'Sát thủ bắn tỉa' hạng nặng QBU10 của Trung Quốc có mạnh như quảng cáo?

Súng bắn tỉa QBU10 do ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tự nghiên cứu, phát triển; chủ yếu được trang bị cho các đơn vị chiến đấu trinh sát đặc nhiệm và thủy quân lục chiến của Trung Quốc.

QBU10 là loại súng bắn tỉa hạng nặng, có cỡ nòng 12,7 mm; QBU10 là cụm từ viết tắt đó là: Q: vũ khí hạng nhẹ; B: súng trường; U: bán tự động; 10: hoàn thành sản xuất hàng loạt và đưa vào biên chế trong năm 2010.

Súng bắn tỉa QBU10 chủ yếu được trang bị cho các đơn vị chiến đấu trinh sát đặc nhiệm và thủy quân lục chiến của Trung Quốc, để đối phó với các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ trong phạm vi đến 1.000 m; ngoài ra súng còn dùng để tiêu diệt các hỏa điểm, sinh lực, công sự, xe cơ giới hạng nhẹ, đài radar và các mục tiêu quan trọng khác.

Súng hoạt động theo nguyên lý trích khí ngắn và độ giật ngắn của nòng súng, sử dụng khóa nòng xoay; nguyên lý tự động lai này, tương tự như súng máy hạng nặng QJZ89 của Trung Quốc. Súng được trang bị loa giảm giật kiểu va đập phản lực rất lớn.

Mặc dù nó không phải là bản sao chép súng máy hạng nặng XM806 của Mỹ, nhưng súng cũng áp dụng nguyên lý chuyển động lùi của nòng súng trong quá trình bắn, để hấp thụ một phần năng lượng giật lại, do đó làm giảm độ giật lên vai xạ thủ.

Súng sử dụng cả thước ngắm cơ khí và quang học và có thể tháo rời khỏi súng; đáng chú ý là hệ thống ngắm quang học, được trang bị kính ngắm hồng ngoại ảnh nhiệt, có khả năng quan sát tốt cả trong điều kiện ban ngày lẫn đêm.

Súng QBU10 sử dụng hộp tiếp đạn có sức chứa 5 viên, có lỗ kiểm tra đạn; một khẩu QBU10 được trang bị 2 hộp tiếp đạn đi kèm. Súng được trang bị chân súng, có thể tháo rời; báng súng có thể điều chỉnh dài-ngắn, phù hợp với người bắn và tay xách. Theo thông tin của nhà sản xuất, tuổi thọ của nòng súng tương đương 3.000 phát bắn.

Hai loại đạn chuyên dùng của súng QBU10 hiện đang sử dụng là DBT10 và DBJ10; đạn chuyên dùng DBT10, đầu đạn bằng lõi thép, ngoài bọc đồng để nâng độ chính xác khi bắn; đuôi đầu đạn được chế tạo hình nón cụt để giảm lực cản xoáy, giúp nâng cao tầm bắn. Tổng trọng lượng của đạn DBT10 là 130g, đầu đạn nặng 46g, sơ tốc đạt 820m/s; nếu mục tiêu có đường kính 25 cm, độ lệch trung bình ở cự ly 200 m là 13 cm, ở 1.000 m là 62 cm.

Loại đạn chuyên dùng thứ hai là đạn đa chức năng DBJ10, thực chất đây là loại đạn xuyên giáp; nhưng không giống như loại đạn xuyên giáp trước đó, đầu đạn cấu tạo gồm mũ bọc nilon, lõi trơ, chất cháy.

Đạn DBJ10 không có chất nổ, nhưng lõi của viên đạn sau khi đâm xuyên qua mục tiêu, áp lực bên trong của lõi được giải phóng, khiến lõi đạn nổ tung, nhờ đó đạt được hiệu quả như chất nổ, tạo thành các mảnh vỡ. Mức chính xác của loại đạn này ở cự ly bắn 1.500 m, độ lệch trong vòng 1,5m.

Ngoài ra QBU10 cũng có thể bắn nhiều loại đạn 12,7mm khác nhau như đạn xuyên thép vạch đường kiểu 89 hoặc đạn thường kiểu 54; tuy nhiên sử dụng những loại đạn này, mức chính xác giảm đi rất nhiều.

Từ các bài kiểm tra độ chính xác được công bố, độ chính xác của súng QBU10 là không cao với một mẫu súng bắn tỉa. Ngay cả khi sử dụng đạn chuyên dùng DBJ10, ở cự ly 1.000m, mức chính xác khoảng 2,6 MOA (1 MOA = 1/60 độ).

Súng bắn tỉa trong quân đội thường có độ lệch từ 1-3 MOA; ở cự ly bắn 1.000 m, súng bắn tỉa sử dụng trong lực lượng thi hành công vụ của Mỹ thường có độ lệch 0,25-1,5 MOA; những khẩu súng gắn cố định có độ lệch còn nhỏ hơn, chỉ 0,15-0,3 MOA. Như vậy mức chính xác của QBU10 là không cao.

Lý do cho hiệu suất kém chính xác này là súng sử dụng nguyên lý lùi nòng để hấp thu độ giật hậu và kính ngắm quang học của súng có chất lượng kém so với kính ngắm của Nga và phương Tây.

Trên thực tế, mặc dù được gọi là súng bắn tỉa, nhưng QBU10 chủ yếu được sử dụng để tiêu diệt các thiết bị cơ giới và hoặc dùng vào các nhiệm vụ đặc biệt khác ở khoảng cách xa, như bắn hạ máy bay đậu trên sân bay, chứ ít khi dùng tiêu diệt sinh lực.

Súng bắn tỉa QBU10 được trang bị cho đội bắn tỉa từ 1 đến 3 người; hiện nay QBU10 đã thấy xuất hiện nhiều trong tất cả các phe xung đột tại Trung Đông, nhất là trên chiến trường Syria; tuy nhiên QBU10 cũng không tạo được dấu ấn nổi bật so với các mẫu súng bắn tỉa của Nga và phương Tây.

Cận cảnh tay xách trên súng bắn tỉa QBU10.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/sat-thu-ban-tia-hang-nang-qbu10-cua-trung-quoc-co-manh-nhu-quang-cao-1335714.html