Sắp tới thi giáo viên giỏi sẽ thay đổi như thế nào?

Bộ Giáo dục đang soạn thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên

Hiện nay, rất nhiều bất cập của thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi như các tiết dạy chủ yếu là “diễn”, hay việc thi năng lực, sáng kiến kinh nghiệm, kể chuyện của hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi…đã được chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là không còn phù hợp, phải thay đổi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh: Baoquangbinh.vn).

Bà Cù Thị Thủy - Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên Ban soạn thảo đã có những thông tin chia sẻ về vấn đề này trên Báo Giáo dục và Thời đại. [1]

Dự kiến 5 thay đổi quan trọng

Ban soạn thảo đề xuất xây dựng Thông tư mới quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với những điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, bãi bỏ hết các bất cập đã nêu trên, bỏ liên hoan giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ còn công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.

Thứ hai, về điều kiện công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh: Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mức khá (giáo viên dạy giỏi thì yêu cầu tiêu chí chuyên môn phải ở mức tốt; đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì tiêu chí về giáo dục đạt mức tốt).

Thứ ba,về phần thi:

Đối với giáo viên dạy giỏi: Thực hành một hoạt động chơi - tập (đối với giáo viên nhà trẻ), một hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hành dạy học một tiết dạy (đối với giáo viên phổ thông) theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi;

Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi: Thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm tổng hợp) trong kế hoạch giáo dục của trường và của giáo viên tại thời điểm diễn ra hội thi.

Thi giáo viên giỏi - thầy cô không muốn tham gia cũng khó

Giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy/hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 3 ngày trước thời điểm thi dạy và được tổ chức tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp.

Không được dạy thử/thực hành tiết học/hoạt động tham gia hội thi ở bất cứ đâu trong năm học tổ chức hội thi, đồng thời là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức cho học sinh tại lớp học đó.

Trình bày một báo cáo chuyên đề trước Ban giám khảo, thời lượng không quá 30 phút, thể hiện biện pháp đã thực hiện có hiệu quả nhất trong hoạt động dạy học/giáo dục học sinh của cá nhân tại cơ sở giáo dục mà giáo viên đang công tác.

Lưu ý chuyên đề báo cáo phải là lần đầu tiên tham gia hội thi, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó.

Thứ tư, nguyên tắc của hội thi: Dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan.

Tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong hội thi.

Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành; nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân giáo viên để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.

Thứ năm, giao quyền tự chủ cho địa phương về quy định số lượng giáo viên tham gia hội thi các cấp do trưởng ban tổ chức hội thi quyết định, căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và ngân sách của địa phương hàng năm; kể cả thời gian và địa điểm tổ chức hội thi sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở.

Điều này có nghĩa là các cấp quản lý giáo dục tại cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình, không thể đổ lỗi do văn bản. Việc giao trách nhiệm đồng hành với nghĩa vụ như trên là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn phân quyền, nhiệm vụ quản lý giáo dục hiện nay.

Đặc biệt là đơn giản hóa cách điều hành toàn bộ các hoạt động của hội thi, ra quyết định thành lập Ban giám khảo và các ban, tiểu ban phục vụ hội thi (nếu cần thiết). Các ban và tiểu ban làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng ban tổ chức.

Việc sử dụng kết quả hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên.

Các cơ quan quản lý giáo dục địa phương theo thẩm quyền quản lý tổ chức sinh hoạt chuyên môn trên địa bàn thông qua việc giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi báo cáo tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục tham dự hội thi nhằm lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm dạy tốt.

Có nên duy trì hội thi giáo viên giỏi cấp trường?

Sẽ vẫn còn hội thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi

Từ những chia sẻ trên chúng ta có thể hình dung được sắp tới sẽ có nhiều thay đổi lớn về việc công nhận giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi tuy nhiên hội thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi vẫn còn sẽ không có việc xét công nhận giáo viên giỏi như đề xuất trước đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận hội thi giáo viên giỏi vẫn rất cần thiết trong hoạt động chuyên môn của giáo viên, qua hội thi đã chọn được những giáo viên có năng lực, để từ đó tạo nên một đội ngũ giáo viên cốt cán trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và đổi mới giáo dục.

Đồng thời, có tổ chức thi mới tạo nên khí thế thi đua, góp phần tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Không vì những sai sót, hạn chế mà phủ nhận những hiệu quả mà hội thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi mang lại nhưng những bất cập, hạn chế như trên phải được loại bỏ.

Với tinh thần này, Ban soạn thảo đang rà soát kỹ việc công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi nhằm giảm tải công việc cho giáo viên nhưng vẫn giữ được việc giáo viên tham gia hoạt động nghề nghiệp: Giảng dạy, giáo dục để nâng cao tay nghề.

Việc rà soát để đảm bảo công nhận được giáo viên giỏi thực chất, tạo được động lực chứ không phải là áp lực cho giáo viên.

Chủ trương là vẫn duy trì việc công nhận giáo viên giỏi nhưng cách thức gọn nhẹ và hiệu quả hơn.

Hội thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi cũng có thể còn nhưng là tạo “sân chơi” lành mạnh để những giáo viên giỏi thật (đã được tôn vinh) tâm huyết chia sẻ/truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp tham khảo, học tập. Từ đó, tạo phong trào thi đua dạy tốt.

Giáo viên rất mong chờ những thay đổi theo hướng tích cực nhất thực chất nhất, nếu không thay đổi phù hợp sẽ chuyển từ áp lực này sang áp lực khác đôi khi còn hình thức hơn cái cũ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-5-cu-hich-trong-hoat-dong-nghe-nghiep-cua-giao-vien-4029445-b.html

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sap-toi-thi-giao-vien-gioi-se-thay-doi-nhu-the-nao-post201901.gd