Sấp ngửa vay tiền lo Tết

Nói ra thì nhiều người cười chê, nhưng năm nào vợ chồng chị cũng vay mượn một khoản trước tết, để rồi ngay sau tết hì hục cày trả nợ.

Mấy hôm nay, không khí tết đã rộn ràng. Ngoài đường, người ta bắt đầu rục rịch bày mai kiểng, cúc đại đóa, hoa trái đầy đường. Nhưng tất cả những điều tươi đẹp đó không làm chị vui vẻ, bởi chị còn đủ thứ phải lo, mà cái lo nhiều nhất là lo tiền tết.

Anh và chị xa quê, lên Sài Gòn lập nghiệp. Lễ tết là dịp quan trọng để về quê, chứ ở thị thành chẳng có ai thân thích. Chính chị cũng thèm cái cảm giác sum vầy, tụ họp, chỉ có điều, chi phí tàu xe, quà cáp quá đắt đỏ, thành ra năm nào hai vợ chồng cũng hao hụt, phải vay mượn trước tết.

Năm ngoái, cứ tưởng công việc ổn định, cuối năm có tiền thưởng, thì đùng một cái anh bị tai nạn, phải nghỉ việc dưỡng thương. Chị cũng chạy đôn chạy đáo lo, hôm đi làm được, hôm không, tiền lương tháng còn bị giảm bớt, huống gì tiền thưởng.

Tết năm đó, chị tích cóp, khéo chi lắm nhưng vẫn thiếu nợ bạn bè. Qua tháng Giêng, hai vợ chồng chưa kịp hưởng những ngày nhàn nhã của “tháng ăn chơi” thì đã phải sấp ngửa làm thêm, vừa trả số nợ đó, lại vừa lo tiền tã sữa, tiền học của con.

Năm nay, khi anh khỏe mạnh, hai vợ chồng quyết tâm sẽ không nợ nần. Đùng một cái, dịch bệnh khiến cả hai người tạm nghỉ ngưng việc trong 2 tháng. Tiền tiết kiệm lại lôi ra lo sinh hoạt phí cho gia đình.

Ngồi tính số tiền cần chi cho tết, chị vừa lo vừa áp lực - Ảnh minh họa

Cuối năm chị ngồi nhẩm tính tiền cần dùng cho tết mà não ruột. Nào là tiền xe tàu, tiền quà biếu họ hàng nội ngoại, cũng phải sắm sửa ít đồ cúng bái tổ tiên, rồi còn tiền mừng tuổi, mừng thọ, tiền đi lại, ăn uống… Chỉ tiền vé thôi, đã ngót cả chục triệu đồng rồi. Năm nay anh chị làm gì có thưởng, công ty nào cũng thất bát, doanh thu sụt giảm, còn công việc là đã may mắn.

Có tối, chị nằm trong lòng chồng, thủ thỉ: “Hay năm nay mình tạm không về quê?”. Anh thở dài: “Ông bà già yếu rồi, một năm chỉ có một lần. Mình không về ông bà mong ngóng. Chưa kể, ông bà muốn gặp Cốm lắm em à”.

Chị lặng im, nghĩ cái cảnh vừa ra tết xoay xở trả nợ, chị ngán ngẩm. Hồi đầu tháng, ông bà cũng đánh tiếng, hỏi khi nào về quê, chị ậm ừ chưa chốt ngày. Thật ra chị đang xoay đường, tính buôn bán online gì đó thêm, để có thêm ít tiền trang trải.

Công việc làm chính, làm phụ đều lu bu. Chị cũng chẳng có thời gian để gọi điện về nội về ngoại. Facebook của chị ngập tràn hình ảnh nào rau, nào cá, nào củ quả. Bạn bè vào hỏi, chị trả lời vui vui rằng kiếm thêm tiền đón tết.

Một bữa đang tất tả hàng hóa, chị bỗng nhận được tin nhắn từ ngân hàng, báo chị mới nhận được một khoản tiền. Dưới dòng nội dung giao dịch, chị đọc mà nước mắt rưng rưng: “Bà cho tiền Cốm”.

Người gửi là mẹ chồng chị. Thì ra thấy con cái bận bịu, sấp ngửa lo tiền tết, ông bà chẳng biết phải làm sao. Suốt một năm qua, vì dịch bệnh liên miên, ông bà cũng chưa được gặp cháu. Hôm trước, ông bà nghe nói vợ chồng chị bán buôn thêm, nên cũng hiểu ra phần nào. Vậy là ông bà bán bớt mấy con dê, gửi tiền lên cho hai vợ chồng, coi như lì xì sớm cho cháu.

Chị nhận tiền từ mẹ chồng mà rưng rưng - Ảnh minh họa

Chị nhận tiền mà rưng rưng. Vậy mà chị từng có suy nghĩ năm nay không về quê nữa. Lúc này chị mới hiểu rằng, tình thân quan trọng hơn cả.

Vậy là năm nay chị đỡ một khoản lo, vậy là Cốm có thể về với ông bà mà cha mẹ Cốm không áp lực món nợ năm mới. Chị dự định cả nhà chị sẽ về sớm, để ông bà có thêm ít ngày quây quần cùng con cháu. Cách xa nhau cả năm trời rồi, với những người lớn tuổi trong gia đình, chỉ vậy là tết đủ đầy.

T. Nguyên

Theo www.phunuonline.com.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/chuyen-nha/sap-ngua-vay-tien-lo-tet-275491.html