Sáp nhập văn phòng cấp huyện, việc cần thiết phải làm

Mới đây, TP.Hải Phòng thí điểm sáp nhập các văn phòng có những chức năng tương đồng ở cấp huyện nhằm tiếp tục nỗ lực tinh giản hóa bộ máy, biên chế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sáp nhập phải hiệu quả, đặc biệt trong tinh giản biên chế, chứ không phải sáp nhập một cách cơ học, hình thức sau khi hợp nhất các văn phòng này.

Việc hợp nhất các văn phòng HĐND, UBND sẽ tinh giảm được bộ máy, nhiệm vụ của các nhân viên cũng sẽ được hợp nhất lại. Ảnh minh họa: HẢI NGUYỄN

Bộ máy tinh gọn, con người sẽ tinh gọn

Từ 1.10, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng phê duyệt thí điểm hợp nhất Văn phòng Quận ủy với Văn phòng HĐND và UBND quận Hồng Bàng thành Văn phòng quận Hồng Bàng; Hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND huyện An Dương thành Văn phòng huyện An Dương; Phê duyệt thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện Kiến Thụy thành Ban Tổ chức - Nội vụ huyện Kiến Thụy; Thí điểm hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kiến Thụy với Thanh tra huyện Kiến Thụy thành Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra huyện Kiến Thụy. Các đơn vị hợp nhất sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của các quận huyện đó, sử dụng một con dấu trong thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Vũ Văn Thái - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ - cho rằng: “Các văn phòng trước kia vốn là một, nhưng sau này đã tách ra. Các văn phòng vốn để phục vụ chung chứ không quản lý nhà nước gì. Văn phòng nào cũng thực hiện các nhiệm vụ là để đảm bảo cơ sở vật chất cho cơ quan, cá nhân hoạt động, rồi cung cấp thông tin, bố trí trụ sở làm việc cho cơ quan tổ chức. Cùng một chức năng như thế, vậy mà các văn phòng cứ “phình” ra quá nhiều, thêm các chức danh, chỉ “tốn tiền tốn của” thôi”.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - các văn phòng này hợp nhất là đúng chủ trương hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi là trong lãnh đạo của cấp ủy, HĐND, UBND rất thuận tiện vì chỉ có 1 văn phòng, khi đã là chủ trương nghị quyết của ban thường vụ cấp ủy ban hành thì văn phòng tham mưu, cụ thể hóa văn bản đó, thì HĐND, UBND sẽ thực hiện. Một thuận lợi nữa là cơ quan giúp việc của văn phòng hợp nhất đó sẽ tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện việc chỉ đạo, lãnh đạo.

Bàn đến vấn đề nhân lực, TS Vũ Văn Thái cho rằng: “Chắc chắn, bộ máy tinh gọn thì con người cũng sẽ gọn theo. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế không phải vấn đề một sớm một chiều có thể giải quyết được. Bộ máy gọn lại, những ai đến tuổi nghỉ hưu thì không bổ sung người vào nữa, hoặc tinh giản biên chế theo chính sách chế độ”. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay: “Tôi cho rằng hợp nhất các văn phòng sẽ giảm được bộ máy, nhiệm vụ của các nhân viên cũng sẽ được hợp nhất lại. Văn phòng ủy ban trước khi ban hành kế hoạch nghị quyết lại phải xem lại văn bản, thậm chí phải phối hợp với văn phòng cấp ủy mới ban hành được, mỗi lần họp giao ban thì phải mời văn phòng cấp ủy mà giờ chỉ có 1 văn phòng thôi thì không cần giao ban. Như vậy tiết kiệm và thuận lợi cả về thời gian, công sức, về tiền và tiết kiệm về biên chế, đặc biệt thuận lợi cho việc lãnh đạo chỉ đạo, cũng như điều hành của nhà nước nhanh chóng hơn”.

Làm sao để “vẹn cả đôi đường”?

Theo TS Vũ Văn Thái, để thực hiện được việc hợp nhất, các địa phương cần chủ động, tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và kế hoạch của địa phương trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bằng Đề án cụ thể. Bên cạnh đó, lãnh đạo các quận, huyện phải quán triệt cụ thể, sâu sắc, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị triển khai thí điểm, đặc biệt là những vấn đề đã được xác định trước khi sáp nhập.

“Nên làm và cần thiết phải làm, không thể để bộ máy cồng kềnh, trùng nhau như hiện nay được. Bộ máy như vậy cũng không giải quyết được việc gì cả. Chúng ta phải hợp nhất để hạn chế tình trạng “nhiều người cùng làm một việc”. Theo tôi, các địa phương cứ mạnh dạn mà làm thôi. Hiện nay, luật chưa thông qua nên gọi là làm thí điểm, thì các mô hình thí điểm này cần được nhân rộng” - ông Thái nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các địa phương này phải làm tốt công tác bố trí cán bộ sau hợp nhất với phương án tối ưu nhất, chỉ đạo xây dựng về chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức hoạt động theo quy định chung; quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với cán bộ; sau sáp nhập phải đảm bảo ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị được sáp nhập.

Còn ông Phạm Văn Hòa thì cho rằng, chính sách cán bộ cũng phải hết sức chú ý, giải quyết làm sao cho hợp lý. Trước tiên khi sáp nhập phải sắp xếp lại bộ máy tổ chức từng bước. Với những nhân lực không đạt, cần có sự xem xét năng lực từng cá nhân, tinh giản phù hợp, tránh xáo trộn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị, kinh tế xã hội cho cán bộ công chức hiện tại.

THÙY LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/sap-nhap-van-phong-cap-huyen-viec-can-thiet-phai-lam-635575.ldo