Sáo trúc Giàng Seo Quáng - để hồn dân tộc mãi ngân vang

Với Giàng Seo Quáng, giữ hồn dân tộc qua cây sáo trúc không chỉ là vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng mình, với xã hội và những thế hệ đi sau.

Giàng Seo Quáng, sinh năm 1996, ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ nhỏ đã đam mê tiếng sáo trúc. Chàng trai người Mông này luôn mang trong mình khát khao được biểu diễn, "truyền lửa" yêu thích nhạc cụ dân tộc đến công chúng.

Giàng Seo Quáng biểu diễn sáo trúc tại Chương trình Hội ngộ sáo trúc. Ảnh: NVCC

Sáo trúc - thanh âm hồn vía của dân tộc Mông

Tự hào về kho tàng tập quán phong tục đẹp nơi mình sinh ra và lớn lên – vùng "cao nguyên trắng" Bắc Hà, Giàng Seo Quáng hồ hởi kể: "Dân tộc Mông có nhiều nhạc cụ khác nhau như: Sáo, khèn, đàn môi, gậy sênh tiền…

Nhưng sáo trúc là nhạc cụ gắn bó với đời sống tinh thần của người Mông nhiều nhất. Phiên chợ tình nào cũng không thể vắng tiếng sáo trúc - nét văn hóa mang đậm tinh hoa cổ truyền của vùng núi Tây Bắc".

Giàng Seo Quáng nói theo tục xưa "con trai Mông không biết thổi sáo, khó lấy vợ". Do đó từ thời "ông bà anh", cùng với tiếng đàn môi, sáo Mông đã trở thành công cụ giao duyên hữu hiệu để bày tỏ tình cảm của đôi lứa.

Các chàng trai Mông xưa kia coi sáo trúc là "vật bất ly thân". Đi đâu họ cũng dắt ống sáo bên người. Tiếng sáo để giải khuây và cũng để chinh phục trái tim của cô gái trong bản làng mà mình yêu thương. Với những chàng trai Mông trưởng thành mà không biết thổi sáo thì thiếu tự tin lắm, chuyện hẹn thề, chuyện trăm năm cũng vì thế mà trở nên khó khăn.

Nói về "cơ duyên" đến với sáo trúc, Giàng Seo Quáng tâm sự: "Từ thuở nhỏ, trong lúc đi chăn trâu, tôi đã vô tình nghe được thanh âm của tiếng sáo vang vọng từ trên ngọn đồi phía xa. Âm thanh trầm bổng dường như rất quen thuộc đó đã dẫn tôi tới một ngôi nhà của một cặp vợ chồng ông bà lão. Lúc được chứng kiến người ông đang thổi sáo say sưa, tôi đã chăm chú lắng nghe và xin ông chỉ dạy cách chế tạo cây sáo. Từ đó, tiếng sáo quê hương đã thấm nhuần vào máu rồi".

Thấy rằng "cái duyên" đến với cây sáo không hẳn là tình cờ trong một chiều đi chăn trâu cắt cỏ. Bởi những điệu khúc của tiếng sáo đã tồn tại từ bao đời, gắn liền với cuộc sống của những chàng trai dân tộc thiểu số từ lúc chưa lọt lòng, rồi họ lại được sinh ra và lớn lên trong âm thanh quen thuộc của những người đi trước. Nên tiếng sáo đã in sâu vào trong tiềm thức tự bao giờ.

Kì công cây sáo trúc của người Mông

Thoạt nhìn cây sáo trông có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, Giàng Seo Quáng nói để tìm nguyên liệu và tạo được cây sáo Mông có âm thanh hay cũng phức tạp và kỳ công lắm.

Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu để có ống sáo như ý, các chàng trai phải lên núi cao, đi vào tận trong rừng sâu để tìm những thân trúc sống ở độ cao từ 1.700 đến gần 3.000 m. Ống trúc không được già quá cũng không được non quá, có đường kính vừa phải. Điều quan trọng trúc được chọn phải là một cây nguyên vẹn từ gốc cho đến ngọn, có thân thẳng, thịt dày, mềm dẻo để tạo sự đàn hồi khi sáo khô, như thế âm của sáo mới không bị bí, xì, nhiều tạp âm.

Sau khi chọn được nguyên liệu như ý là sự gia công đầy sáng tạo của bàn tay "nghệ nhân" cùng với sự cảm âm của đôi tai để ra được thành phẩm – những cây sáo đa âm sắc.

Trúc lấy từ trên rừng cao về được phơi sương và hong trong nắng, trong bóng râm, từ ba đến bốn tháng, thậm chí là năm đến sáu tháng, càng khô thì càng tốt. Khi trúc đã đạt được độ khô lý tưởng, trải qua rất nhiều giai đoạn như: cắt gọt, uốn, đục khoét... cây sáo với thiết kế đẹp mắt và đảm bảo chất lượng mới "ra đời".

Sáo dân tộc Mông có khá nhiều loại, phổ biến nhất là loại sáo có lưỡi. Ảnh: NVCC

Giàng Seo Quáng vui vẻ chia sẻ thêm, sáo dân tộc Mông có khá nhiều loại. Điển hình bây giờ nhất là loại sáo Mông có lưỡi và sáo dọc thì không cần lưỡi. Điểm khác biệt của sáo Mông ở Lào Cai so với sáo trúc thông thường ở miền xuôi là trong cây sáo của người Mông có một bộ phận gọi là lam hay "lưỡi gà". Lam là một lá đồng mỏng được uốn thành hình "lưỡi gà", tạo nên sự nhạy cảm của âm vực khi ngân lên, tạo ra những âm thanh uyển chuyển theo từng ngón tay miết trên các lỗ sáo.

Mỗi một cây sáo là mỗi câu chuyện của tộc người, vùng đất, thể hiện tư duy sáng tạo và sự khéo léo, tinh tế trong việc tạo ra nhạc cụ. Qua đó, cũng hiện lên tinh thần lao động siêng năng, cần cù của thanh niên dân tộc thiểu số.

Giàng Seo Quáng cùng các bạn trẻ người người Mông biểu diễn sáo trúc trong một Chương trình Giao lưu văn nghệ do Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức. Ảnh: NVCC

Với niềm tự tôn là người con của vùng cao nguyên Bắc Hà, Seo Quáng luôn "hừng hực" trong tư thế "cầm sáo lên và đi khắp các bản làng đến phố thị". Những ngày hội truyền thống của vùng quê diễn ra, anh lại tạo ra những bản hòa tấu tuyệt phẩm của khúc: Gặp nhau giữa rừng mơ, Xuân về trên bản,... để đồng hành và ngợi ca, giao lưu và lan tỏa tiếng sáo của quê hương. Anh cũng tích cực mang tiếng sáo từ bản làng đi khắp nơi để phục vụ công chúng tại các sự kiện văn hóa - văn nghệ, tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng dân tộc.

Người truyền lửa đam mê sáo trúc Giàng Seo Quáng

Ấp ủ kế hoạch gắn kết những người cùng đam mê sáo trúc từ lâu, năm 2017 Giàng Seo Quáng đã thành lập nhóm cộng đồng "Sáo trúc người Mông". Sân chơi trở thành lớp học sáo trúc dành cho những người yêu thích nhạc cụ này ở quanh vùng.

Đồng thời, bắt kịp xu thế của thời đại công nghệ, Giàng Seo Quáng cũng tạo cho mình một kênh truyền thông riêng lan tỏa sáo trúc của người Mông. Kênh còn là nơi chia sẻ các bài biểu diễn, giải đáp thắc mắc về sáo để người nào muốn tìm hiểu có thể nghiên cứu. Hiện kênh mạng xã hội có 53 nghìn lượt theo dõi và có những video đăng tải thu hút hơn 1 triệu lượt xem.

Nhóm "sáo trúc người Mông" sinh hoạt văn hóa và giữ gìn và lan tỏa nhạc cụ truyền thống trong cộng đồng. Ảnh: NVCC

Giàng Seo Quáng đã cùng cây sáo kết nối được nhiều thế hệ người Mông ở trên cao nguyên trắng, gây ảnh hưởng tích cực, truyền cảm hứng đến các bạn trẻ cùng chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Những buổi tập luyện của nhóm cộng đồng được tổ chức thường xuyên. Các thành viên trong nhóm đều được anh hướng dẫn tận tình từ cách cầm sáo, chức năng của từng lỗ trên sáo đến những kỹ thuật cơ bản như: kỹ thuật truyền hơi, đánh lưỡi đơn, chạy ngón nhanh...

Từ niềm đam mê cùng với sự khéo léo, Giàng Seo Quáng còn tự tay chế tác ra những cây sáo đẹp mắt, chất lượng và kinh doanh nhạc cụ truyền thống mang tên "Sáo trúc người Mông" tại Hà Nội.

Mô hình này đã được xây dựng và duy trì 5 năm, là địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để phục vụ nhu cầu của những người có chung niềm đam mê đối với cây sáo trúc.

Giàng Seo Quáng với tính cách phóng khoáng, hồn nhiên cho biết anh sẵn sàng nhận các bạn trẻ có niềm đam mê sáo trúc về để truyền dạy kỹ thuật chế tác cây sáo. Anh có thể giúp bất cứ ai biết thổi sáo trúc, kinh doanh sáo trúc và tạo lập nhiều cộng đồng sáo trúc hơn nữa.

Nhắc về dự định trong tương lai, Giàng Seo Quáng mong muốn tiếp tục được quảng bá hình ảnh và âm thanh độc đáo của cây sáo Mông đi xa hơn. Từ đó nhằm phát huy và gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc nguyên sơ của vùng cao nguyên trắng Bắc Hà.

Theo dòng chảy thời gian của cuộc sống, những nhạc cụ dân tộc như sáo trúc đã và đang có nguy cơ bị mai một và dần "lép vế" trước dòng nhạc hiện đại. Chàng thanh niên trẻ này lại đi ngược về cội nguồn, đắm say với những bản hòa tấu sâu lắng được tạo nên từ chất liệu thô sơ của núi rừng quê hương. Anh chính là người lan tỏa, truyền lửa với những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của âm nhạc dân tộc.

Với Giàng Seo Quáng, giữ hồn dân tộc không chỉ là vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng mình, với xã hội và những thế hệ đi sau.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/sao-truc-giang-seo-quang-de-hon-dan-toc-mai-ngan-vang-179230421142741367.htm