Sắp xét xử vụ 'từ xe ôm trở thành kẻ buôn ma túy': Cần xem xét hồ sơ khách quan tránh oan sai cho người dân?

Theo LS Đỗ Mạnh Linh: 'HĐXX phúc thẩm cần xem xét hồ sơ một cách thấu đáo, xét xử công minh, tránh làm oan sai cho người dân'.

Đó là trường hợp của anh Lương Xuân Cảnh (SN 1975, ở xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bị cơ quan tiến hành tố tụng quận Tây Hồ kết án vì có hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Theo nguồn tin của PV, ngày 10/6, tới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Lương Xuân Cảnh về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Trước đó, ngày 1/4, phiên tòa đã được hoãn, vì trong quá trình diễn ra phiên tòa, luật sư Nguyễn Hồng Bách và luật sư Đỗ Mạnh Linh thuộc Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự - Đoàn luật sư TP Hà Nội, là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho anh Lương Xuân Cảnh đã yêu cầu hoãn phiên tòa để triệu tập điều tra viên, là người trực tiếp lấy lời khai đối với ông Lương Xuân Cảnh, để đảm bảo khách quan trong quá trình xét xử vụ án trên.

Từ xe ôm trở thành kẻ buôn ma túy?

Trao đổi với PV, anh Lương Xuân Cảnh cho biết, vào tối ngày 11/6/2020, khi đang đưa hàng cho khách anh Cảnh bị công an bắt giữ và bị quy kết cho tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Anh Lương Xuân Cảnh.

Anh Lương Xuân Cảnh.

Cụ thể, khoảng 21h00 ngày 11/6/2020 trong lúc anh đang chờ khách đi xe ôm tại khu vực cổng Bệnh viện Châm cứu số 47 Thái Thịnh, P.Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội thì có người đàn ông tên Lai gọi điện hỏi đang ở đâu, sau khoảng 10 phút anh Lai đến gặp và đưa cho anh 01 (một) gói nhỏ bọc ngoài bằng băng dính đen.

Rồi bảo anh giao hàng đến phố An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội giao cho khách mua của Lai, sau đó thu hộ Lai 6.200.000 đồng Lai sẽ trả công cho tôi là 200.000 đồng.

Cũng theo anh Cảnh: "Tôi đã đồng ý và di chuyển đến phố An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Trên đường đi tôi có nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ hẹn tôi đến số 30 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.

Đến 22h00 ngày 11/6/2020, tôi đến trước số 30 An Dương. Lúc này, tổ công tác Công an phường Bưởi làm nhiệm vụ tại đây đã đến kiểm tra hành chính đối với tôi.

Quá trình kiểm tra hành chính, tôi xuất trình được giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe. Tổ công tác đã lập biên bản sau đó mang tôi về Công an phường Yên Phụ để tiếp tục kiểm tra.

Công an phường Yên phụ đã khám người phát hiện trong người tôi có 01 (một) gói nhỏ bọc băng dính đen bên trong trong có 01 túi lilon màu trắng kích thước 4x7 cm (có chứa 05 viên nén hình tam giác màu xanh) và 02 túi lilon màu trắng kích thước 3x3 cm (mỗi túi đều chứa tinh thể trắng.

Ngày 18/6/2020, Công an quận Tây Hồ quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với tôi về tội Mua bán trái phép chất ma túy quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự.

Quá nhiều bất thường!

Liên quan đến vụ án trên, luật sư Nguyễn Hồng Bách và luật sư Đỗ Mạnh Linh thuộc Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự - Đoàn luật sư TP Hà Nội là người bào chữa cho bị cáo Lương Xuân Cảnh cho rằng: “Quá trình tiếp xúc, nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy trong vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, cơ quan tiến hành tố tụng quận Tây Hồ còn thiếu sót, vi phạm, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm có nguy cơ gây hàm oan cho bị cáo.

Từ hai bản kiểm điểm nêu trên, nhận thấy có sự giống nhau đến 553/557 = 99,281.868% (xấp xỉ 100%), trong khi lại được lập ở hai thời điểm khác nhau”.

Các Luật sư cho rằng dấu hiệu oan, sai của bị cáo Cảnh rất rõ nên phải được kiểm tra lại. Mong HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá khách quan vụ án để đưa ra phán quyết thấu tình, đạt lý”.

Cụ thể, các luật sư đã chỉ ra, trong quá trình tiến hành giải quyết vụ việc bị cáo đều khẳng định, khi bị bắt, tại trụ sở Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, bản thân bị cáo đã bị cán bộ Công an phường Bưởi đánh đập, ép cung.

Tại Biên bản hỏi cung bị can ngày 5/10/2020 của VKSND quận Tây Hồ có sự tham gia của Luật sư Đỗ Mạnh Linh.

"Trong quá trình làm việc, anh Cảnh khai và tiếp tục khẳng định “Quá trình làm việc tại Cơ quan điều tra, tôi có bị đánh đập, ép cung.

Cụ thể như sau: Tại Công an Phường Bưởi, có anh Sơn và anh Cảnh đánh tôi, bắt tôi phải nhận gói ma túy đó là của tôi, thực tế tôi không biết đó là gói gì.

Tại Công an quận Tây Hồ, có anh Kiên bắt tôi phải nhận cầm gói ma túy của anh Lai đưa cho khách của anh Lai và bắt tôi ký vào một số giấy không có nội dung gì”, lời khai của anh Cảnh thể hiện trong bút lục.

“Khi xem xét, nghiêm cứu hồ sơ vụ án, tôi cũng nhận thấy lời khai của bị cáo trong hai Bản kiểm điểm ngày 11/06/2020 (bút lục 71) và Bản kiểm điểm ngày 12/06/2020 (bút lục 70) có nội dung giống nhau một cách rất bất thường.

Nội dung lời khai hầu như giống nhau, giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy, chỉ khác nhau ở một số điểm rất nhỏ.

LS cho rằng, ở đây có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra ban đầu vụ việc, làm mất đi tính khách quan, giá trị chứng cứ chứng minh của lời khai”.

Từ hai bản kiểm điểm nêu trên, nhận thấy có sự giống nhau đến 553/557 = 99,281.868% (xấp xỉ 100%), trong khi lại được lập ở hai thời điểm khác nhau”.

Luật sư Linh còn cho biết, “Có thể dễ dàng thấy, tại Bản kiểm điểm của bị cáo tại BL 70, nội dung tự kiểm có 553 từ và 52 dòng và tại bản kiểm điểm tại bút lục 71 cũng có 52 dòng, 557 từ.

Hai biên bản được coi là giống hệt nhau, “sinh đôi”, chỉ lệch nhau có 4 từ, còn lại tất cả các câu từ, cách hành văn, diễn giải, dấu chấm câu, dấu chấm phẩy đều được sắp xếp tất cả giống nhau.

“Tại sao hai biên bản lại có sự giống nhau đến lạ thường như thế, phải chăng có dấu hiệu của việc sao chép của 2 biên bản như trên?”, luật sư Linh đặt ra câu hỏi.

Luật sư Linh còn chỉ ra một điều vô cùng bất thường trong vụ án, điều tra viên không làm việc với bị can mà vẫn có biên bản làm việc.

Cụ thể, theo như hồ sơ vụ án, tại Bút lục số 89, ngày 28/08/2020, Điều tra viên Trần Trung Kiên – Cơ quan Cảnh sát điều tra công quận Tây Hồ đã tiến hành hỏi cung anh Cảnh, thời gian bắt đầu từ 10 giờ 00 phút ngày 28/8/2020 và kết thúc vào hồi 11 giờ 00 phút ngày 28/8/2020.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ việc, anh Cảnh luôn khẳng định nhất quán rằng, cả ngày 28/8/2020, bản thân anh không hề làm việc với Cơ quan điều tra như Bút lục 89 trong hồ sơ đã thể hiện.

Thay vào đó, ngày 28/8/2020, anh ở địa phương và đi xây cùng nhóm thợ xây tại xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ngày 28/8/2020, anh Cảnh ở quê, tất cả những người làm chứng đều khẳng định anh cùng tham gia đi phụ hồ ở quê thì không có việc anh Cảnh tham gia buổi làm việc trong ngày 28/8, tại sao lại có biển bản trên?

Để làm rõ vấn đề trên, luật sư đã tiến hành làm việc, ghi lời khai của những người được cho là đã đi cùng, làm việc cùng anh Cảnh trong ngày 28/10/2020.

Kết quả xác minh, toàn bộ những người làm chứng đều khẳng định ngày 28/8/2020, anh Lương Xuân Cảnh đi phụ hồ cùng họ.

“Với hệ thống lời khai nhất quán của những người chứng kiến, thì một lần nữa khẳng định anh Cảnh hoàn toàn không thể có mặt tại buổi làm việc ngày 28/8/2020”, LS Linh nhấn mạnh thêm một lần nữa.

Đồng thời, LS Linh còn cho biết, theo quy định tại Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về triệu tập bị can thì “Khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập” và “Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú”.

LS Linh đã tiến hành làm việc với chính quyền xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, tại Biên bản làm việc hồi 16 giờ ngày 16/10/2020, ông Trưởng Công an xã Xuân Đài cho biết: Tính đến ngày 16/10/2020, Công an xã Xuân Đài không nhận được bất kỳ Giấy triệu tâp/Giấy Báo/Giấy mời về việc tổ chức buổi hỏi cung với bị cáo Lương Xuân Cảnh vào ngày 28/8/2020.

Bản thân anh Cảnh cũng không hề hay biết về sự tồn tại của Biên bản hỏi cung bị can và Bản kiểm điểm ngày 28/8/2020.

“Sự tồn tại của tài liệu đề ngày 28/8/2020 này là vì trước đó anh Cảnh đã bị ép ký trước một số Giấy tờ trắng và có thể một trong số Giấy tờ ký trước được sử dụng làm chính Biên bản hỏi cung ngày 28/8/2020”, LS Linh nói.

Đối với Bản kiểm điểm của tôi tại BL 76 (có chữ ký, đóng dấu của ĐTV Trần Trung Kiên) qua quan sát, có thể nhận thấy ngày tháng của tài liệu này có thể đã bị chỉnh sửa, tẩy xóa. Nếu ngày tháng ghi nhận trên biên bản là ngày 28/8/2020.

“Anh Cảnh không thể có mặt tại trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra để lập bản tự khai. Nếu ngày tháng ghi nhận trên biên bản này không phải là ngày 28/8/2020, thì có hay không việc tẩy xóa ngày tháng, động cơ mục đích tẩy xóa ngày tháng là gì, ngày tháng ban đầu được thể hiện trên biên bản là ngày tháng nào và việc tẩy xóa ngày tháng này có làm sai lệch hồ sơ vụ án, hành vi phạm tội của tôi hay không?”, luật sư Linh đặt ra câu hỏi.

Cũng theo luật sư Đỗ Mạnh Linh, “Tất cả các biên bản hỏi cung đối với anh Cảnh tại trụ sở công an phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ đều không thực hiện bất kỳ một biện pháp ghi âm, ghi hình nào, cũng không giải thích cho bị cáo.

Ngoài ra, trong vụ án này, Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào lời khai được cho là “lời nhận tội tự nguyện” để buộc tội đối với bị cáo.

Trong khi, các thông tin về người bán, thông tin người mua, động cơ mục đích của bị cáo đến nay đều không được các Cơ quan tiến hành tố tụng xác minh làm rõ” như vậy có phải là sự lạm quyền ở đây, luật sư Đỗ Mạnh Linh tiếp tục đưa ra câu hỏi.

“Với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án không đủ căn cứ để quy kết ông Cảnh phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy.

Mong rằng, tòa cấp phúc thẩm cần đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ án, để đưa ra một phán quyết công minh, khách quan, đảm bảo lợi ích quyền lợi cho bị cáo”, luật sư Đỗ Mạnh Linh nhấn mạnh.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/sap-xet-xu-vu-tu-xe-om-tro-thanh-ke-buon-ma-tuy-can-xem-xet-ho-so-khach-quan-tranh-oan-sai-cho-nguoi-dan-d157769.html