Cây bon sai nghệ thuật được tạo bởi bàn tay của người bệnh máu khó đông

Chịu đựng những cơn đau, những lần chảy máu, chàng trai trẻ Trần Văn Việt (1993), người mang trong mình căn bệnh máu khó đông, đang bền bỉ tạo nên những cây bonsai nghệ thuật. Đằng sau mỗi tác phẩm, Việt muốn viết lên câu chuyện của chính mình.

Chắc có lẽ, khi lần đầu tiên nhìn thấy những cây bonsai được làm thủ công từ dây đồng, gỗ lũa, đá non bộ này sẽ chẳng ai nghĩ rằng đó là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công. Và điều đặc biệt hơn nữa, những tác phẩm này được người có hemophilia (bệnh máu khó đông) tạo ra.

Căn bệnh đi theo cả cuộc đời

Từ khi chào đời, Trần Văn Việt (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) được chẩn đoán mắc phải căn bệnh máu khó đông khi cơ thể luôn xuất hiện những vết bầm lớn. Kể từ đó, song song với quá trình lớn lên là chuỗi ngày Việt phải gắn cuộc sống của mình với những cơn đau, những tháng ngày đi viện liên miên. “Ngày xưa, tôi không hiểu rõ về tình trạng bệnh của mình. Tôi chỉ biết rằng lúc đó chưa có phương pháp điều trị cụ thể và điều kiện gia đình khó khăn, nên chỉ dùng kháng sinh và điều trị ở nhà là chủ yếu”, Việt chia sẻ.

Trần Văn Việt, bệnh nhân hemophilia (bệnh máu khó đông) say sưa chế tác cây cảnh bonsai. (Ảnh NVCC)

Trần Văn Việt, bệnh nhân hemophilia (bệnh máu khó đông) say sưa chế tác cây cảnh bonsai. (Ảnh NVCC)

Đến năm 2007, trong một lần đi xe máy, Việt bị ngã và phải nhập viện. Và đó chính là thời điểm mà “bản thân tôi hiểu rõ về căn bệnh của mình và có phương pháp riêng để chữa trị. Và tôi hiểu đây chính là căn bệnh sẽ đi theo mình suốt cả cuộc đời”, Việt cho biết.

Trước khi đến với công việc tạo cây bonsai nghệ thuật, anh đã từng trải qua rất nhiều công việc như rửa xe, làm thuê cho quán phở, làm thợ ốp lát, chạy xe ôm công nghệ… Bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi trong gia đình có 2 anh em cùng bị bệnh máu khó đông. Mặt khác hoàn cảnh gia đình không cho phép, học hết lớp 9, Việt thi đỗ vào cấp 3 nhưng quyết định nghỉ học đi làm thêm ở Hà Nội. “Thời điểm đó bảo hiểm chưa chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh như bây giờ, vì thế đối với một gia đình thuần nông thì 5% chi phí vẫn là một con số quá lớn. Mặt khác, lúc đó các bệnh viện tuyến tỉnh cũng chưa có thuốc điều trị. Thế nên tôi ở Hà Nội vừa đi làm thêm, vừa gần bệnh viện để điều trị”.

Chịu đau đớn quyết theo đuổi đam mê

Năm 2018, trong một lần tình cờ lần giở qua các trang mạng, Việt thấy những chia sẻ về cách làm cây bonsai handmade. Từ đó chàng trai này mê tít việc tạo hình nghệ thuật cho loại cây trang trí này. “Lúc đầu tôi thấy thích, sau đó tự mày mò làm và học theo các kênh trên mạng. Về sau, càng làm càng đam mê và theo đuổi cho tới bây giờ”.

Để làm cây bon sai cần sự kết hợp dây đồng với gỗ lũa, đá non bộ, đá bán quý… Tuy nhiên các nguyên liệu này lại chỉ có nhiều ở các vùng rừng núi. Thế là từ quê nhà Phú Thọ, Việt cùng 3 người bạn quyết định lên Sơn La để tiện làm việc dù chặng đường đi viện càng khó khăn hơn. Vì thế, mỗi khi bị chảy máu trong quá trình làm việc, Việt phải chịu đau đớn đi hàng trăm cây số mới đến được bệnh viện để điều trị. “Có những lúc tay bị chảy máu, bệnh viện quá xa, tôi gác lại công việc, nghỉ ngơi thêm, đỡ hơn tí lại tiếp tục làm”, Việt chia sẻ.

Công việc làm cây bon sai từ dây đồng đã giúp Việt có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng (Ảnh NVCC)

Khó khăn nhất với chàng trai này là những ngày đầu đến với công việc làm cây bonsai, bỏ tất cả đam mê, thời gian vào đó mà thu nhập lại chưa có nhưng mỗi ngày vẫn phải đối mặt với nỗi lo cơm áo và cả tiền đi viện.

Đã có rất nhiều lần Việt muốn bỏ cuộc nhưng chỉ vì nghĩ rằng: “Mỗi người sống cần có một ý nghĩa, ai cũng có thể bỏ cuộc, nhưng chúng ta bỏ cuộc thì ta sẽ trở thành bùn đất thôi. Chỉ có bước tiếp mới giúp được chính mình”, Việt lại quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.

Đến nay, công việc làm cây bon sai từ dây đồng đã giúp Việt có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nhiều sản phẩm của anh và những người bạn trong nhóm “Nghệ thuật bon sai handmade” còn được lựa chọn để trở thành hình ảnh truyền thông cho một công ty lớn sản xuất dây điện và thiết bị điện. Mặc dù số tiền thu về còn nhỏ bé nhưng cũng giúp anh trang trải phần nào cuộc sống và chữa bệnh mà không phải phụ thuộc vào gia đình.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện

Với Việt, mỗi cây bonsai đều có ý nghĩa và câu chuyện riêng. Có những cây Việt phải mất một tuần, có cây cả 3 người phải làm trong hơn 1 tháng mới hoàn thành. Ngẫm vào hoàn cảnh của chính bản thân mình, Việt sáng tạo nên tác phẩm “đại mộc nghênh phong” với biểu tượng một loại cây mọc trên ngọn núi chênh vênh. Đây là tác phẩm nhắc nhở cho anh rất nhiều.

Cây đại mộc nghênh phong do Trần Văn Việt tạo ra.(Ảnh NVCC)

“Từ khi hạt giống được gieo mầm trên đỉnh núi khô cằn đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Nguồn nước là nguồn sống cơ bản cũng trở nên hiếm hoi. Đó còn là những khó khăn về mặt thời tiết, là những trận bão táp thường xuyên ập tới khiến tán cây xơ xác. Tuy nhiên bằng nghị lực và sức sống mạnh mẽ, ý chí kiên cường cây vẫn phát triển, lớn mạnh từng ngày. Cây “Đại mộc nghênh phong” như một bức tranh về phần lớn quãng đời của tôi, là một hình mẫu cho tôi nhìn vào để cố gắng”, Việt chia sẻ.

Tác phẩm mang tên “mái ấm”, với hình ảnh 2 thân cây nương tựa vào nhau (Ảnh NVCC)

Đó còn là tác phẩm mang tên “mái ấm”, với hình ảnh 2 thân cây nương tựa vào nhau. Qua tác phẩm, Việt muốn nhắn nhủ rằng, tất cả con người đều cần tình yêu thương, sự sẻ chia đặc biệt là khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Việt dành “mái ấm” cho những người xa lạ nhưng mang chung một căn bệnh - Hemophilia. Với Việt đó là lời cảm ơn tới những người bạn đã cùng điều trị với nhau “Chúng tôi gặp nhau từ những ngày chập chững đến khi trưởng thành. Luôn cùng chia sẻ những nỗi đau, khó khăn và cả niềm vui trong cuộc sống”./.

Nguyễn Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cay-bon-sai-nghe-thuat-duoc-tao-boi-ban-tay-cua-nguoi-benh-mau-kho-dong-853900.vov