Sạt lở gần chân đập thủy điện Hương Điền: Không chủ quan

Mưa lớn nhiều ngày, khiến nhiều đoạn gần chân đập thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) sạt lở nghiêm trọng.

Báo cáo từ Sở Công thương tỉnh Thừ Thiên Huế cho biết, vị trí sạt lở cách vai trái chân đập thủy điện chỉ 60-200m, với khối lượng sạt lở khoảng 5.000m3 đất, đá, khiến chuyên gia đặc biệt lo ngại.

Hàng ngàn mét khối đất đá sạt lở gần chân đập thủy điện Hương Điền. Ảnh: LĐO

Hàng ngàn mét khối đất đá sạt lở gần chân đập thủy điện Hương Điền. Ảnh: LĐO

TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho hay, vị trí sạt lở chỉ cách chân đập có 60-200m là một khoảng cách rất gần, không thể chủ quan.

Về báo cáo của chủ công trình cho biết, đáy đập được đặt hoàn toàn trên nền đá gốc, do vậy việc sạt lở hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn công trình. Theo đó, Sở Công thương cũng kết luận hoạt động của nhà máy vẫn bình thường và công trình vẫn an toàn sau khi xảy ra điểm sạt lở nặng ở bờ trái phía hạ du.

TS Đào Trọng Tứ cho rằng cần phải quan trắc, khảo sát rất thận trọng mới kết luận được.

Ông giải thích, mặc dù đáy đập được đặt trên nền đá gốc, tuy nhiên cần phải xác định rõ vị trí sạt lở có nguy cơ lan lên chân đập hay không? Bởi, khả năng sạt trượt rất nhanh, chiều rộng sạt lở trải dài, nếu chỉ với khoảng cách vài chục tới vài trăm mét thì không thể xem thường.

Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh phải xem lại báo cáo của chủ đầu tư về vị trí sạt lở có địa chất là đá phiến sét, bị phong hóa và một phần là đất đắp để làm đường thi công..., báo cáo này đã chính xác chưa? Đã phản ánh đầy đủ thực tế cũng như những nguy cơ hay chưa? Điều ông lo ngại hơn là tình trạng một số chủ đầu tư vì lo sợ trách nhiệm mà giấu giếm sự việc, báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không trung thực sự việc đang xảy ra. Trong trường hợp này, nếu việc sạt lở xảy ra đúng như báo cáo của chủ đầu tư thì cũng phải theo dõi rất chặt chẽ, tuy nhiên, nếu việc sạt lở lại diễn ra từ trên đầu nguồn thì nguy cơ rất lớn.

Vì thế, vị chuyên gia đưa ra khuyến cáo với các cơ quan quản lý cần tiến hành kiểm tra, đánh giá, quan trắc thực địa dưới sự tham gia của các nhà chuyên môn để có đánh giá chính xác nhất.

Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát đánh giá và có phương án gia cố điểm sạt lở, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

Thủy điện Hương Điền là công trình thủy điện lớn ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thủy điện này có công suất 81MW, dung tích hồ chứa 820 triệu m3. Ngược lên phía thượng nguồn công trình này có một số thủy điện bậc thang, trong đó có dự án thủy điện Rào Trăng 3, nơi xảy ra sự cố sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khiến 17 công nhân chết, mất tích.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-anh/sat-lo-gan-chan-dap-thuy-dien-huong-dien-khong-chu-quan-3423739/