Sạt lở tại khu Phước Mỹ (Ái Nghĩa, Đại Lộc): Nhiều hộ dân muốn di dời nơi ở

Không còn là nguy cơ, sạt lở đất từ ngọn đồi phía sau nhà các hộ dân sinh sống tại tổ đoàn kết số 4, khu Phước Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa) đã xảy ra. Người dân mong cấp thẩm quyền sớm khảo sát, triển khai giải pháp đảm bảo an toàn.

Mái taluy đã sạt lở sát mép một hạng mục công trình của bệnh viện. Ảnh: C.T

Sạt lở gây sập nhà dân

Nhiều đợt mưa to, kéo dài khiến đất dần ngấm nước. Đặc biệt, đợt mưa lớn từ đêm đến sáng ngày 13/11 vừa qua (lượng mưa đo được tại trạm Ái Nghĩa là 198,8mm) đã “đẩy” đất đá từ đồi núi xuống phía sau nhà của 12 hộ dân thuộc tổ 4, làm sập bờ tường phía sau nhà chính liền kề của hộ bà Trần Thị Xảo.

Nhà hai hộ khác là bà Phan Thị Mai, ông Trần Quang Thao cũng bị sạt lở. Rất may, người dân kịp sơ tán trước đó. Ghi nhận thực tế, tổ 4 nằm sát mái taluy phần đất phía tây nam của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi (ĐKKVMN) phía bắc Quảng Nam với độ cao chừng 7 - 10m.

UBND huyện Đại Lộc cho biết ngày 2/10/2023 đã có Báo cáo số 427 gửi UBND tỉnh kiến nghị hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè chắn hạn chế sạt lở tại khu vực này. Liên quan đến sạt lở sáng 13/11/2023, huyện đã kiểm tra thực tế, chỉ đạo thị trấn Ái Nghĩa khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND huyện đã có Báo cáo số 513 ngày 15/11/2023 gửi UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Sở Y tế để có kế hoạch kiểm tra, sớm có giải pháp xử lý tình trạng sạt lở nhằm ổn định đời sống của nhân dân và sự an toàn của bệnh viện.

Một số hạng mục công trình của bệnh viện cũng nằm sát mái taluy, tiềm ẩn nguy cơ đổ ngã do sạt lở đất.

Theo chính quyền thị trấn Ái Nghĩa, nước mưa khu vực phía sau bệnh viện đổ dồn về chỗ trũng thấp, không có hệ thống cống rãnh thoát nước; cộng thêm nhiều chỗ mái taluy bị trơ trụi không có cây cỏ, thực bì nên đất nhão nhẹt dẫn đến sạt lở dài chừng 30m.

Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa - ông Hứa Văn Hùng cho biết, một số hộ tạm thời được sơ tán xen ghép vào nhà người thân, hộ còn lại sơ tán tập trung tại Trung tâm Thể dục thể thao Đại Lộc.

Địa phương hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân. Lãnh đạo huyện, một số ngành, đơn vị cũng đến thăm hỏi, động viên để người dân an tâm tránh trú.

Ông Hứa Văn Hùng cho biết, người dân đã an cư tại khu vực này hàng trăm năm nay và chưa từng xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, cảnh báo nguy cơ sạt lở đã được gióng lên. Do vậy, mỗi năm gần đến mùa mưa, chính quyền họp dân, đề nghị cam kết sơ tán để đảm bảo an toàn.

Và trong phương án ứng phó với thiên tai, UBND huyện Đại Lộc có đưa 12 hộ của tổ 4 vào diện phải sơ tán để phòng tránh hậu quả sạt lở, sụt lún đất. Người dân đã nhiều lần kiến nghị xem xét có giải pháp kè mái đồi để đảm bảo an toàn.

Cần giải pháp bền vững

Chiều 21/11, chính quyền thị trấn Ái Nghĩa đã mời các hộ dân tổ 4 họp để nghe đề đạt nguyện vọng. Nhiều hộ dân cho rằng nguy cơ sạt lở treo lơ lửng trên đầu, thời tiết thì ngày càng cực đoan khiến cuộc sống không ổn định, tâm trạng luôn bất an, đề xuất Nhà nước quan tâm bố trí chỗ tái định cư mới.

Ông Lê Xuân Khải nói: “Đại gia đình tôi sinh sống tại đây đã trải qua biết bao nhiêu thế hệ rồi, nay đi ở chỗ khác rất đau lòng. Nhưng tôi chọn xin đi, vì thực tế ở lại rất nguy hiểm. Vả lại, nhà tôi mà không giải tỏa thì sẽ không có chỗ thi công tường chắn”.

Tại cuộc họp, có 9 ý kiến mong muốn được bố trí tái định cư nơi ở mới, 3 ý kiến đề đạt xin ở lại và kiến nghị cần xây dựng kè chắn vì sạt lở tiếp diễn sẽ không chỉ ảnh hưởng riêng tổ 4. Nhưng dù muốn đi hay ở lại, các hộ đều chung nguyện vọng là được cấp trên hỗ trợ phù hợp, bởi cuộc sống hiện tại còn khó khăn.

Ghi nhận nguyện vọng, ông Hứa Văn Hùng cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo UBND huyện để có kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Y tế. Bởi, mái taluy đã sạt lở cận kề một số hạng mục nằm phía sau của Bệnh viện ĐKKVMN phía bắc Quảng Nam. Việc có biện pháp gia cố an toàn, lâu dài cho những công trình này là rất cần thiết nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKKVMN phía bắc Quảng Nam - ông Nguyễn Đình Hoàng cho biết, vừa qua đơn vị đã cho xây tường ngăn nước, hệ thống thoát nước ở phía sau để đưa nước mưa chảy ra phía trước; sẽ liên hệ người có chuyên môn đến khảo sát toàn bộ khu vực bệnh viện nhằm lên phương án khắc phục lâu dài, khoa học.

Ông Hứa Văn Hùng đề nghị, người dân trước mắt phải tuân thủ nghiêm phương án sơ tán đã cam kết, mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng. Không được cơi nới, lấn chiếm, xây mới hoặc chặt phá cây cối gây tác động đến độ bền vững của đồi, mà khuyến khích trồng cỏ. Hộ nào chưa có “sổ đỏ”, hoặc đang chờ tách sổ thì khẩn trương liên hệ với địa chính để được hướng dẫn theo quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân về sau...

CÔNG TÚ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/sat-lo-tai-khu-phuoc-my-ai-nghia-dai-loc-nhieu-ho-dan-muon-di-doi-noi-o-151937.html