Sapa khốn khổ vì thiếu nước: Do nhiều thủy điện?

Cần thực hiện nghiên cứu, so sánh giữa cái được và cái mất, phân tích thiệt hơn để cân nhắc nên giữ lại thủy điện hay nên xóa bỏ thì tốt hơn.

Nhiều ngày nay, Sapa đang rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Trong khi nhu cầu sử dụng nước tại Sapa từ 4.000 đến 6.500 m3/ngày thì nhà máy xử lý nước hiện chỉ cung cấp được 3.000 m3/ngày.

Người dân Sapa phải mua từng m3 nước với giá cắt cổ. Ảnh: TTXVN

Người dân Sapa phải mua từng m3 nước với giá cắt cổ. Ảnh: TTXVN

Các hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thị trấn Sapa đã cạn khô. Để đối phó với tình trạng trên, các nhà máy sản xuất nước phải cấp nước luân phiên theo giờ, mỗi lần 1-2 tiếng. Đời sống của người dân và các hộ kinh doanh bị đảo lộn. Nhiều khách sạn đóng cửa, không dám nhận khách. Một số gia đình và nhà hàng, khách sạn tại thị trấn Sapa đã mua nước do các cá nhân vận chuyển từ nơi khác đến với giá từ 500-550 nghìn đồng/m3.

Ngay cả bệnh viện cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn vì thiếu nước. Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Sapa cho biết, cả tuần nay nước đã không về.

Chỉ ra nguyên nhân, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho rằng, một phần do thời tiết không có mưa, nhưng nguyên nhân khác còn do tình trạng nước ngầm bị suy giảm và ảnh hưởng từ các thủy điện.

Theo vị PGS, tận dụng tiềm năng này để phát triển thủy điện là một hướng đúng. Nhưng xây dựng thủy điện với mật độ quá dày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế xã hội của người dân. Nhất là khi công tác quản lý, vận hành không được làm tốt, chính quyền địa phương không quản lý được các doanh nghiệp, hậu quả người dân sẽ phải gánh chịu.

"Việc suy cạn nước mặt ít nhiều có liên quan tới việc xây dựng các đập chứa hồ thủy điện. Khi xây dựng các đập thủy điện nguyên tắc số 1 là phải bảo đảm cung cấp đủ nước cho khu vực vùng hạ lưu. Tuy nhiên, vì vào mùa khô, cạn nước, các thủy điện tích nước để phát điện, chặn nguồn nước của dân khiến tình trạng thiếu nước khu vực hạ du càng thêm trầm trọng", vị PGS nói.

Chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về các chủ doanh nghiệp và chính quyền địa phương, vị PGS cho rằng, chính quyền địa phương phải kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các thủy điện xả nước phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo tìm hiểu, chi nhánh cấp nước Sapa hiện đang khai thác nước tại 4 nguồn: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha với tổng công suất được phép khai thác là 6.460 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong 4 nguồn nước này thì nguồn từ Nhà Pha và Suối hồ 1 đã cạn kiệt. Lượng nước về Hồ Thác Bạc cũng cạn dẫn đến khai thác không được nhiều.

Trong khi đó, ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết, trên địa bàn hiện có một loạt thủy điện lớn nhỏ. Nếu tính cả các dự án đang được nghiên cứu, Sapa có tới 20 dự án thủy điện với tổng công suất 345,6MW.

Cân nhắc thiệt hơn

Nhấn mạnh vai trò của các thủy điện trong việc điều hòa nguồn nước, hạn chế ngập lụt và cung cấp nguồn nước vào mùa khô... nhưng PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng, khi xây dựng thủy điện với mật độ quá dày, cùng với việc chặt phá rừng bừa bãi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế xã hội của người dân.

Vị chuyên gia lo ngại, hậu quả mà người dân Sapa đang gánh chịu là tác động điển hình nhưng chưa phải là tất cả. Hơn nữa, Sapa còn là một thành phố du lịch

Do đó, cần thực hiện nghiên cứu, so sánh giữa cái được và cái mất, phân tích thiệt hơn để cân nhắc nên giữ lại thủy điện hay nên xóa bỏ thì tốt hơn.

Theo đó, vị PGS kiến nghị giải pháp khắc phục đầu tiên là phải trồng lại rừng, tiếp đến là rà soát lại quy hoạch các thủy điện, phải xóa bỏ các dự án không phù hợp và chỉ giữ lại những thủy điện bảo đảm được lợi ích chung.

Bên cạnh đó, cũng phải quản lý chặt chẽ, buộc các thủy điện vận hành đúng quy trình.

Song song với đó, chính quyền địa phương phải có giải pháp kéo nước từ nơi khác về để phục vụ ngay cho nhu cầu đời sống của người dân.

Khách Tây ăn xong bỏ chạy ở Sapa: Trích xuất camera

Còn theo tiến sĩ Lưu Đức Hải, Chủ nhiệm khoa Môi trường, ĐH Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, tác động tiêu cực dễ nhận thấy nhất mà thủy điện sẽ gây ra ở Sapa là sự thay đổi cảnh quan tại nhiều danh thắng mà sông suối chảy qua như bản Hồ, bản Tả Van, suối Mường Hoa, suối La Ve… làm suy giảm lợi nhuận du lịch. Hồ chứa của thủy điện sẽ chiếm một diện tích đất không nhỏ, mà trong quá khứ có thể là đất canh tác nông nghiệp của người địa phương.

Mặt khác, việc xây dựng các công trình thủy điện cũng làm đảo lộn môi trường sinh thái. Từ sông suối có mực nước thấp, dòng chảy mạnh, khi trở thành những hồ chứa nước có mực nước sâu, dòng chảy yếu, sinh ra nhiều khí metal, nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt. Việc đắp đập sẽ khiến nhiều loài cá không thể di chuyển đến khu vực sinh đẻ, không còn chỗ tái sinh các thế hệ tiếp theo và có nguy cơ biến mất trên sông suối.

Theo tiến sĩ Lưu Đức Hải, việc quy hoạch nghiên cứu xây dựng các công trình thủy điện phải giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực này, mà thủy điện gây ra cho môi trường và dân cư.

“Không thể vì phát triển thủy điện mà ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động du lịch. Có phát triển bền vững thì chúng ta mới duy trì được môi trường tài nguyên cho thế hệ mai sau hưởng thụ”, tiến sĩ Hải nói.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/sapa-khon-kho-vi-thieu-nuoc-do-nhieu-thuy-dien-3378743/