SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến

Các biến thể mới đang xuất hiện. Mặc dù chúng chưa có tên tiếng Hy Lạp riêng, nhiều biến thể của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng.

 SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục xuất hiện biến chủng mới trong tương lai. Ảnh: jinzhou_lin.

SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục xuất hiện biến chủng mới trong tương lai. Ảnh: jinzhou_lin.

Trong 2 năm đầu xảy ra đại dịch Covid-19, cứ vài tháng, một biến thể mới của virus corona xuất hiện. Mười biến thể được đặt tên theo chữ cái Hy Lạp - từ Alpha đến Mu - đã khiến hàng triệu người tử vong.

Sau đó, vào tháng 11/2021, Omicron, phiên bản rất khác của SARS-CoV-2, xuất hiện. Trong 10 tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đặt tên cho bất kỳ biến thể mới nào. Điều này đặt ra câu hỏi: Có phải virus đã ngừng phát triển?

Tuy nhiên, trên thực tế, trong tháng 9, mỗi ngày, Mỹ vẫn ghi nhận ít nhất 300 ca tử vong cùng 50.000 ca mắc mới. Tất cả đều do các dòng phụ mới của Omicron: BA.2, BA.2.12 gây ra .1, BA.4., BA.5. Tỷ lệ lây nhiễm ở những người dân tại viện dưỡng lão Mỹ tăng gấp 9 lần kể từ cuối tháng 4 và đến tháng 8, tỷ lệ tử vong ở nhóm này gần như tăng gấp 4 lần, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Viện Chính sách Công AARP và Trung tâm Lão khoa Scripps tại Đại học Miami ở Ohio.

Ở Vương quốc Anh (thường là nơi báo trước xu hướng Covid-19 ở Mỹ), số lượng ca mắc Covid-19 có triệu chứng tăng đều đặn kể từ ngày 27/8 - ngày con số đạt mức thấp nhất trong năm nay.

Mặc dù WHO đã không dùng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho bất kỳ biến thể Omicron nào gần đây, các chuyên gia lo ngại những biến thể này có thể làm suy yếu tác dụng của vaccine và phương pháp điều trị hiện tại, dẫn đến đợt bùng phát khác.

Virus corona liên tục phát triển, đột biến. Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 200 dòng phụ của biến thể Omicron mới hơn và các dẫn xuất của chúng. Olivier Schwartz, người đứng đầu Đơn vị Virus & Miễn dịch tại Viện Pasteur, Paris cho biết: “Quá trình tiến hóa của SARS-CoV-2 vẫn chưa kết thúc”.

Marion Koopmans, Giám đốc Trung tâm Hợp tác của WHO về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và là thành viên nhóm thăm dò nguồn gốc của đại dịch Covid-19 thuộc tổ chức này, cho biết: “Tình hình đã tốt hơn nhiều so với trước đây”.

Nhưng bà cảnh báo với mùa thu và mùa đông đang đến gần, chúng ta nên chuẩn bị cho một đợt sóng lớn khác. "Một vận động viên marathon không giảm tốc độ trước khi về đích”, bà Koopmans ám chỉ.

Người dân Israel tiêm phòng Covid-19. Ảnh: AP.

Các biến thể SARS-CoV-2 vẫn đang phát triển

Trong quá trình lây nhiễm, SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến, tạo ra nhánh mới, được gọi là biến thể.

Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học đứng đầu nhóm phản ứng Covid-19 tại WHO, khẳng định: “Càng lây lan, SARS-CoV-2 càng thay đổi".

Các nhà khoa học cũng tin các biến thể giống Omicron có thể tiến hóa trong cơ thể những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương.

Một số đột biến có thể giúp một biến thể lây lan dễ dàng hoặc gây bệnh nặng hơn. Một số khác lại giúp virus né khả năng miễn dịch từ việc tiêm vaccine hoặc nhiễm nCoV trước đó, khiến việc phát hiện ca mắc khó hơn. Những đột biến này cũng có thể vô hiệu hóa phương pháp điều trị hiện tại. Trong những trường hợp này, WHO sẽ xác định đây là biến thể đáng lo ngại.

Hồi tháng 5/2021, WHO bắt đầu xác định các biến thể cần quan tâm hoặc đáng lo ngại theo chữ cái Hy Lạp. “Nhưng WHO không đặt tên cho tất cả biến thể. WHO chỉ đặt tên cho một biến thể khi lo ngại nó tạo ra nguy cơ mới, yêu cầu phản ứng mới từ cộng đồng để ứng phó", Anurag Agrawal, Trưởng nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về Tiến hóa Virus, cho hay.

Hiện tại, tất cả dòng phụ của Omicron đều được coi là các biến chủng cần quan tâm vì chúng có chung các đặc điểm: Dễ lây lan, có thể né tránh khả năng miễn dịch trước đó. Nhưng may mắn, việc nhiễm biến thể phụ Omicron vẫn đủ làm giảm nguy cơ tái nhiễm với biến thể khác. Van Kerkhove cho biết các biến thể phụ cũng không gây ra rủi ro lớn hơn Omicron mẹ.

Các biến thể Omicron cho thấy bước tiến hóa nhảy vọt

Sự xuất hiện của Omicron cách đây chưa đầy một năm thể hiện sự thay đổi lớn trong quá trình SARS-CoV-2 đột biến. Hơn một nửa số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới kể từ tháng 11/2021 rất có thể do một trong 5 biến thể phụ của Omicron (BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5) gây ra.

Với khả năng né tránh miễn dịch của Omicron từ các biến thể trước đó, nó khiến các nhà khoa học, bao gồm cả Schwartz, đề xuất Omicron cần được coi như một biến thể riêng biệt của SARS-CoV-2. Điều này tương tự virus cúm có 3 loại: Cúm A, B và C.

Trong vài tháng gần đây, Omicron BA.2 đã tạo ra một loạt các biến thể phụ bao gồm BA.2.75, BA.2.10.4, BJ.1 và BS.1. Những biến thể này, một số mang hàng chục đột biến mới, khác với biến thể BA.2 gốc đến mức các nhà khoa học gọi chúng là biến thể “thế hệ thứ hai”. Một biến thể thế hệ thứ hai đại diện cho sự đột biến lớn so với các dòng biến thể trước đó mà không có các bước trung gian nhỏ.

Thomas Peacock, nhà virus học tại Đại học Imperial London, cho biết trên quy mô tiến hóa, các biến thể mới lan truyền, chẳng hạn BA.2.75, khác với Omicron ban đầu hơn là Alpha, Beta, Gamma và Delta là từ các chủng tổ tiên.

Theo Schwartz, BA.2.75.2 có thể là biến chủng đáng lo ngại hơn so với BA.2.75. Nó dễ dàng chống lại các kháng thể được tạo ra từ vaccine hay lần mắc trước.

Mặc dù WHO có thể không dùng chữ cái Hy Lạp đặt tên riêng cho những biến chủng mới này, Yunlong (Richard) Cao, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng rõ ràng, chúng ta không thể nói không có biến thể mới nào xuất hiện kể từ tháng 11/2021.

BA.5 đang chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia. Tiếp theo đó là BA.2.75. Cả hai đều có thể thoát khỏi hệ thống miễn dịch của những người đã được tiêm chủng và hoặc từng mắc Covid-19.

"Chúng ta có thể thấy SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa", Koopmans nói.

Giới khoa học cũng đang tranh cãi về việc có nên gộp tất cả biến thể phụ của Omicron lại với nhau không. Mặc dù các dòng Omicron BA.1, BA.2 và BA.5 đủ gần để được gọi là Omicron, một số nhà khoa học nghĩ rằng các biến thể mới đủ đặc biệt để được đặt tên mới theo chữ cái Hy Lạp.

Peacock lập luận: “Một số biến thể virus mới cũng khác biệt về mặt di truyền so với các biến thể ban đầu. Vì vậy, tôi không rõ gom chúng vào biến thể Omicron sẽ mang lại lợi ích gì".

Tuy nhiên, các chuyên gia WHO không nghĩ vậy. Van Kerkhove nói: “Nếu bất kỳ biến thể hoặc biến thể phụ nào được xác định là khác biệt đáng kể so với các biến thể hoặc biến thể phụ khác của Omicron, chúng sẽ được gán tên mới. Nhưng hiện tại, tất cả biến thể con này đều được coi là Omicron. Chúng đều là các biến thể cần quan tâm và yêu cầu các hành động tăng cường ở các quốc gia”.

Agrawal cho biết vì không có dữ liệu đáng tin cậy để chỉ ra rằng các biến phụ Omicron mới nghiêm trọng hơn những loại khác. Do đó, họ không thay đổi khuyến cáo đối với cộng đồng trong việc phòng, chống Covid-19.

Dù vậy, Van Kerkhove khẳng định chúng ta cần chẩn đoán, chăm sóc lâm sàng sớm, sử dụng các liệu pháp điều trị sẵn có và tiêm chủng thích hợp để giảm sự lây lan của virus, giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới,

“Chúng ta có thể sống chung với Covid-19 một cách cảnh giác và thực hiện các biện pháp đơn giản để giảm sự lây lan, chẳng hạn giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thông gió, khử khuẩn tay, ở nhà nếu không có dấu hiệu nhiễm virus”, Kerkhove nói.

Hơn 27 năm phát triển tại thị trường Việt Nam với sứ mệnh cao cả "Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn", Lifebuoy là sản phẩm diệt khuẩn bán chạy hàng đầu đã và đang đóng góp vào sứ mệnh phòng chống dịch bệnh. Bằng cách lan tỏa thói quen rửa tay và giữ gìn vệ sinh cá nhân, Lifebuoy hướng đến nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, an toàn cho cả cộng đồng.

Cùng Lifebuoy đánh bay nỗi lo bệnh truyền nhiễm và an toàn chung sống với dịch Covid-19. Lifebuoy chưa? Lifebuoy đi!

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sars-cov-2-tiep-tuc-dot-bien-post1360566.html