Sao Thổ dám lơ trừng phạt Mỹ, chơi thân với Venezuela?

Việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trộ nhân đạo, rồi làm cầu nối để phát triển quan hệ kinh tế với Venezuela là 'nhất cử lưỡng tiện' cho tính toán của Mỹ...

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với Venezuela

Reuters đưa tin, ngày 18/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đến thủ đô Caracas trong chuyến thăm Venezuela, chuyển giao thiết bị y tế để giúp quốc gia Nam Mỹ này đối phó với đại dịch coronavirus đang bùng phát trở lại.

Trong những thiết bị y tế mà ông Cavusoglu mang đến Venezuela cả các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh để phát hiện Covid-19. Hiện Venezuela có gần 36.000 ca nhiễm coronavirus và tăng nhanh trong những tuần gần đây, nên sự hỗ trợ này rất ý nghĩa.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước ủng hộ quan trọng nhất với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh Venezuela phải chống chọi với trừng phạt của Mỹ, khiến cho đất nước này càng gặp khó khăn hơn trong đối phó đại dịch thế kỷ.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, và đến nay không có đồng minh nào của Mỹ trong NATO hỗ trợ nhân đạo trực tiếp cho Caracas, mà hầu hết thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Thỏa thuận hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Venezuela được ký kết

Thỏa thuận hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Venezuela được ký kết

Trong bối cảnh ấy, việc Ankara ủng hộ Caracas càng có ý nghĩa hơn. Không những vậy, trong chuyến viếng thăm Caracas, Ngoại trưởng Cavusoglu và người đồng cấp Venezuela Jorge Arreaza còn đại diện hai chính phủ ký hai thỏa thuận hợp tác.

“Không có lệnh trừng phạt, hay phong tỏa hay bất kỳ kiểu phá hoại nào có thể ngăn cản chúng ta làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela”, Ngoại trưởng Jorge Arreaza nhấn mạnh.

Trong chuyến công du đến xứ sở của những hoa hậu thế giới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc gặp với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Phó Tổng thống Delcy Rodriguez để chuyển thông điệp của Ankara tới Caracas.

Venezuela hiện cực kỳ khó khăn trong đối phó với đại dịch COVID-19, khi nguồn lực cạn kiệt, sự hỗ trợ của quốc tế thì có hạn, còn tài trợ của quốc thế thì đã bị rào cản lệnh trừng phạt của Mỹ chặn lại.

Ngày 17/3 vừa qua, chính phủ Venezuela đã gửi thư đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 5 tỷ USD để tăng cường hệ thống y tế của nước này nhằm đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong bức thư gửi tới Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Tổng thống Nicolas Maduro cho hay khoản vay 5 tỷ USD từ Công cụ Tài chính phản ứng nhanh (RFI) của IMF "giúp tăng cường hệ thống phát hiện và ứng phó" Covid-19 của Caracas.

Tuy nhiên, đề nghị của Venezuela đã ngay lập tức bị từ chối, mà lý do - theo người phát ngôn của IMF - là chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro không có địa vị pháp lý quốc tế rõ ràng.

"Yêu cầu này không thể được xem xét, bởi trong số 189 quốc gia thành viên IMF, không biết nước nào công nhận Tổng thống Nicolás Maduro, nước nào công nhận Juan Guaidó, người đứng đầu quốc hội do Mỹ hậu thuẫn...

Hiện Venezuela không có sự rõ ràng về địa vị pháp lý được cộng đồng quốc tế công nhận nên không đủ điều kiện đề IMF xem xét", người phát ngôn của Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva trả lời và lý giải, theo The New York Times.

Trong khi đó, việc lấy lượng vàng trị giá khoảng 1 tỷ USD tại Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), lại bị ngăn cản cũng với lý do tương tự vì Anh công nhận nhà lãnh đạo tự xưng Juan Guaido chứ không phải ông Nicolas Maduro, là tổng thống Venezuela.

Vàng của Venezuela bị đánh cắp bởi những kẻ đeo mặt nạ, khiến nước này thêm khó khăn trong việc chống đại dịch thế kỷ

Phía sau việc Ankara phớt lờ lệnh trừng phạt của Washington

Theo Reuters, ngay khi căng thẳng giữa Caracas và Washington gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tăng cường quan hệ kinh tế với Venezuela, xuất khẩu các sản phẩm phục vụ chương trình phân phối thực phẩm của Venezuela và mua vàng của quốc gia này.

Như vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đến Venezuela lần này hoàn toàn không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa nhân đạo, mà nó là thể hiện sự tăng cường cho mối quan hệ giữa Ankara với Caracas.

Rõ ràng, với hành động mới nhất này cho thấy Ankara đã phớt lờ lệnh trừng phạt của Washington áp đặt đối với những thực thể được xác định là có động thái giúp chính quyền Caracas và cá nhân Tổng thống Maduro vượt khó.

Điều gì khiến Ankara lại mạo hiểm như vậy? Bởi lẽ, với hành động của mình, chẳng khác nào Ankara đã kết hợp với Moscow và Bắc Kinh phá hoại nước cờ, đánh sập thế cờ của Washington trong ván cờ Venezuela.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, không phải Ankara mạo hiểm mà thực chất người "đồng minh khó bảo" này đang giúp cho Washington sửa sai trong ván cờ Venezuela ở những khía cạnh mà người Mỹ không thể ra mặt ngay lúc này được.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 23/4, bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga từng cho biết thực tế Washington không còn nhiều niềm tin vào thủ lĩnh đối lập Juan Guaido như một nhân vật chủ chốt trong tiến trình chính trị cho Venezuela.

Thậm chí, Washington có thể sẽ không sử dụng Juan Guaido trong những bước đi quan trọng và sẽ sớm loại bỏ nhà chính trị trẻ tuồi này. Theo Bộ Ngoại giao Nga, thì điều đã được chứng minh bằng Kế hoạch chuyển đổi dân chủ cho Venezuela.

Đó là bản Kế hoạch chuyển đổi dân chủ cho Venezuela lại được chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố, chứ không phải do vị "tổng thống lâm thời" Venezuela Juan Guaido công bố.

Tổng thống Trump đã mệt mỏi với Juan Guaido

"Thực tế là Kế hoạch chuyển đổi dân chủ đã được Ngoại trưởng Mỹ công bố, chứ không phải "tổng thống lâm thời' Venezuela. Điều này chứng tỏ Mỹ không còn tin tưởng vào người được họ bảo trợ", bà Zakharova lập luận.

Trong Kế hoạch chuyển đổi dân chủ cho Venezuela được Ngoại trưởng Mỹ công bồ ngày 31/3, có việc thành lập Chính phủ lâm thời Venezuela gồm đại diện từ cả phe đối lập và chính phủ hiện tại.

"Mỹ đề nghị thành lập Hội đồng Nhà nước Venezuela sẽ phục vụ như một chính phủ lâm thời cho đến khi bầu cử Tổng thống và Quốc hội, mà dự kiến sẽ diễn ra trong 6 đến 12 tháng", ông Pompeo tuyên bố.

Cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo cho hay cả Tổng thống dân cử Nicolas Maduro cũng như lãnh phe đối lập Juan Guaido đều phải thừa nhận Chính phủ lâm thời là cơ quan quyền lực hành pháp duy nhất trong thời kỳ quá độ.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định, nếu tất cả các điều kiện của Kế hoạch chuyển đổi dân chủ cho Venezuela được các phe phái ở Venezuela tuân thủ, Washington sẽ rút tất cả các lệnh trừng phạt đối với Caracas.

Hai tháng sau, Washington tiến thêm bước nữa, khi ngày 19/6, trong trả lời với trang tin Axios, Tổng thống Trump đã nói về Tổng thống Nicolas Maduro với thái độ khá cởi mở, thậm chí còn nói về khả năng gặp gỡ nhà lãnh đạo mà ông muốn loại bỏ.

“Có thể tôi sẽ nghĩ về việc này…Maduro cũng sẽ muốn gặp. Tôi chưa bao giờ phản đối các cuộc đối thoại, bạn biết đấy, rất ít khi tôi phản đối các cuộc gặp gỡ. Tôi luôn nói, nếu đối thoại thì sẽ ít thiệt hại. Nhưng thời điểm này, tôi chưa cân nhắc điều đó”.

Cũng tại cuộc phỏng vấn, ông Trump cho biết không còn đặt nhiều niềm tin vào Juan Guaido vì nhà chính trị trẻ tuổi đã không thành công trong việc giành quyền kiểm soát đất nước Venezuela, dù có được sự ủng hộ của Mỹ và hàng chục quốc gia khác.

Song từ đó đến nay, không thấy dấu hiệu thay đổi từ Venezuela, thậm chí Caracas còn có những động thái thể hiện xem nhẹ "thiện chí" từ Washington, mà gần đây nhất là việc đề nghị mua các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa của Iran.

Nhưng đánh tiếng mà Nicolas Maduro lại chưa bắt vè

Điều đó khiến cho kế hoạch sửa sai của Washington có nguy cơ bất thành. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với người Mỹ là phải làm sao tiếp cận và bằng cách nào đó tác động để khiến Caracas phải lưu tâm đến những thiện chí của Washington.

Với vị thế của mình, để đạt được yêu cầu, Washingon phải có sự giúp sức của các "sứ giả", nhưng việc lựa chọn "sứ giả" phải làm sao đảm bảo được hai điều cốt yếu là : Chuyển thông điệp chính xác và đảm bảo giữ thể diện cho Washington.

Rõ ràng, trong trường hợp này, việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nhân đạo, rồi làm cầu nối để phát triển quan hệ kinh tế với Venezuela là "nhất cử lưỡng tiện" cho tính toán của Mỹ và đương nhiên Washington sẽ có lại quả cho đồng minh.

Xâu chuỗi các sự kiện lại, có thể nhận diện việc Ankara phớt lờ lệnh trừng phạt của Washington không phải là hành động mạo hiểm. Chưa biết diễn tiến vấn đề sẽ như thế nào, chúng ta cùng chờ xem!

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sao-tho-dam-lo-trung-phat-my-choi-than-voi-venezuela-3417753/