Sát cánh cùng người dân trong mưa lũ

Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn các tỉnh Ðác Lắc, Lâm Ðồng có mưa lớn, nhất là tại một số huyện như: Buôn Ðôn và Ea Súp (Ðác Lắc), Ðạ Tẻh, Cát Tiên, Ðạ Huoai, Lạc Dương, TP Bảo Lộc (Lâm Ðồng), mưa to khiến nước lũ dâng cao, làm chia cắt nhiều tuyến giao thông, hàng trăm ngôi nhà, hàng nghìn héc-ta cây trồng bị ngập; nhiều gia súc bị cuốn trôi. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực hỗ trợ người dân, di dời đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Lực lượng cứu hộ tiến hành sơ tán người dân bị mắc kẹt trong nước lũ ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Ðồng). Ảnh: KHÁNH PHÚC

Lực lượng cứu hộ tiến hành sơ tán người dân bị mắc kẹt trong nước lũ ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Ðồng). Ảnh: KHÁNH PHÚC

Sáng 8-8, trên dọc tuyến tỉnh lộ 1 từ TP Buôn Ma Thuột đến hai huyện biên giới Buôn Ðôn và Ea Súp vẫn còn nhiều điểm ngập sâu trong nước lũ, gây khó khăn cho việc đi lại. Tại các điểm ngập lụt đoạn qua xã Ea Wer và Ea Huar (huyện Buôn Ðôn), các lực lượng chức năng của huyện phối hợp chính quyền địa phương bố trí người túc trực, kịp thời hỗ trợ người dân di chuyển và cắm biển cấm xe lưu thông nhằm bảo đảm an toàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Ðôn Dương Văn Xanh cho biết, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống các xã chỉ đạo ứng phó, hỗ trợ di dời người dân và tài sản ở vùng ngập lụt đến nơi khô ráo, an toàn.

Tại huyện Ea Súp, mưa lũ đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Ông Lương Sỹ Tăng 64 tuổi, ở xã Ea Rốc, huyện Ea Súp cho biết: Khoảng 17 giờ ngày 6-8 trời bắt đầu mưa lớn. Ðến rạng sáng 7-8 nước lũ tràn vào nhà. Nước dâng lên rất nhanh, gia đình chỉ kịp sơ tán những đồ đạc trong nhà, còn gia cầm, ao cá đã bị nước cuốn trôi sạch. Ngoài ra, hơn 1 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch đã bị nước nhấn chìm, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Văn Phúc, ở thôn 6, xã Cư Mlan cho hay, mưa lớn khiến nước dâng cao làm ngập nhà trong đêm khiến nhiều gia đình trong thôn không kịp trở tay. Hàng trăm con gia súc, gia cầm của bà con bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, nhà tôi bị trôi một đàn vịt và hai con lợn...

Ðể đối phó lũ dữ, trong những ngày qua, UBND huyện Ea Súp đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tổ chức di dời người dân cùng tài sản, gia súc, gia cầm đến vùng an toàn. Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Ea Súp, đến hết ngày 7-8 toàn huyện có hơn 6.000 ha cây trồng các loại bị ngập, chủ yếu là lúa nước, ngô, sắn và rau màu ngắn ngày; 614 nhà bị ngập; 1.378 con gia súc, gia cầm bị chết... Ngoài ra, có một xe máy, một xe công nông bị nước lũ cuốn trôi, một nhà văn hóa bị gió cuốn bay mái tôn, nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt; hầu hết các hệ thống kênh mương bị ngập, sạt lở gồm khoảng 14 km kênh chính Ðông, kênh chính Tây; 35 km kênh cấp 1... ước tính thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng. Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, đến sáng 8-8 vẫn còn bốn xã là Ea Rốc, Ia J’Lơi, Ia Lốp, Ia Rvê đang bị chia cắt do ngập lụt, người và phương tiện chưa lưu thông được. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng chức năng như công an, quân đội, thanh niên cùng nhân dân tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn sau khi nước rút phải nhanh chóng tổ chức tiêu độc, khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống nhân dân, kiên quyết không để đồng bào bị đói trong những ngày mưa lũ và dịch bệnh xảy ra khi lũ rút.

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ðác Lắc, tính đến trưa 8-8, trên địa bàn hai huyện Buôn Ðôn và Ea Súp đã có 768 ngôi nhà bị ảnh hưởng và hàng nghìn héc-ta cây trồng các loại bị ngập úng. Trong đó, có 20 hộ dân vùng nguy hiểm thuộc bốn xã của huyện Buôn Ðôn gồm: Ea Wer, Ea Huar, Krông Na và Ea Bar đã được di dời đến nơi an toàn. Mưa lũ đợt này cũng đã khiến một người chết vào ngày 7-8 là ông Hoàng Trung Tùng sinh năm 1954, trú tại thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar.

Mưa lớn kéo dài trong hai ngày 7 và 8-8 đã gây ngập nặng trên địa bàn thôn Ðạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương). Ðến chiều 8-8, huyện đã huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn giải cứu an toàn hơn 40 người dân bị mắc kẹt do nước lũ cô lập. Tại thôn Ðan Kia, một cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lạc Dương cho biết, dù gặp khó khăn khi mực nước lũ còn cao, chảy xiết, nhưng khu vực này có hai gia đình đang bị cô lập, cho nên bằng mọi giá chúng tôi phải đưa được họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Thống kê ban đầu, tại huyện Lạc Dương, 65 căn nhà bị ngập, hư hỏng; hơn 100 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, 73 ha nhà kính sản xuất nông nghiệp bị ngập; hơn 310 tấn cá tầm bị thiệt hại; ước thiệt hại về nhà ở, tài sản của người dân hơn 87 tỷ đồng.

Chiều 8-8, gần một ngày sau cơn lũ đi qua, một số tuyến đường tại huyện Lạc Dương nước chưa rút hết, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn ngập úng. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh cùng các lực lượng địa phương vào xã vùng sâu Ðưng Knơh giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Ghi nhận ban đầu, tại xã Ðưng Knơh, có tám căn nhà bị sập, khoảng 20 điểm sạt lở trên các tuyến giao thông nội bộ, liên xã. "Những khu vực bị thiệt hại nặng và những công trình công cộng, huyện huy động lực lượng quân đội, dân quân, công an, đoàn thanh niên... tham gia hỗ trợ khắc phục", đồng chí Lê Chí Quang Minh cho biết.

Ghi nhận tại huyện Ðạ Tẻh, mưa lớn trong ba ngày qua gây ngập nặng trên diện rộng. Thống kê ban đầu, toàn huyện có 113 ngôi nhà bị ngập, 57 hộ phải di dời; hơn 760 ha cây trồng (lúa, dâu tằm, cây lâu năm…) bị nhấn chìm. Nhiều tuyến đường, cầu cống ngập sâu khiến giao thông đi lại khó khăn. Tại huyện vùng sâu Cát Tiên, sáu địa phương bị ngập úng, nhiều khu vực bị nước lũ chia cắt. Trong đó, nặng nhất là xã Tiên Hoàng, 73 ngôi nhà và một trường học bị ngập sâu từ 0,3 đến 0,7 m;
đường đến thôn 1 bị chia cắt; 140 ha lúa bị nhấn chìm. Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Bùi Văn Hùng cho biết: Ðịa phương đã triển khai thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Khi xảy ra mưa lũ, lãnh đạo huyện đã trực tiếp đến những địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống. Hiện nước đang rút, chúng tôi chỉ đạo các địa phương triển khai giúp người dân khắc phục hậu quả, tiến hành thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ theo quy định.

Mưa lũ cũng khiến một số khu vực ở các xã Ðại Lào, Lộc Châu (TP Bảo Lộc) bị ngập. Thông tin ban đầu, tại xã Lộc Châu bị ngập khoảng 100 ha cây trồng và hơn 200 ngôi nhà. Chủ tịch UBND xã Lộc Châu Vũ Hoàng Tập cho biết, địa phương đã huy động lực lượng công an, dân quân, đoàn thanh niên giúp nhân dân chống lũ. Không may, sáng 8-8, trong quá trình cùng cơ quan chức năng địa phương đi khơi thông ống cống chống ngập trên địa bàn xã, một công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, bị chết do lũ cuốn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Ðồng, đến chiều 8-8 đã có hơn 1.660 ngôi nhà bị ngập lụt; hơn 2.400 ha cây trồng bị ngập úng; nhiều công trình công cộng, đường giao thông… bị hỏng. Hiện, các huyện, thành phố bị ảnh hưởng lũ lụt đang tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại trên địa bàn để có biện pháp khắc phục, hỗ trợ kịp thời.

NGUYỄN CÔNG LÝ và MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41151002-sat-canh-cung-nguoi-dan-trong-mua-lu.html