Sắp có thuốc điều trị đặc hiệu cho những người bị tổn thương tai vì âm thanh lớn?

Một số nghiên cứu cho thấy trên thế giới có trên 1% dân số bị ù tai và nghe kém vĩnh viễn do tác động của những tiếng ồn lớn như máy móc, nhạc cụ và tiếng nổ.

Rất nhiều phương tiện thông dụng trong cuộc sống có thể gây tổn thương thính giác do tiếng ồn: ví dụ với những công việc của dịch vụ mặt đất ở sân bay có những nơi tiếng ồn có thể lên tới 140dB (trong khi mức tần số âm gây tổn thương là ≥ 70dB), hay người làm nhiệm vụ rà phá bom mìn/vật liệu nổ, hay những người làm việc trong các quán bar thường xuyên nghe âm thanh ầm ĩ.

NGHE KÉM thường được chỉ hiện tượng ở những người mà khả năng nghe giảm hơn so với bình thường. Nếu sử dụng thiết bị đo (máy đo thính lực), sức nghe trên thính lực đồ sẽ trên 15dB.

Nghe kém hay đi kèm với ù tai.

Ù tai xảy ra khi bệnh nhân cho biết cảm nhận có tiếng gì đó ở trong tai: như tiếng dế kêu, gió thổi, hay tiếng còi tàu…

Ù tai và nghe kém thường đi kèm với nhau, tuy nhiên ở một số trường hợp là những triệu chứng độc lập hoặc người bệnh không cảm nhận được mức độ nghe kém nếu nghe kém chỉ ở mức độ nhẹ.

Ai bị ù tai và nghe kém mới cảm nhận sự khó chịu mà bệnh mang lại. Ù tai và nghe kém là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả công việc, làm tiêu tốn mỗi năm khoảng 30.000 tỷ đô la trên toàn cầu. Một nhóm nghiên cứu tại trường đại học Maryland- Mỹ (UMSOM) đã chứng minh trên chuột rằng, những tổn thương thần kinh tai trong bị phá hủy sẽ tái tạo lại cấu trúc của các NRA và chính những tái cấu trúc này gây ra nghe kém và ù tao không hồi phục.

Các nguồn ô nhiễm tiếng ồn có thể gây nghe kém trong sinh hoạt hàng ngày: máy bay và sân bay, giao thông, hệ thống loa, xe cấp cứu, máy công nghiệp, máy nông nghiệp, làm vườn...

Các nghiên cứu cũng tìm ra cụ thể những loại tế bào nào bị cấu trúc lại sau tổn thương. Tiến sĩ Ronna Hertzano, chuyên gia về Tai mũi họng- Phẫu thuật đầu & cổ, Giải phẫu và Sinh học thần kinh tại ĐH Maryland, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: điều quan trọng là họ phải xem xét mức độ thay đổi cụ thể của tế bào, và hầu hết các thay đổi biểu hiện gene chỉ đặc trưng cho một hoặc hai loại tế bào. Nhóm nghiên cứu cũng xem xét các phương pháp để tạo ra những thay đổi bảo vệ trong các tế bào thần kinh nhạy cảm với tiếng ồn để ngăn chặn sự mất tiếng ồn và lão hóa.

Trong một ví dụ khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ một trong số bốn loại tế bào miễn dịch trong tai trong được phát hiện cho thấy sự khác biệt lớn trong biểu hiện gene sau khi bị tác động của các tiếng ồn đủ lớn gây tổn thương.Họ xác định loại thuốc tiểu đường metformin là một ứng cử viên tiềm năng, cũng như một số loại thuốc gây mê dạng hít được sử dụng trong phẫu thuật và các loại thuốc khác cũng có thể sử dụng điều trị nghe kém và ù tai tiếng cao.

"Các nghiên cứu theo dõi những phát hiện này cuối cùng có thể dẫn đến các loại thuốc để ngăn ngừa mất thính lực do tiếng ồn nghề nghiệp, ví dụ ở công nhân nhà máy cơ khí, chiến sĩ tăng thiết giáp, người phá bom mìn..."./.

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào Bệnh viện ĐH Y Hà Nội

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/sap-co-thuoc-dieu-tri-dac-hieu-cho-nhung-nguoi-bi-ton-thuong-tai-vi-am-thanh-lon-895274.vov