Sắp xếp huyện, xã: Nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách đặc thù

Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 32/NQ-CP về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 nhiều địa phương phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách.

Bộ Nội vụ đang dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về việc áp dụng các chính sách đặc thù tại đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi nhập đơn vị hành chính cấp xã đang hưởng chính sách đặc thù khác nhau.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết, khi thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, nhiều địa phương đã phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách như: chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, áp dụng chính sách các đặc thù của Ủy ban Dân tộc, Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Cụ thể, theo quy định của Nghị quyết 32/NQ-CP: “…đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp được áp dụng chính sách đặc thù cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp…”. Nếu thực hiện theo quy định, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân khó đảm bảo.

Liên quan đến việc áp dụng chính sách đặc thù có địa phương gặp phải vướng mắc: Một xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 sáp nhập với một xã đã được cấp có thẩm quyền công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc thị trấn thuộc huyện thì địa bàn mới và người dân trên địa bàn mới đó có được thụ hưởng chính sách giảm nghèo đặc thù không?...

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, Bộ Nội vụ đã đề xuất các giải pháp khi áp dụng chính sách đặc thù tại đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, đối với các chính sách đối với đơn vị hành chính cấp xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 sau khi sắp xếp vẫn thực hiện như thời điểm trước sáp nhập cho đến khi cấp thẩm quyền quyết định thay thế, sửa đổi, bổ sung (đối tượng đang thụ hưởng chính sách đặc thù tiếp tục thụ hưởng; đối tượng trước đây chưa được thụ hưởng chính sách đặc thù sau sáp nhập chưa được thụ hưởng).

Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nhập với xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc thị trấn thuộc huyện hoặc một xã bình thường thực hiện chính sách đặc thù và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đối với người dân đang đang sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn theo địa bàn cũ (trước khi sáp nhập) đến hết ngày 31/12/2020...

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sap-xep-huyen-xa-nhieu-vuong-mac-khi-ap-dung-chinh-sach-dac-thu-post446639.antd