Sát cánh cùng người dân biên cương

Những năm qua, BĐBP Lai Châu luôn quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là 'dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống'. BĐBP Lai Châu đã đi sâu, đi sát xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với trình độ và tập quán của người dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để xây dựng vùng biên giàu mạnh, thực sự trở thành 'lá chắn thép' bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pả Ủ luôn đồng hành, giúp đỡ, hướng dẫn bà con ở Pa Ủ phát triển chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Phương Loan

Để tìm hiểu hơn nữa về những việc làm ý nghĩa và thiết thực của BĐBP Lai Châu trong việc giúp dân phát triển kinh tế, vượt qua quãng đường đèo dốc quanh co hiểm trở gần 200km từ thành phố Lai Châu đến xã Pa Ủ, chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của vùng đất miền biên viễn từng được biết đến là vùng lõi nghèo và lạc hậu của huyện Mường Tè.

Xã Pa Ủ có 870 hộ, với 3.753 nhân khẩu, trong đó, người La Hủ chiếm hơn 98%; có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ chiếm tới 95%. Nhưng bây giờ, khắp vùng biên Pa Ủ xuất hiện ngày một nhiều hộ gia đình giàu có và các mô hình làm kinh tế giỏi, điều mà mấy năm trước, nhiều người dân Pa Ủ chưa bao giờ nghĩ tới.

Kết quả đó có công sức rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xuống núi lập bản, hướng dẫn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi... nên tỷ lệ đói nghèo hiện giảm xuống còn hơn 77% theo tiêu chí mới. Đáng kể nhất là Pa Ủ đã phát triển được gần 300ha cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao như: Sâm, thảo quả, sa nhân, quế, cam, mận...

Ông Đao Văn Thức, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ cho biết: “Tập quán, đời sống của người La Hủ ở Pa Ủ ngày xưa là du canh, du cư dựa vào tự nhiên để sinh sống, kiếm ăn từng ngày và dựng lán, lấy lá chuối làm mái, cứ khi lá chuối vàng và héo úa thì bà con lại chuyển chỗ khác làm lán để ở, từ đó, La Hủ còn được gọi là dân tộc “lá vàng”.

Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ vẫn nhớ như in những ngày đầu vận động bà con định canh, định cư để đón 67 hộ gia đình về đây ở. Chính quyền rồi đồn Biên phòng phải tập trung làm nhà cho bà con. Hiện nay, được sự đầu tư và kêu gọi của các cấp, các ngành thì cơ bản bà con ở Pa Ủ đã ổn định cuộc sống. Đảng ủy và UBND xã Pa Ủ cũng đang tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi từ việc trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rừng và trồng cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: “Nhận thấy địa bàn có lợi thế về chăn thả gia súc, đơn vị đã tham mưu và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình thí điểm chăn nuôi bò tập trung ở đồn. Sau đó, hướng dẫn bà con làm chuồng trại, trồng cỏ voi, chăn thả bò và cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

Hiện nay, đơn vị đã bàn giao 12 con bò cho 12 hộ dân có điều kiện chăn thả và chăm sóc tốt nhất. Mô hình trồng lúa nước cũng được đơn vị triển khai từ năm 2017-2018 và cử cán bộ, chiến sĩ xuống bản trực tiếp cùng làm với bà con. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn đóng góp gần 20 triệu đồng mua đường ống nước và phân bón, thuốc trừ sâu để đảm bảo cho mô hình triển khai đạt hiệu quả”.

Có nhiều hộ ở Pa Ủ nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chiến sĩ quân hàm xanh đã thay đổi nhận thức, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống rất khá giả. Có thể kể đến như gia đình anh Pờ Lò Hừ, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Pha Bu.

Anh Pờ Lò Hừ vui mừng chia sẻ với cán bộ Biên phòng về chiếc xe ô tô tải mà gia đình anh mua để phục vụ sản xuất và kinh doanh. Ảnh: Phương Loan

Anh Pờ Lò Hừ cho biết: “Khi gia đình còn du canh, du cư, đời sống rất khó khăn, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và BĐBP giải phóng mặt bằng, thành lập bản Pha Bu, rồi hỗ trợ bà con xây nhà, hướng dẫn phát triển kinh tế, dần dần, kinh tế của gia đình tôi được ổn định, có của ăn của để. Hiện tại, gia đình tôi nuôi 70 con bò, 50 con trâu, trồng tam thất, sâm theo mô hình nhà kính, thu nhập hằng năm từ 150-200 triệu đồng. 4 người con của tôi đều được đi học. Gia đình tôi mới mua xe ô tô tải trên 500 triệu đồng để phục vụ sản xuất và kinh doanh".

Không chỉ ở Pa Ủ, các đơn vị khác thuộc BĐBP Lai Châu cũng đã có nhiều giải pháp để duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả, năng suất các mô hình: Bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ, lúa nước, trồng sả lấy tinh dầu, trồng chuối, chăn nuôi gia súc tập trung... để giúp nhân dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có thêm sinh kế, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Điển hình như mô hình nuôi gia súc tập trung (Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng); trồng chuối thương phẩm, “Lũy tre biên thùy” (Đồn Biên phòng Huổi Luông); nuôi dê sinh sản tại các xã Pa Vây Sử, Mồ Sì San, nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Pa Vây Sử (Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải); mô hình trồng cây sa nhân, mắc ca tại các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện Mường Tè...

Những việc làm thiết thực của BĐBP Lai Châu đã góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng vùng biên Lai Châu ngày càng giàu đẹp.

Phương Loan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sat-canh-cung-nguoi-dan-bien-cuong-post462277.html