo gỡ các tranh chấp liên quan. Theo Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide, Mỹ áp thuế bổ sung là đi ngược quy định của WTO.

Trump chỉ trích WTO nhưng thực ra WTO là bảo bối của Trump

Trump chỉ trích WTO nhưng thực ra WTO là bảo bối của Trump

Do các cuộc tham vấn bước đầu với Mỹ đều không dẫn tới một giải pháp chung nên Na Uy và một số nước khác đã cùng đệ trình yêu cầu WTO thành lập cơ quan đánh giá độc lập về vấn đề này.

Trong ngày 18/10, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo đã yêu cầu WTO thành lập một nhóm chuyên gia để xác minh tính hợp pháp của các biện pháp thuế mà Washington áp dụng.

Bắc Kinh cho cho rằng việc chính phủ Mỹ quyết định điều chỉnh thuế là một hành động mang tính bảo hộ, làm tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc thương mại đa phương.

Đến nay tham vấn song phương theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO chưa thể giải tỏa những quan ngại của Bắc Kinh, vì vậy, Trung Quốc muốn WTO thành lập nhóm chuyên gia để làm việc về vấn đề này.

Xin nhắc lại, ngày 1/3/2018, Tổng thống Trump đã quyết định áp các hình thức trừng phạt lên thép và nhôm nhập khẩu, bằng áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài.

Hành động của Mỹ thực ra là biện pháp tấn công trong cuộc chiến thương mại với các đối tác bị cho là đã "cướp" mất lợi ích từ nước Mỹ, sau đó Mỹ cũng bị các đối tác trả đũa và tranh chấp thương mại đã diễn ra.

Và diễn biến mới nhất này cho thấy, căng thẳng giữa Mỹ với các đối tác tiếp tục leo thang. WTO đang chịu trách nhiệm giải quyết nhiều tranh chấp thương mại mà hầu hết là bắt nguồn từ việc Mỹ áp thuế bổ sung với nhôm, thép nhập khẩu.

Theo dư luận, việc các đối tác khiếu kiện Mỹ là bình thường vì hành động của Mỹ bị cho là trái với các quy định trong cơ chế đa phương của WTO, nhưng Washington yêu cầu điều tra việc trả đũa của các đối tác thì rất bất bình thường.

Ông Trump sử dụng thuế quan và chính sách thương mại áp đặt

Chẳng lẽ trong cơ chế đa phương mà Mỹ vẫn có thể áp dụng các quy định trong cơ chế song phương để thể hiện mệnh đề "chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh", còn các đối tác không được quyền trả đũa Mỹ?

Cái lý của Mỹ và việc Washington không muốn mất vị thế của người làm chủ cuộc chơi

Theo giới phân tích, người Mỹ có lý của họ khi yêu cầu điều tra việc trả đũa của các đối tác, thậm chí Washington còn khởi kiện đối thủ tại WTO - như với Nga - vì cho rằng việc trả đũa Mỹ thực ra là các "biện pháp bảo hộ đặc biệt".

Xin lấy ví dụ là vụ Mỹ kiện Nga trả đũa để xem cái lý của người Mỹ trước việc "mình làm thì được nhưng người làm thì không được", từ đó cho thấy tại sao một mình Mỹ có thể "tả xung hữu đột" trong mọi vòng vây.

Sau khi Mỹ tăng thuế, ngày 5/8/2018, Nga đã tăng thuế từ 25% lên 40% với nhiều chủng loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, gồm phương tiện vận tải, máy xây dựng, thiết bị dầu khí, công cụ chế biến thép, khoan đá và sợi quang.

Với mức thuế mới, trong năm 2018 Nga bù lại được 87,6 triệu USD bị thiệt hại vì Mỹ. 450 triệu USD còn lại sẽ được bù lại trong 3 năm tiếp theo, đồng nghĩa tổng giá trị bị thiệt hại 537,6 triệu USD vì Mỹ tăng thuế sẽ được bù đắp đủ.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết hành động của Nga phù hợp với quy định của WTO. Song Washington cho rằng Moscow vi phạm quy định của WTO và khởi kiện.

Nga dựa vào quy định của WTO để đáp trả Mỹ, tại sao Mỹ lại kiện Nga vì vi phạm quy định của WTO? Nga vi phạm luật chơi trong WTO hay Mỹ cố tạo ra bất bình đẳng trong cơ chế thương mại đa phương? Xin đi vào phân tích vụ kiện.

Thứ nhất, Mỹ cho rằng các mức thuế bổ sung của Nga chỉ được áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, không phải với hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ thành viên WTO nào. Điều này vi phạm nguyên tắc Không phân biệt đối xử của WTO.

Mỹ nhập siêu nên Trump tăng thuế nhập khẩu khiến đối tác thiệt hại nhiều hơn

Nguyên tắc Không phân biệt đối xử (non-discrimination) được hiểu theo tinh thần là không có sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa của các nước khác nhau. Nguyên tắc này được quy định cụ thể qua "quy tắc tối huệ quốc" và " quy tắc đối xử quốc gia".

Quy tắc tối huệ quốc (MFN) quy định mỗi thành viên phải áp dụng các quy tắc thuế quan một cách công bằng cho tất cả các thành viên trong WTO. Nga chỉ áp thuế với hàng nhập khẩu Mỹ nên vi phạm quy tắc này.

Thứ hai, Mỹ cho rằng mức thuế mới mà Nga áp dụng với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vì phạm quy định về mức giới hạn tối đa theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ mà Nga áp tăng thuế là mặt hàng công nghiệp và kinh tế Mỹ là nền kinh tế phát triển, nên theo quy định của WTO thì mức tối đa chỉ là 37%, trong khi mức thuế tối đa mới của Nga là 40%.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/sao-my-tang-thue-cac-nuoc-tra-dua-my-doi-dieu-tra-3367650/