Sát hại tướng Iran, TT Trump khiến Mỹ không còn đường lui ở Trung Đông

Lời hứa rút Mỹ khỏi vũng lầy chiến tranh ở Trung Đông của Tổng thống Trump được cho là sẽ không thể thực hiện sau vụ không kích sát hại Tư lệnh Qassem Soleimani của Iran.

Quyết định không kích tiêu diệt nhân vật quyền lực số 2 tại Iran của Tổng thống Trump được các chuyên gia nhận định là bước đi biến sự đối đầu âm ỉ trở thành cuộc xung đột nóng giữa Washington và Tehran. Đây được cho là hành động phiêu lưu mạo hiểm nhất của Mỹ tại Trung Đông kể từ sau quyết định xâm lược Iraq năm 2003.

Không thể rút khỏi Trung Đông

Toan tính của Nhà Trắng có thể được hiểu là nhằm tái thiết lập khả năng răn đe, nhằm cho giới lãnh đạo Iran thấy các vụ tấn công tàu chở dầu tại vùng Vịnh, không kích cơ sở dầu mỏ trên lãnh thổ Saudi Arabia, các vụ tấn công vào công dân cũng như Đại sứ quán Mỹ ở Iraq sẽ bị trừng phạt.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ dù hiểu rõ Iran sẽ có hành động đáp trả, lại mù mờ không chắc chắn thời điểm và mức độ trả đũa của Tehran cho vụ sát hại Qassem Soleimani.

Đối với một vị tổng thống từng nhắc đi nhắc lại quyết tâm rút chân nước Mỹ khỏi vũng lầy Trung Đông, cuộc không kích hôm 3/1 nhắm vào tư lệnh đầy quyền uy của Iran đồng nghĩa với việc sẽ chẳng thể có con đường rút lui nào cho nước Mỹ trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, dù ông Trump có tái đắc cử vào năm 2020 hay không.

 Người biểu tình Iran đốt cờ Mỹ và Anh tại thủ đô Tehran sau vụ không kích hôm 3/1. Ảnh: AP.

Người biểu tình Iran đốt cờ Mỹ và Anh tại thủ đô Tehran sau vụ không kích hôm 3/1. Ảnh: AP.

Nói cách khác, trong bối cảnh Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ trả thù, Tổng thống Trump đã đưa nước Mỹ vào cuộc xung đột mà nhiều khía cạnh của cuộc chiến là chưa thể đoán định.

"Đây là một bước tiến khủng khiếp trên bậc thang xung đột. Với cái chết của Soleimani, chiến tranh đang tới, đó dường như là điều chắc chắn, câu hỏi duy nhất là khi nào, ở đâu và dưới hình thức nào", Charles Lister, chuyên gia Viện nghiên cứu Trung Đông tại Washington, nhận định.

Trong khi đó, cựu nhân viên CIA đồng thời là chuyên gia về chính trị Trung Đông Bruce Riedel cho rằng Nhà Trắng đã đưa nước Mỹ vào cuộc chiến kế tiếp tại Trung Đông, cuộc chiến lớn hơn bất cứ cuộc chiến nào trong quá khứ. Ông Riedel cho rằng đây không nhất thiết là một cuộc chiến tranh quy ước, trong bối cảnh Iran nắm lợi thế trong xung đột bất đối xứng.

Iran sẽ tránh đối đầu trực diện

Lịch sử đã cho thấy Iran sẽ không đối đầu với Mỹ trên tiền tuyến. Tehran là bậc thầy trong tấn công vào các mục tiêu mềm, khởi đầu là tại Iraq, và có thể mở rộng ra nhiều quốc gia khác. Trong vài năm qua, Iran đã phát triển khả năng gây ra tình trạng hỗn loạn ở quy mô nhỏ, và không nghi ngờ gì việc họ muốn đưa sự hỗn loạn tới nước Mỹ.

Hiện tại, ít nhất là về khía cạnh chính quy, Iran chưa thể làm được điều đó. Tuy nhiên, trong quá khứ, Iran đã thử nhiều phương án, trong đó có âm mưu sau đó bị hủy bỏ nhằm ám sát đại sứ Saudi Arabia ở thủ đô Washington. Hôm 2/1, Cục An ninh nội địa Mỹ cũng phát ra cảnh báo Tehran có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công trên không gian mạng.

Các chuyên gia nhận định leo thang sẽ sớm diễn ra ở Iraq, nơi Tehran vũ trang và tài trợ cho nhiều nhóm quân sự. Mặc dù vậy, tại Iraq, Iran vẫn là một thế lực không được chào đón rộng rãi. Đầu tháng 12, người dân tại nhiều thành phố Iraq đã đổ xuống đường biểu tình phản đối Iran can thiệp vào nền chính trị nước này.

Hezbollah và các tổ chức ủy nhiệm sẽ thay mặt Iran tiến hành các cuộc tấn công. Ảnh: AP.

Ngoài Iraq, vẫn còn vô số mục tiêu mềm giá trị cao khác trong khu vực mà Iran có thể nhắm tới, ví dụ như các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia. Hezbollah, Jihad, Houthi và các tổ chức ủy nhiệm của Iran tại Trung Đông được cho là sẽ thay mặt Tehran tiến hành các cuộc tấn công nếu xung đột tiếp tục leo thang.

Hiện tại, nhiều ý kiến bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống Trump có vượt quá thẩm quyền, và quyết định tiêu diệt Tư lệnh Suleimani, đòi hỏi sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.

"Câu hỏi ở đây là, như báo cáo cho biết, có thể việc ám sát mà không có sự cho phép của Quốc hội, nhân vật quyền lực thứ hai tại Iran, với hệ quả rõ ràng là sẽ làm bùng phát một cuộc chiến lớn tại khu vực?", Thượng nghị sĩ Dân chủ Christopher Murphy viết trên Twitter.

Tổng thống Trump có thể biện luận rằng ông đã làm những gì trong phạm vi thẩm quyền, cuộc không kích là một hành vi tự vệ. Đây có thể là một luận điểm đủ sức nặng trước Quốc hội Mỹ, trong bối cảnh Soleimani bị các quan chức cấp cao tại Washington cáo buộc chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng nghìn người Mỹ ở Iraq trong vài năm qua, và ông này đang lên kế hoạch cho nhiều cuộc tấn công khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định có thông tin tình báo cho thấy Soleimani đã lên nhiều kế hoạch cho các vụ tấn công nhắm vào công dân Mỹ tại khu vực. Đây được coi là cơ sở để Washington thực hiện học thuyết chiến tranh phủ đầu, ra đời dưới thời cựu tổng thống George Bush, để ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc chưa đưa ra bằng chứng cụ thể cho các kế hoạch tấn công mà họ cáo buộc Soleimani đang chuẩn bị.

Canh bạc chương trình hạt nhân Iran

Tổng thống Trump rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 trong sự phản đối của nhiều trợ lý và phần lớn các nước đồng minh chủ chốt, ngoại trừ Israel.

Ban đầu, Iran phản ứng tương đối mềm mỏng và vẫn giữ nguyên các cam kết mà nước này đưa ra, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận. Thế nhưng, xung đột bắt đầu leo thang từ cuối năm 2018.

Trước vụ không kích hôm 3/1, Iran đã lên kế hoạch sớm công bố những hành động tiếp theo liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Tehran được cho là sẽ tăng mức độ làm giàu Uranium tới ngưỡng đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh hiện nay, việc Tehran đẩy nhanh làm giàu Uranium càng trở nên khả thi, tạo ra nguy cơ về những nấc thang xung đột mới, khi Mỹ và Israel nhiều khả năng sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, bằng biện pháp quân sự hoặc tác chiến điện tử.

Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ trả thù Mỹ vì vụ không kích. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia nhận định sau khi kết thúc đám tang Tư lệnh Soleimani, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo sẽ sớm quyết định bước hành động kế tiếp nhằm đáp trả Washington.

Mỹ ít có khả năng tấn công một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên là một minh chứng. Nay, cái chết của Soleimani sẽ càng trở thành lời cảnh báo với Iran về nguy cơ xảy đến nếu không sở hữu vũ khí hạt nhân, và Tehran nhiều khả năng đi theo con đường của Pakistan và Triều Tiên, phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá.

Những người ủng hộ hành động của Tổng thống Trump cho rằng có thể hiểu được lý do Nhà Trắng lựa chọn tiêu diệt Soleimani, khi nhân vật này bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng nghìn binh sĩ Mỹ. Tuy nhiên, hậu quả của vụ không kích và nguy cơ trả đũa từ Iran là những đe dọa không ai có thể phủ nhận.

"Sẽ có leo thang căng thẳng, tôi biết họ sẽ phải làm gì đó, câu hỏi chỉ là liệu chúng ta có tạo ra nhiều sự răn đe hơn so với việc chúng ta không hành động hay không?", cựu giám đốc CIA David H. Petraeus, kiến trúc sư cuộc xâm lược Iraq năm 2003, thừa nhận.

Iran giương cờ đỏ 'báo thù Mỹ' trên nóc nhà thờ Hồi giáo Cờ đỏ được giương lên trong lễ tưởng niệm tướng Qassem Soleimani từ nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Qom cho thấy Iran đã sẵn sàng cho chiến tranh.

Duy Anh
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sat-hai-tuong-iran-tt-trump-khien-my-khong-con-duong-lui-o-trung-dong-post1032456.html