Sắp có trái phiếu quốc tế tiền đồng?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng (Trái phiếu Bông sen).

Bà Nena Stoiljkovic - Phó chủ tịch IFC phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết, số vốn thu được từ đợt phát hành lần đầu (dự kiến 100 triệu USD) sẽ được chuyển đổi thành VND trên thị trường ngoại hối và dùng để triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Trái phiếu Bông sen cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản đầu tư VND, đồng thời cũng chào mời họ đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Cụ thể, theo IFC, các công ty có doanh thu bằng nội tệ nên vay bằng nội tệ, thay vì vay bằng ngoại tệ có thể dẫn tới rủi ro đồng tiền. Bằng cách khớp mệnh giá tiền tệ của tài sản có và tài sản nợ, doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh lõi của họ thay vì tập trung vào biến động tỷ giá.

Chương trình phát hành trái phiếu Bông sen này là một hoạt động nằm trong chiến lược của IFC nhằm hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân của các nước hội viên.

Tại buổi tọa đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhu cầu đầu tư phát triển của toàn vùng kinh tế là rất lớn. Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vay IDA từ WB và dự kiến tốt nghiệp ADF từ ADB và nguồn lực trong nước còn hạn chế, sáng kiến, công cụ tài chính mới của IFC sẽ là kênh tài chính cần thiết, góp phần hỗ trợ triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế đã được Chính phủ đề ra.

Cũng theo Phó thống đốc, sau khi chuyên gia ADB trình bày chi tiết về kế hoạch phát hành trái phiếu và làm rõ nhiều ý kiến băn khoăn/thắc mắc của các đại biểu, một số đơn vị của Ngân hàng Nhà nước đã có phản hồi tích cực với đề xuất này của ADB.

Đánh giá về việc phát hành trái phiếu tiền đồng Việt Nam trên thị trường quốc tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng về lâu dài không chỉ bổ sung nguồn vốn lớn cho nền kinh tế, mà thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế có thể đánh giá độ tín nhiệm Việt Nam thường xuyên trên thị trường thế giới và nguồn vốn thu được cũng sẽ phần nào giúp cơ cấu được nợ dài hạn.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng và có nguy cơ đe dọa tính bền vững của sự phát triển trong tương lai, nhất là khi vốn vay chưa được sử dụng hiệu quả.

Thùy Linh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/tai-chinh-bao-hiem/sap-co-trai-phieu-quoc-te-tien-dong-35645