Sắp tuyên phúc thẩm 'kỳ án' 16 năm tranh chấp tại dự án của công ty Tân Hải Minh

Sáng 07/06 vừa qua, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm 'kỳ án' tranh chấp hợp đồng giữa Công ty TNHH SXTMXD Khách sạn Tân Hải Minh (THM) và ông Đặng Văn Quyền. Sau các phần xét hỏi, tranh luận để ghi nhận, củng cố thêm nhiều chứng cứ, thông tin cần thiết, khách quan, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Uông Văn Tuấn đã tuyên bố kết thúc phiên xét xử ngay trong buổi sáng và đưa ra thông báo sẽ tuyên án vào ngày 25/6 tới.

*Nhiều vấn đề được làm sáng tỏ

Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ thêm sau những câu hỏi đúng trọng tâm của các thẩm phán và vị đại diện VKS.

Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào sáng ngày 07/6/2019

Trong phần xét hỏi, thẩm phán chủ tọa Uông Văn Tuấn đã làm rõ được rằng, việc thực hiện các thỏa thuận đều được cả Công ty Tân Hải Minh và ông Đặng Văn Quyền cùng thống nhất ý chí thi hành án.

Đại diện cho Công ty Tân hải Minh nhiều lần bị vị đại diện VKS và các thẩm phán nhắc nhở trả lời rõ, đúng vào câu hỏi. Đồng thời nhận định rằng, lời khai của phía công ty Tân Hải Minh khi trả lời câu hỏi của mình thể hiện sự bất nhất, mâu thuẫn nhau.

Mặc dù đồng ý với đại diện VKS là giá trị các lô đất ở các vị trí khác nhau trong dự án thì có giá trị cao thấp khác nhau, nhưng Công ty THM lại áp dụng cách tính để hoán đổi nền đất đi ngược lại, mâu thuẫn với chính lời nói của mình.

THM đã đưa ra cách tính diện tích đất dư đòi ông Quyền phải trả thêm tiền khiến ai nghe cũng lắc đầu. Đó là, đổi ngang giá trị giữa 886,63m2 đất mặt đường lớn, đắc địa, có thể kinh doanh thuận lợi với 964,63m2 các lô đất bên trong, vị trí hốc kẹt, góc khuất của dự án. Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, trên thực tế, không bao giờ có trường hợp đánh đồng giá đất ở hai vị trí đắc địa khác nhau như cách tính “trời ơi” rất vô lý của công ty THM.

*Luôn tin vào công lý và tinh thần thượng tôn pháp luật

Trao đổi với phóng viên sau phiên tòa sơ thẩm sáng 07/6, ông Đặng Văn Quyền cho biết: “Tôi vẫn luôn tin vào công lý và tin rằng, những vị thẩm phán có trình độ, công tâm, với tinh thần luôn thượng tôn pháp luật sẽ không bao giờ đưa ra một bản án kỳ cục, phiến diện và thiên vị một cách trắng trợn như bản án số 626/2018/DS-ST phiên tòa sơ thẩm ngày 26/11/2018 của TAND Q. Thủ Đức. Tôi không hiểu lý do tại sao thẩm phán Nguyễn Vũ Trọng Đan có thể ký ban hành một bản án thiếu thuyết phục đến vậy? Có hay không tiêu cực ở phiên tòa này là điều mà đến giờ này không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người vẫn luôn nghi vấn?”.

“Ở phiên tòa sơ thẩm, sai sót nghiêm trọng nhất mà Hội đồng xét xử phạm phải đó là ghi sai lệch lời trình bày của bà Trương Thị Hồng, là người đại diện cho tôi tại phiên tòa. Chính điều đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến làm sai lệch hồ sơ, bản chất của vụ án. Tôi nghĩ rằng, nếu những người được trao giữ vai trò “cầm cân nảy mực”, thực thi công lý mà lại ghi chép thiếu trung thực, tự ý làm sai lệch bản chất vụ án, gây bất bình trong dư luận và người dân như vậy cần phải bị xem xét trách nhiệm, thậm chí loại bỏ khỏi ngành tòa án. Có như vậy thì ngành tư pháp mới có thể thực hiện thắng lợi chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong quyết tâm cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử, mang lại công bằng xã hội và hạnh phúc cho nhân dân” – ông Đặng Văn Quyền thẳng thắn nói.

“Trong phiên tòa phúc thẩm lần này, như các nhà báo trực tiếp tham dự phiên tòa cũng đã thấy, các thẩm phán và vị đại diện VKS đã hỏi đúng vào những vấn đề thể hiện đúng bản chất của vụ án, nên các tình tiết quan trọng mà ở phiên tòa sơ thẩm cố tình lờ đi, thì nay đã được làm sáng tỏ, rõ ràng hơn.

Phiên tòa phúc thẩm kết thúc, tuy bản án chưa được ban hành, nhưng với tinh thần làm việc và cách làm rõ vấn đề bản chất của vụ án mà Hội đồng xét xử đã thẩm vấn trong phần xét hỏi, cũng như để các đương sự tranh luận công bằng, tôi hy vọng rằng, bản chất đúng đắn của vụ án sẽ không bị làm sai lệch. Và tôi trông chờ sẽ có một bản án công tâm, thuyết phục nhất được ban hành” - ông Quyền bày tỏ.

Ông Đặng Văn Quyền chỉ vị trí đắc địa của các nền lô E 7,8,9,10 gần trục đường chính, rất thuận lợi để kinh doanh

Nói về lý do kháng cáo và cơ sở niềm tin vào công lý, vào sự thật của mình, ông Đặng Văn Quyền cho biết, thứ nhất, Tòa sơ thẩm nhận định hợp đồng đổi đất lấy đất ngày 05/11/2003 không bị tranh chấp nên áp dụng để giải quyết tranh chấp là sai lầm nghiêm trọng vì trên thực tế hợp đồng này đã bị vô hiệu, hai bên đã thống nhất hủy bỏ không thực hiện. Hợp đồng đổi đất ngày 05/11/2003 bị vô hiệu vì khi tôi ký hợp đồng này với tư cách là người được ủy quyền của ông Đắc thì ông Đắc đã chết, nên theo luật hợp đồng đã ký này bị vô hiệu, điều này đã được chính TAND Q.Thủ Đức chỉ rõ và làm căn cứ để ra quyết định “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 72/2007/TLST-DS ngày 24/4/2007”, ký ngày 31/8/2007.

Đồng thời, tòa sơ thẩm không xem xét các Biên bản thỏa thuận đổi đất lấy tiền là bỏ sót chứng cứ quan trọng. Hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ, sau khi ký hợp đồng đổi đất ngày 05/11/2003, giữa tôi và THM đã có nhiều lần cùng ký văn bản thống nhất hủy bỏ phương thức đổi đất lấy đất bằng phương thức đổi đất nhận tiền đền bù, cụ thể là: Công văn 214/CV-THM ngày 24/7/2009, Biên bản thỏa thuận ngày 11/5/2011 và Biên bản hòa giải thành ngày 26/5/2011. Các văn bản này đều hoàn toàn tự nguyện và đến nay không bị hủy bởi bất cứ văn bản nào.

Thứ hai, sáu nền đất C11, C12, C18, C19, D12, D27 tôi có được là do tôi mua bằng tiền Tân Hải Minh phải trả theo các văn bản đổi đất nhận tiền chứ không phải có được do nhận đổi đất theo hợp đồng đổi đất ngày 05/11/2003, nên quyết định công nhận thỏa thuận bị hủy thì cũng không thay đổi bản chất là 06 nền đó là nền tôi mua. Do đó, việc tòa sơ thẩm cố tình gán ép rằng, 06 nền đó là nền tôi nhận đổi đất lấy đất khi giao 4.172m2 đất cho THM là không phản ánh đúng sự thật khách quan, không công tâm.

Thứ ba, Tòa sơ thẩm sử dụng hợp đồng đổi đất để giải quyết tranh chấp, nhưng cố tình áp dụng không đúng nội dung ghi trong hợp đồng là làm có lợi cho nguyên đơn. Cụ thể là, tại Điều 1 của hợp đồng đổi đất có ghi: “...Bên B (ông Quyền là đại diện cho ông Đắc) giao cho bên A (công ty Tân Hải Minh) 4.172m2 và bên B nhận lại đất ở kích thước các lô được chọn như sau: 4 nền gồm số 7,8,9,10 lô E đường D1 tổng diện tích là 886,6m2...”. Nhưng khi xét xử, tòa sơ thẩm lại nhận định “Xét theo hợp đồng, công ty Tân Hải Minh nhận 4.172m2 đất và giao cho ông Quyền diện tích 886,6m2 là được, không quan tâm đến 886m2 của nền nào, nằm ở vị trí nào (chỉ ghi diện tích đất mà không ghi 04 lô cụ thể là E7,8,9,10...).

Thứ tư, không chỉ áp dụng không đúng nội dung hợp đồng đổi đất, mà tòa sơ thẩm còn áp dụng cách tính toán không đúng, có lợi hẳn cho nguyên đơn, thể hiện sự thiên vị rõ ràng. Tòa sơ thẩm lấy diện tích 06 nền C11, C12, C18, C19, D12, D27 trừ đi diện tích của 04 nền lô E 7,8,9,10, dư ra 76,14m2, rồi nhân với đơn giá đất thẩm định, yêu cầu tôi phải trả lại cho Tân Hải Minh tổng cộng là 6.045.600.000 đồng.

Phép tính trừ lấy diện tích trừ đi diện tích để xem việc giao nhận đất có dư hay không là cách tính hoàn toàn sai, vì 06 nền C11, C12, C18, C19, D12, D27 và 04 nền E 7,8,9,10 nằm ở các vị trí khác nhau, đơn giá đất của mỗi nền khác nhau, nên việc chỉ cấn trừ diện tích của các nền đất với nhau là không phản ánh đúng bản chất của sự việc. Cách tính đúng là phải cấn trừ theo giá trị của các nền đất với nhau.

Ngoài thực địa, 04 nền lô E 7,8,9,10 nằm sát nhau trên đường D1 (bề rộng đường là 16m, vị trí gần trục đường chính là đường Phạm Văn Đồng) có lợi thế kinh doanh rất lớn nên giá trị đất cao hơn nhiều so với 06 nền C11, C12, C18, C19, D12, D27 (bề rộng đường nhỏ hơn 16m, xa trục đường chính, hình thể đất không đẹp (nền D27 diện tích 165m2 không vuông vức, nền D12 diện tích 328,5m2 nằm ở trong hốc kẹt vị trí đất không kinh doanh gì được). Nên mặc dù diện tích 06 nền C11, C12, C18, C19, D12, D27 cộng lại lớn hơn diện tích 04 nền lô E nhưng tính theo giá thị trường thì thấp hơn rất nhiều.

Dẫn chứng cụ thể là, 4 nền lô E được đổi từ 4.172m2 đất nên có giá ngang với giá 4.172m2, tức có giá 11.347.840.000đ. Trong khi đó, 06 nền tôi mua có tổng giá trị chỉ là: 8.401.550.000đ (gồm 02 nền C18, C19 có giá là 1.551.550.00 đ; 04 nền C11, C12, D12, D27 có giá là 6.850.000.000đ). Nếu không sử dụng giá có sẵn như trên thì cần thẩm định giá mới nhất của tất cả các nền, thì mới có thể kết luận đất có giao dư hay không.

Thứ năm, Tòa sơ thẩm cho rằng, tôi giao dịch bán nền D12 cho ông Thanh, bà Thủy khi đã xảy ra tranh chấp với công ty Tân hải Minh nên thiệt hại tôi phải tự chịu là không đúng. Vì giao dịch đặt cọc giữa tôi và ông Thanh, bà Thủy diễn ra vào ngày 12/3/2016, trước khi công ty Tân Hải Minh tạo ra tranh chấp với tôi, vì ngày tòa án thụ lý vụ kiện là 17/5/2016. Rõ ràng, tranh chấp giữa tôi với công ty Tân Hải Minh xảy ra sau khi tôi nhận đặc cọc của ông Thanh, bà Thủy.

Nhóm PV

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/sap-tuyen-phuc-tham-ky-an-16-nam-tranh-chap-tai-du-an-cua-cong-ty-tan-hai-minh-4347/