Sát cánh cùng ngư dân, chủ động phòng, chống tội phạm

Cần làm gì để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo và tạo sự vững tin cho ngư dân vươn khơi? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4 về nội dung này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên vùng biển phía tây nam hiện nay như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Minh: Vùng biển phía tây nam do Vùng CSB 4 quản lý có phạm vi từ bờ Bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh) đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Đây là vùng biển tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cũng là cửa ngõ kết nối với 4 eo biển quan trọng ở phía nam là Malacca, Sundan, Lombok và Makascha nên có các tuyến hàng hải quốc tế với lưu lượng tàu hoạt động tương đối lớn. Ngoài ra, địa bàn còn có hơn 6.000 tàu cá công suất từ 90CV trở lên đánh bắt xa bờ và nhiều tàu hàng hoạt động theo các tuyến thủy nội địa nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu lớn.

Bên cạnh hoạt động làm ăn hợp pháp của ngư dân trên biển, các hoạt động phi pháp cũng như tình hình tội phạm vẫn diễn biến khá phức tạp, như: Trốn thuế, tội phạm về ma túy; các hành vi vi phạm quy định về ANTT, an toàn hàng hải, lâm thủy sản, tàu cá của ngư dân thường xuyên qua lại đánh bắt hải sản trái phép. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển vẫn diễn ra với phương thức, tính chất tinh vi và phức tạp; đặc biệt là tình trạng buôn lậu xăng dầu.

 Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân neo đậu tại xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân neo đậu tại xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

PV: Vậy đơn vị đã có các giải pháp gì để quản lý tốt vùng biển được giao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Văn Minh: Trước hết, chúng tôi luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, nhất là tàu thuyền, phương tiện trực. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng nghiệp vụ trinh sát trong việc nắm tình hình tội phạm, vi phạm; chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan nắm chắc mọi diễn biến tình hình trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xử lý nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra trên biển.

Đơn vị cũng tăng cường giáo dục pháp luật, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Trong huấn luyện, chúng tôi lấy nhiệm vụ “Bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng CSB chính quy, hiện đại” làm mục tiêu; huấn luyện thành thạo phương án bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phương án chống cướp biển, cướp có vũ trang, buôn lậu, gian lận thương mại…

Với những cách làm trên, những năm qua, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, giữ vững ANTT, an toàn hàng hải, tạo môi trường thuận lợi để nhân dân yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển.

PV: Bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng cứu ngư dân khi có các tình huống xảy ra được đơn vị triển khai ra sao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Văn Minh: Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 luôn xác định: Cứu hộ, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là “mệnh lệnh của trái tim”, khẳng định hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ CSB trong lòng nhân dân. Chính vì thế, thời gian qua, khi có trường hợp cần hỗ trợ, ứng cứu, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của Vùng CSB 4 luôn thực hiện với phương châm “Cứu người bị nạn như cứu người thân của mình”…

Để làm tốt nhiệm vụ này, chúng tôi thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, huấn luyện cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng làm việc tốt trong điều kiện sóng to gió lớn; dự đoán trước tình hình để lên phương án ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, chúng tôi cũng tổ chức luyện tập thành thạo các bảng bố trí chiến đấu, nhất là bảng lai kéo, cứu người rơi xuống nước, chống cháy, chống chìm… Công tác chuẩn bị phương tiện tàu thuyền, trang bị cứu hộ, cứu nạn luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu để sẵn sàng rời bến thực hiện nhiệm vụ ngay khi ngư dân cần hỗ trợ, ứng cứu.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐỨC TUẤN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/sat-canh-cung-ngu-dan-chu-dong-phong-chong-toi-pham-577197