Sao Mỹ xóa trừng phạt doanh nghiệp Nga không nêu lý do?

Nêu lý do sẽ là thất bại kép của Washington, vì sẽ kích thích mạnh mẽ 'hội chứng ngưỡng mộ Putin', làm tăng ảnh hưởng của 'hiệu ứng sợ Putin'...

Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với 3 công ty Nga mà không giải thích lý do

TASS dẫn thông báo từ Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cho hay, cơ quan này đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt với 3 công ty của Nga là TSAO, Vertikal và Yunikom.

Theo liên bộ Tài chính-Tư pháp Mỹ thì TSAO, Vertikal và Yunikom có liên quan đến một nhóm hacker người Nga có tên là Evil Corp, mà bị cáo buộc đã đánh cắp ít nhất 100 triệu USD từ các ngân hàng bằng cách sử dụng phần mềm độc hại.

Nhóm tội phạm này, theo thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ, được điều hành bởi một nhóm các cá nhân làm việc tại thủ đô Moscow của Nga. Những cá nhân này có nhiều kinh nghiệm trộm cắp thông tin trên không gian mạng.

Nhóm tội phạm được cho là đã sử dụng một loại phần mềm độc hại có tên gọi là Dr Dridex, trực tiếp hoạt động để vượt qua phần mềm chống vi-rút thông thường và lây lan qua các chiến dịch lừa đảo qua email.

Washington luôn phải bịt mắt đánh trống trước Putin

Sau khi bị nhiễm, phần mềm độc hại có thể đánh cắp thông tin đăng nhập, từ đó sẽ làm trống tài khoản của ngân hàng và khách hàng. Tiếp theo là ăn cắp tiền và chuyển tiền ăn cắp đến các tài khoản nước ngoài do Evil Corp nắm giữ.

Liên bộ Tài chính-Tư pháp Mỹ nhận định số tiền mà Evil Corp ăn cắp có khả năng lớn hơn rất nhiều so với 100 triệu USD đã xác định được, biến Evil Corp thành một trong những nhóm hacker lớn nhất từ trước đến nay.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Mỹ trừng phạt Evil Corp là nhằm phá vỡ các chiến dịch lừa đảo khổng lồ được dàn dựng bởi nhóm tin tặc có trụ sở tại Nga này, CNBC tường thuật.

Có 17 cá nhân liên được xác định liên quan đến tổ chức tội phạm này, trong đó bao gồm nhà lãnh đạo Evil Corp, Maksim Yakubets. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo phần thưởng trị giá 5 triệu USD cho thông tin về Yakubets.

Đáng nói là ngoài các hoạt động tội phạm trên mạng, Yakubets còn bị cho là đã hỗ trợ trực tiếp cho các nỗ lực của chính phủ Nga, giúp chính phủ Nga thực hiện các tội phạm trên không gian mạng phục vụ cho các mục đích phá hoại của mình.

Vì vậy, Bộ Tài chính Mỹ cùng Bộ Tư pháp Mỹ tập trung làm sáng tỏ việc chính phủ Nga tài trợ cho hoạt động tội phạm trên không gian mạng, chứng minh Tổng thống Putin đã cho che giấu tội phạm nhà nước dưới danh nghĩa hoạt động doanh nghiệp.

Trong số các thành viên Evil Corp bị Mỹ trừng phạt, ngoài Yakubets, còn có Denis Gusev, một lãnh đạo cao cấp của tổ chức này. Denis Gusev còn là giám đốc một số doanh nghiệp khác có trụ sở tại Nga.

Những doanh nghiệp mà Denis Gusev quản lý và điều hành có Biznes-STOLITSA, Optima, Treid-Invest, TSAO, Vertikal và Yunikom, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, như kinh doanh, thương mại và lâm nghiệp.

Đây là lý do mà TSAO, Vertikal và Yunikom đã bị Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt, theo một kết luận được đưa ra ngày 5/12. Vậy nhưng chỉ hơn 1 tuần sau thì lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ.

Ngạc nhiên là cơ quan tài chính Mỹ không giải thích lý do loại bỏ các công ty Nga trên khỏi danh sách các thực thể bị trừng phạt trong vụ Evil Corp. Điều này khiến dư luận hoài nghi hành động của Washington trong vụ "tội phạm hóa chính trị" này.

Nga đang chiếm ưu thế trước Mỹ-phương Tây trong cuộc chiến trên không gian mạng

Nỗi khổ của Washington khi rơi vào cảnh 'bịt mắt đánh trống' trước Putin

Giới phân tích cho rằng, sẽ không có lý do nào được đưa ra trong vụ 3 công ty Nga là TSAO, Vertikal và Yunikom được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, Bộ Tài chính Mỹ dỡ bỏ trừng phạt. Mà nếu Washington đưa ra cũng không thuyết phục.

Nguyên nhân của vấn đề chính là do "hiệu ứng sợ Putin" vẫn chưa nhạt phai trong đời sống chính trị Mỹ, "hội chúng ngưỡng mộ Putin" vẫn chưa nhạt nhòa trong đời sống xã hội Mỹ. Và yêu cầu đặt ra là phải làm sao hóa giải "hiệu ứng Putin"?

Trước sự nguy hại của "hiệu ứng Putin", giới chính trị Mỹ đã lựa chọn giải pháp "tội phạm hóa chính trị", biến nhà lãnh đạo Nga thành tội phạm hay chứng minh cựu điệp viên KGB này đứng sau tội phạm, từ đó vô hiệu hóa "hiệu ứng Putin".

Vụ trừng phạt Evil Corp có thể được xem là một vụ "tội phạm hóa chính trị" rất điển hình của Washington nhằm tẩy sạch ảnh hưởng của "hiệu ứng Putin" trong cả đời sống chính trị Mỹ lẫn đời sống xã hội Mỹ.

Vì khi đã bị chứng minh là tội phạm hay sử dụng quyền lực nhà nước bảo trợ cho tội phạm thì hình ảnh của Tổng thống Putin sẽ ngay lập tức nhạt nhòa tại xứ cờ hoa và "yếu tố Nga" sẽ nhanh chóng bị tẩy sạch khỏi lịch sử chính trị Mỹ.

Mà các bước trong quy trình nhằm chứng minh tội phạm dễ dàng hơn rất nhiều các bước trong quy trình phân tích tầm ảnh hưởng của hiệu ứng phát xuất từ một cá thể hay hội chứng lan tỏa từ một thực thể. Đây là một thực tế không cần bàn cãi.

Chỉ có điều, Washington chọn giải pháp này trong việc hóa giải, rồi tiến tới vô hiệu hóa "hiệu ứng sợ Putin" và "hội chứng ngưỡng mộ Putin" là không chuẩn xác, và hoàn toàn có thể gây phản ứng ngược.

Bởi hiệu ứng Putin có thể thẩm thấu tại xứ cờ hoa là do có độ lệch pha giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội Mỹ, mà đã thể hiện rõ nhất qua chiến thắng vang dội của tỷ phú bất động sản Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57.

Chiến thắng của ông Trump không chỉ làm đảo lộn dự báo của truyền thông phương Tây, mà việc vị tỷ phú bất động sản đường hoàng bước vào Tòa Bạch Ốc còn làm đảo lộn cả giá trị truyền thống Mỹ - biểu hiện cao nhất là nguyên tắc tự do-dân chủ.

Nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice từng khẳng định: “Trump không thể là tổng thống. Ông nên rút lui. Là đảng viên đảng Cộng hòa, tôi ủng hộ người có phẩm giá và tầm vóc để đưa nguyên tắc dân chủ ra toàn thế giới”, theo The Guardian.

Hiệu ứng Putin gây ảnh hưởng mạnh mẽ tại xứ cờ hoa

Vậy nhưng ông Trump đã chiến thắng, qua đó chứng minh đời sống chính trị Mỹ đã có sự lệch pha với đời sống xã hội Mỹ. Với những gì diễn ra qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cho thấy nguyên tắc dân chủ đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết.

Hiện tượng một mình tỷ phú Donald Trump có thể chống lại cả hệ thống chính trị Mỹ và giành chiến thắng là sự báo động cho nguyên tắc tự do - dân chủ phương Tây, cốt lõi của giá trị Mỹ.

Có thể nhận diện thất bại của bà Hillary Clinton trước ông Donald Trump là sự thẩm định chuẩn xác giá trị dân chủ truyền thống phương Tây. Tuy nhiên, giới tinh hoa của nước Mỹ lại không nhìn nhận như vậy, mà họ đổ lỗi cho...Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Chúng tôi biết người Nga hack hệ thống dữ liệu của chúng ta, không chỉ của chính phủ mà cả của tư nhân. Động cơ việc làm đó là gì tôi không thể nói trực tiếp, nhưng tôi biết là Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Vladimir Putin.

Tôi nghĩ rằng Donald Trump đã nhận được bảo đảm khá thuận lợi từ Nga. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”, Reuters tường thuật lời cựu Tổng thống Barak Obama nhận định "yếu tố Nga" có trong chiến thắng của ông Trump như vậy.

Thế là sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 57 có kết quả, một cuộc điều tra đặc biệt về việc Tổng thống Putin giúp ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump chiến thắng, đã được Washington tiến hành trên diện rộng.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Obama trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đóng cửa các cơ sở ngoại giao Nga hay khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật trừng phạt Nga thì an ninh và tình báo Mỹ vẫn chưa tìm ra "dấu vết" Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Thậm chí cho đến nay Washington cũng vẫn chưa thể tìm ra cơ chế Tổng thống Putin can thiệp vào tình chính trị và tình hình nội trị của nước Mỹ. Nghĩa là Washington vẫn phải "bịt mắt đánh trống".

Trong bối cảnh ấy, Hạ nghị sĩ Mỹ Thomas Massie từng kêu gọi giới chính trị Mỹ hãy đối thoại với người Nga để sớm chấm dứt "hội chứng sợ Putin", bởi lẽ người dân Mỹ không bận tâm về các cáo buộc âm mưu của Nga, theo The New York Times.

Song nếu chuyển từ đối đầu - trừng phạt sang đối thoại - hòa giải với Moscow thì chẳng khác nào một thất bại cay đắng. Đây là điều mà Washington không dễ dàng chấp nhận. Và tội phạm hóa chính trị được lựa chọn như một cứu cánh.

Washington quá mệt mỏi với hiệu ứng Putin

Nhưng nếu là tội phạm thì phải chứng minh được và phải công khai, còn nếu không chứng minh được thì phải kết thúc chiêu trò. Việc OFAC dỡ bỏ lệnh trừng phạt với 3 công ty TSAO, Vertikal và Yunikom nằm ở trường hợp này.

Chỉ có điều Washington không thể giải thích lý do, vì như vậy sẽ là thất bại kép và nó sẽ gây tác dụng ngược là kích thích mạnh mẽ "hội chứng ngưỡng mộ Putin", làm tăng ảnh hưởng của "hiệu ứng sợ Putin". Rõ ràng, Washington quá mệt với hiệu ứng Putin.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sao-my-xoa-trung-phat-doanh-nghiep-nga-khong-neu-ly-do-3393317/