Sao vẫn chưa dời được 2 chợ hoa sỉ?

UBND TPHCM đã chỉ đạo chuyển tất cả các chợ sỉ trong nội thành về hoạt động tại các chợ đầu mối. Trong đó 2 chợ hoa Hồ Thị Kỷ và Đầm Sen sẽ được dời về chợ đầu mối Bình Điền. Thế nhưng, đến nay 2 chợ hoa này vẫn chưa dời được.

Không còn phù hợp

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ được hình thành từ năm 1987, ban đầu chỉ là một vài cửa hàng hoa lẻ tẻ bán ở đầu đường Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10), sau có thêm nhiều điểm bán, lan vào những con hẻm phía trong. Chính vì hình thành tự phát nên tiện chỗ nào thì buôn bán chỗ đó, đến nay có gần 100 điểm bán hoa lấn chiếm lòng lề đường Hồ Thị Kỷ và hàng chục con hẻm xung quanh chung cư Lê Hồng Phong.

Còn chợ hoa Đầm Sen (đường Nguyễn Văn Phú, phường 5, quận 11) mãi năm 2003 mới hình thành, nhưng cũng nhanh chóng trở thành điểm giao dịch hoa rất nhộn nhịp. Khác với chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Đầm Sen là mô hình hợp tác xã, do 55 hộ kinh doanh hùn tiền mua đất xây nhà lồng với 55 quầy sạp.

Đó là 2 chợ hoa lớn, cung cấp hoa cho nhiều cửa hàng tại TPHCM và từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của người dân, nhất là mỗi dịp lễ tết. Nhiều du khách cũng tìm đến đây tham quan. Tuy nhiên, chợ hoa bán sỉ nằm giữa khu dân cư đông đúc gây ra nhiều hệ lụy: hoạt động mua bán chủ yếu diễn ra từ 2 giờ đến 7 giờ, nhưng ngay từ tối đã có nhiều xe tải lớn ra vào, gây ồn ào và mất vệ sinh.

Sau nhiều ý kiến trái chiều, đầu năm 2017, UBND TPHCM khẳng định quan điểm chấm dứt các hoạt động chợ sỉ gây ách tắc, cản trở giao thông trong nội thành.

Các cửa hàng hoa chiếm trọn vỉa hè, tràn xuống lòng đường Hồ Thị Kỷ và các hẻm xung quanh chung cư Lê Hồng Phong

Các cửa hàng hoa chiếm trọn vỉa hè, tràn xuống lòng đường Hồ Thị Kỷ và các hẻm xung quanh chung cư Lê Hồng Phong

Sống gần chợ hoa Đầm Sen, ông Nguyễn Văn Hiệu (ngụ đường Nguyễn Văn Phú) than: “Xung quanh nhiều hoa cũng thấy hay nhưng phiền lắm, tầm 21 giờ là xe tải lớn đã ùn ùn kéo vào chợ, vừa nguy hiểm, vừa ồn ào. Thế rồi chừng 2 giờ sáng là lúc bạn hàng ở khắp nơi về mua hoa, xe ba gác có, xe máy có, khiến tiếng ồn vang vào tận nhà dân, thành ra cả ngày và đêm không lúc nào chúng tôi được yên tĩnh”.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ cũng trong tình trạng tương tự, tầm 20 giờ đã xuất hiện nhiều xe tải ra vào. Điều khiến một bộ phận người dân mong muốn di dời chợ hoa này: Ngoài hoạt động buôn bán tấp nập vào ban đêm, thì ban ngày nơi đây cũng luôn đông đúc khách mua lẻ.

Trong khi đó, các chậu hoa được đặt tràn xuống lòng đường, chợ không có bãi gửi xe nên xe cộ chen chúc đi lại, khiến việc lưu thông của người dân qua những con hẻm này vô cùng khó khăn. Những đống rác lá hoa, xác hoa cũ chất thành đống ở lối đi, rất mất vệ sinh.

Chị Phạm Ngọc Tâm (ngụ chung cư Lê Hồng Phong) cho biết: “Mùa khô còn đỡ, mùa mưa khu này vô cùng nhếch nhác và hôi hám. Trước đây dân thưa thớt thì không sao, giờ đông đúc rồi nên dời chợ ra nơi phù hợp hơn, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh cũng như để đảm bảo môi trường và an ninh trong khu vực”.

Đề xuất phương án mới

Theo UBND quận 10, việc UBND TPHCM chỉ đạo dời các chợ sỉ ra chợ đầu mối là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, khái niệm thế nào là chợ sỉ vẫn còn rất khó phân biệt.

Về nguyên tắc, chợ sỉ cũng như chợ đầu mối, được hiểu là nơi trung chuyển hàng từ các tỉnh đổ về và chuyển đi các tỉnh, nhưng chợ hoa Hồ Thị Kỷ thì chưa hẳn là chợ sỉ vì không có ban quản lý, tại đây chỉ có 4 hộ có vựa lớn, mua hoa về rồi để lại cho các điểm bán xung quanh cùng kinh doanh trong ngày.

Khách ở chợ này là một số cửa hàng hoa trong TP hoặc người dân mua hoa về chưng. 30 năm qua, nơi đây đã trở thành tuyến đường nổi tiếng về kinh doanh hoa, được nhiều người và du khách biết đến.

Từ đó, UBND quận 10 đã có đề án xây dựng tuyến đường Hồ Thị Kỷ trở thành khu vực chuyên kinh doanh hoa và ẩm thực, nhằm hướng đến phục vụ khách tham quan, mua sắm và tổ chức lễ hội. Với phương án này, chợ hoa Hồ Thị Kỷ sẽ có bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, thùng rác và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Các hộ kinh doanh phải cải tạo lại vị trí buôn bán nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, bố trí tuyến đường cho xe đậu để bốc dỡ hàng, tránh gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. UBND quận 10 cũng sẽ xây dựng nhà triển lãm trưng bày hoa, để nơi đây trở thành khu chụp hình lưu niệm, giới thiệu truyền thống của quận, cũng như lịch sử hình thành và phát triển của khu vực chợ hoa.

Được biết, UBND quận 10 đã tổ chức đối thoại với các hộ kinh doanh để thông tin chính sách của UBND TPHCM. Theo đó, với những vựa hoa lớn sẽ phải dời ra chợ Bình Điền để thuận lợi hơn cho việc vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông trong trung tâm TP.

Nếu cố tình trụ lại, UBND quận sẽ đề xuất cấm xe tải vào các tuyến đường xung quanh chợ. Đề án này được phần lớn các hộ kinh doanh ở đây ủng hộ và dự kiến trong quý 2-2018 sẽ ban hành để thực hiện.

PHƯƠNG UYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sao-van-chua-doi-duoc-2-cho-hoa-si-509513.html