Sao nghịch lý thế?

Các loại thuế còn lâu mới mang về cho ngân sách Nhà nước tiền triệu tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ vài dự án của DNNN thua lỗ, số tiền 1,6 triệu tỷ đồng phải trả nợ và 7 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài chưa biết đến bao giờ thu lại được.

Báo cáo giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2016 cho hay, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mặc dù có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, song vẫn còn những mặt tồn tại, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn những DN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận. Đây là điều không thể phủ nhận!

Tại thị trường nội địa, tổng số nợ phải trả của DNNN lên đến hơn 1,6 triệu tỷ đồng; hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN chỉ đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).

Còn lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài và dự án đầu tư khác, lũy kế tính đến 31/12/2016, DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án...

Tập đoàn Dầu khí có tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,67 tỷ USD, đứng số 1 về giá trị đầu tư và cũng chiếm luôn vị trí quán quân thua lỗ số lũy kế 3,74 tỷ USD. Tập đoàn TKV: 111 tỷ đồng đầu tư vào Stung Treng ở Campuchia - nguy cơ mất toàn bộ vốn; 184 tỷ đồng thăm dò mỏ bauxite ở Campuchia; 77,6 tỷ đồng khi hợp tác vào Cty Southern Mining Co.Ltd cũng gần như mất toàn bộ vốn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ một mỏ muối kali 500 triệu USD sau khi khởi công năm 2015 đã dừng và hiện lọt trong danh sách những đại dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo dài.

Một cái giá quá đắt cho việc “đem chuông đi đánh xứ người”! Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tùy loại. Tổng số thu mà Bộ Tài chính ước tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.

Gần đây nhất, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với thuế nhà ở, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Cùng với việc đánh thuế nhà, dự thảo Luật Thuế tài sản đề xuất tiếp tục đánh thuế tài sản với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp... với mức cao hơn từ 2 - 10 lần so với hiện hành.

Tổng cộng, các loại thuế còn lâu mới mang về cho ngân sách Nhà nước tiền triệu tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ vài dự án của DNNN thua lỗ, số tiền 1,6 triệu tỷ đồng phải trả nợ và 7 tỷ USD (tương đương khoảng 140 nghìn tỷ đồng) đầu tư ra nước ngoài chưa biết đến bao giờ thu lại được.

Nghịch lý thay!

VĂN NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/sao-nghich-ly-the-post219394.html