'SARS-CoV-2 đột biến là điều đã được dự báo'

Nhiều chuyên gia đánh giá sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 mới là điều tất yếu, đã được dự báo từ trước, thậm chí, tốc độ của nó còn chậm hơn nhiều virus khác.

Biến chủng SARS-CoV-2 mới từ Anh, sau đó là Nam Phi, Brazil, Mỹ và Nhật Bản đang trở thành tâm điểm cho các ca mắc Covid-19 trên thế giới. Nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm cảnh báo 6-14 tuần tới có thể là thời kỳ “đen tối nhất” của đại dịch nếu chúng ta không cảnh giác với loại virus bí ẩn này.

Dù vậy, nhiều người vẫn lầm tưởng về các biến chủng mới, khiến chúng ta mất đi sự bình tĩnh, tỉnh táo trong công cuộc chống dịch.

Virus biến chủng là điều tất yếu

Hàng loạt tin tức liên quan biến chủng SARS-CoV-2 mới khiến nhiều người cho rằng sự xuất hiện này là bất thường. Tuy nhiên, giới nghiên cứu đánh giá đây là điều tất yếu xảy ra.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các virus liên tục thay đổi do đột biến. Biến chủng mới của virus sẽ xuất hiện theo thời gian nó tồn tại. SARS-CoV-2 cũng tương tự.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giới chức y tế và các chuyên gia đã sẵn sàng cho phương án virus gây bệnh Covid-19 biến chủng.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em Priya Soni, Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, Los Angeles, Mỹ, cho biết: “SARS-CoV-2 đột biến, hình thành các biến chủng mới là điều đã được dự báo từ trước. Thậm chí, nCoV dường như đột biến với tốc độ chậm hơn so với virus khác, chẳng hạn cúm mùa”.

Bà Soni nhận định biến chủng mới B117 được phát hiện vào tháng 11 ở Anh nhưng nó đã ở trên cơ thể của nhiều bệnh nhân Covid-19. CDC cũng lưu ý một số biến chủng như loại được phát hiện ở Nam Phi, đã xuất hiện vài tháng trước khi giới khoa học và báo chí thông tin về nó.

Nhóm y tế đang làm việc ở Nam Phi, nơi một biến chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện. Ảnh: Getty.

Cơ chế tạo biến chủng của virus

Theo The Wall Street Journal, tương tự các mầm bệnh khác, nCoV lây lan bằng cách nhiễm virus vào tế bào, sau đó nhân lên bên trong chúng. Virus tạo ra các bản sao của chính nó và xâm nhập khắp cơ thể. Trước khi bị hệ miễn dịch đào thải, virus đã kịp lây nhiễm sang người khác.

Trong quá trình xâm nhập cơ thể và lây sang người khác, virus liên tục sao chép mã di truyền. Quá trình này còn được gọi là virion, tương tự cách cha mẹ dạy cho đứa con các đặc điểm di truyền của mình. Nhưng không phải lúc nào các bản sao chép cũng được giữ nguyên 100%.

Đôi khi, trong lúc sao chép, chúng gặp phải một số sai lầm, tương tự lỗi đánh máy mà con người hay gặp phải. Lỗi sai này thường là sự thay đổi những cặp đột biến, bazo trong bộ gene. Chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng khiến virus đột biến, tạo nên biến chủng mới.

Một số virus cấu tạo mã di truyền là các DNA và phân tử mang thông tin di truyền khác. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 và những virus của nhánh corona dựa trên cơ sở là RNA.

Bà Steinberg, Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein, Northwell Health, Mỹ, cho biết hầu hết virus thuộc nhóm RNA đều thiếu mất proetin hiệu đính. Đây là loại giúp chúng kiểm tra lỗi và sửa chữa.

Vì vậy, chúng lây lan càng nhiều, các "lỗi chính tả" tích lũy càng gia tăng. Không có "người soát lỗi" và sửa chữa, "lỗi chính tả" tích lũy ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng SARS-CoV-2 đang biến đổi chậm hơn bình thường, với số người mắc như hiện tại.

Y tá chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 Pfizer cho một người cao tuổi tại Anh vào tháng 12/2020. Ảnh: Zuma Press.

Vineet Menachery, chuyên gia về virus corona tại Đại học Y khoa Texas, Mỹ, nhận định protein hiệu đính cũng góp phần khiến kích thước của SARS-CoV-2 tăng gấp 3 lần. Điều đó đồng nghĩa chúng có thể mã hóa nhiều protein hơn, tạo cơ hội kháng lại kháng thể và các phản ứng miễn dịch.

Một số nhà khoa học cho rằng ở trong cơ thể của những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, virus biến chủng và sinh sản trong thời gian dài, càng tạo cơ hội để nó tích lũy nhiều đột biến hơn. Những đột biến trong biến chủng có thể làm thay đổi về di truyền, bộ gene. Bộ gene của SARS-CoV-2 có khoảng 30.000 cặp bazo (đột biến). Chỉ cần một trong số bazo này thay đổi, nó đã tạo ra một biến chủng mới.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết tỷ lệ lây nhiễm cao trong dân số cũng khiến nguy cơ xuất hiện các biến chủng nhiều hơn, có khả năng gây hại hơn.

Cảnh giác nhưng không quá hoang mang

Trên thực tế, virus đã hình thành vài nghìn biến chủng khác nhau. Chỉ cần thay đổi một hoặc vài đột biến/cặp bazo, virus đã thành biến chủng mới. Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng mạnh mẽ. Nhiều biến chủng xuất hiện và biến mất sau đó, đặc tính không điển hình.

Đến thời điểm này, không ai dám chắc chắn về việc biến chủng mới của nCoV có độc lực mạnh hơn những loại trước đó. Gần đây, giới chức Anh cảnh báo biến chủng B117 tại quốc gia này có thể gây tử vong cao hơn 30-40% so với chủng cũ. Điều này trái ngược với đánh giá ban đầu của họ rằng B117 chỉ đơn giản là có khả năng lây lan cao hơn tới 70% với thông thường.

Về con số 30-40% nói trên, Cố vấn khoa học của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, giải thích trong mỗi 1.000 người 60 tuổi nhiễm chủng virus này, có thể 13 đến 14 người sẽ thiệt mạng. Trong khi với chủng virus ban đầu, tỷ lệ tử vong là 10/1.000.

Tuy nhiên, ông Patrick nói thêm: "Những dữ liệu này hiện không chắc chắn, chúng tôi không có ước tính chính xác về việc liệu đây có phải con số gia tăng tổng thể hay không".

CDC cảnh báo các biến chủng xuất hiện "dễ lây lan và nhanh chóng hơn có thể dẫn đến nhiều người nhiễm virus hơn". Cơ quan này nhận định đây cũng là cơ sở khiến ca nhập viện tăng và số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tăng theo.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sars-cov-2-dot-bien-la-dieu-da-duoc-du-bao-post1179355.html