Sắp đặt hoa quả trên bàn thờ ngày Tết theo nguyên tắc nào?

Mỗi lễ vật, hoa quả trên bàn thờ đều mang một ý nghĩa riêng và thể hiện niềm mong mỏi của gia chủ trong năm mới.

Cùng với việc trang hoàng nhà cửa, trong ngày Tết Nguyên đán, người Việt còn trang trí trong gian thờ bao gồm mâm ngũ quả, các loại hoa quả, hình tượng con vật, con người có tính biểu tượng, các câu liễn.

Các thức trang trí này có màu sắc tươi đẹp và tên gọi mang tính biểu tượng, nên vừa có chức năng thẩm mỹ, chức năng nghệ thuật, vừa có chức năng tâm linh, thể hiện những ước vọng, cầu mong chính đáng của gia chủ.

 Dù sung túc hay nghèo khó, người Việt đều cố gắng trang hoàng bàn thờ gia tiên tươm tất trong những ngày Tết. Ảnh: Quỳnh Trang.

Dù sung túc hay nghèo khó, người Việt đều cố gắng trang hoàng bàn thờ gia tiên tươm tất trong những ngày Tết. Ảnh: Quỳnh Trang.

Theo TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên khoa Văn hóa học,ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), các loại hoa trái dùng làm đồ chưng trên bàn thờ ngày Tết gồm có:

Các loại hoa: Hoa đào (màu hồng, tượng trưng cho vận đỏ, mùa xuân); hoa mai (đồng âm với “may” trong tiếng Việt Nam Bộ, và tượng trưng cho mùa xuân). Hoa huệ (tượng trưng cho lòng trung thành, sự tái sinh và tinh khiết). Hoa sứ hay hoa đại (tượng trưng cho một cuộc sống mới, sự khởi sinh mới tốt đẹp). Hoa cúc vạn thọ (tượng trưng cho sự may mắn, sức khỏe và sự thành công. Chồi non (từ Hán Việt là “lộc”, đồng âm với “lộc” trong “lợi lộc”).

Các loại quả: Dưa hấu (ruột đỏ, tượng trưng cho vận đỏ); thơm (đồng âm với “thơm” trong “thơm tho”); mãng cầu (đồng âm với “cầu” trong “cầu xin”); sung (đồng âm với “sung” trong “sung túc”); dừa (đồng âm với “vừa” trong tiếng Việt Nam Bộ); đu đủ (đồng âm với “đủ” trong “no đủ”); xoài (đồng âm với “xài” trong tiếng Việt Nam Bộ); chuối (ở Trung Bộ, còn Nam Bộ kiêng chưng chuối vì đồng âm với “chúi”),...

Khi trưng bày hoa trái lên trang thờ, bàn thờ, phải theo thứ tự “Đông bình, Tây quả” (bình bông đặt ở phía đông, quả trái cây đặt ở phía Tây).

Ngoài ra, các hình tượng động vật dùng làm đồ chưng gồm có dơi (từ Hán Việt là “bức”, gần âm với “phúc” trong “phúc đức”); nai (từ Hán Việt là “lộc”, đồng âm với “lộc” trong “lợi lộc”); con dơi, con nai và hai đồng tiền (từ Hán Việt là “bức lộc song tiền”, đồng âm với “phúc lộc song tuyền”); con ngựa (từ Hán Việt là “mã”, tượng trưng cho “mã đáo thành công”); chim loan và chim phụng (tượng trưng cho “loan phụng hòa minh”),...

Các hình tượng con người dùng làm đồ chưng gồm ông tiên (tượng trưng cho tuổi thọ); ba ông Phúc Lộc Thọ (tượng trưng cho ba điều quý nhất trong “ngũ phúc”: phúc, lộc, thọ, khang, ninh),...

Các liễn đối chữ Hán hoặc thư pháp chữ Việt được dùng để trang trí hoặc tặng biếu trong dịp Tết đều có ý nghĩa chúc lành: “Cung chúc tân xuân”; “Chúc mừng năm mới”; “Khai trương tấn phát”; “Mã đáo thành công”,...

"Tết còn là dịp để con cháu nhớ ơn, bày tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Do đó, bàn thờ gia đình luôn được chú trọng trang hoàng, trưng bày. Nhưng cũng nên tùy theo gia cảnh mà bày biện, cốt sao tỏ được lòng thành của mình là được", TS Lý Tùng Hiếu phân tích.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sap-dat-hoa-qua-tren-ban-tho-ngay-tet-theo-nguyen-tac-nao-post1039230.html